Thứ Ba, 21/02/2023 09:00

Các hãng hàng không Việt bay nhiều nhưng vẫn lỗ đậm

Tuy đã thoát khỏi cơn ác mộng dịch bệnh, song các hãng hàng không Việt Nam dù có bay nhiều nhưng vẫn lỗ. Trong khi đó, các công ty kinh doanh dịch vụ hàng không lại lãi đậm.

Sau hai năm đại dịch, thị trường hàng không Việt Nam phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022, với số chuyến bay khai thác lên đến 313 ngàn chuyến , gấp gần 2.5 lần so với cùng kỳ. Ấy vậy mà các hãng hàng không vẫn lỗ đậm.

Theo lý giải từ các hãng bay, thị trường quốc tế - vốn mang lại biên lợi nhuận cao - hồi phục chậm hơn dự báo . Theo thống kê của Cục Hàng không, năm 2022, các hãng trong nước vận chuyển 11 triệu khách quốc tế, tăng 22 lần so với 2021, nhưng vẫn chưa bằng 30% năm 2019.

Năm 2022, giá nhiên liệu máy bay Jet A1 bình quân 130 USD/thùng, gần gấp đôi mức 72 USD/thùng của năm 2021. Ngoài ra, lãi suất cao cùng với sự biến động về tỷ giá cũng làm gia tăng chi phí tài chính của các hãng hàng không Việt Nam.

Năm 2022, Vietnam Airlines lỗ ròng hơn 10 ngàn tỷ đồng, dù doanh thu tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ. Đến cuối năm, hãng hàng không quốc gia lỗ lũy kế 34 ngàn tỷ và âm vốn chủ hơn 10 ngàn tỷ đồng, do đó, đứng trước nguy cơ hủy niêm yết.

Kết quả kinh doanh của HVNVJC

Đvt: Tỷ đồng

Vietjet ghi nhận doanh thu hợp nhất khoảng 39.3 ngàn tỷ đồng, tăng gấp hơn 3 lần năm 2021. Dù vậy, hãng bay này vẫn lỗ gộp 2,166 tỷ đồng do giá vốn cả năm khoảng 41,500 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 2.8 lần năm trước đó. Cả hai hãng hàng không này cũng ghi nhận chi phí tài chính tăng mạnh trong năm qua.

Hãng hàng không non trẻ Vietravel Airlines tiếp tục báo lỗ trong năm vừa qua với mức giá nhiên liệu trên. Đại diện Vietravel Airlines từng chia sẻ giai đoạn cao điểm hè 2022 dù tăng giá vé, hãng vẫn chưa thể bù đắp được tổng chi phí hoạt động. Trong lần trả lời báo chí, ông Nguyễn Quốc Kỳ , Chủ tịch HĐQT Vietravel Airlines cho biết, thị trường hàng không tuy đã phục hồi nhưng chưa đủ độ chín muồi như giai đoạn 2018-2019. Hiện tại, các hãng đều đang "càng bay càng lỗ" và không thể thoát lỗ trong năm 2022. 

Các công ty dịch vụ hàng không lãi đậm

Trái ngược với tình cảnh của các hãng bay, các doanh nghiệp dịch vụ hàng không lãi lớn khi thị trường hàng không sôi động trở lại, với lượng khách nội địa tăng gấp 3.7 lần năm 2021, lên 55 triệu lượt.

Kết quả kinh doanh của các công ty kinh doanh dịch vụ hàng không

Đvt: Tỷ đồng

Nguồn: VietstockFinance

CTCP Dịch vụ Hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco) ghi nhận doanh thu khoảng 1,400 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ năm 2021, lãi ròng 210 tỷ đồng. CTCP Phục vụ Mặt đất Sài gòn (SGN) cũng báo lãi gấp hơn 2 lần cùng kỳ, đạt 138 tỷ đồng. CTCP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (SCS) ghi nhận lãi ròng hơn 646 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ.

Còn ông lớn Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đạt doanh thu hơn 13,800 tỷ đồng, gần gấp 3 lần năm trước. Cả năm 2022, ACV lãi trước thuế hơn 8,800 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi chưa đến 1,000 tỷ đồng.

Hàng không Việt sẽ hoàn toàn hồi phục cuối năm 2023?

Nhìn về phía trước, Cục Hàng không Việt Nam đưa ra dự báo thị trường hàng không sẽ hồi phục hoàn toàn trong năm 2023.

Thị trường nội địa hiện đã phục hồi và có sự tăng trưởng cao so với giai đoạn năm 2019, trong khi thị trường quốc tế có thể đạt mức 2019 vào cuối năm 2023.

Cơ quan này còn dự báo tổng thị trường vận tải hàng không năm nay xấp xỉ 80 triệu khách và 1.44 triệu tấn hàng hóa, tăng tương ứng 45% về hành khách và 15% về hàng hóa so với năm 2022.

Trong đó vận chuyển nội địa đạt 45,5 triệu khách, tăng 5% so với năm ngoái và tăng 22% so với 2019; hàng hoá đạt 230,000 tấn, tăng 55% so với năm 2022 và bằng 85% so với trước dịch. Vận chuyển quốc tế đạt khoảng 34 triệu khách, bằng ba lần so năm ngoái và 83% so với năm 2019; hàng hoá đạt 1.23 triệu tấn, tăng 10% so với năm 2022 và 22.4% so với năm 2019.

Ngoài ra, việc điều chỉnh của Trung Quốc liên quan đến kiểm dịch y tế, xuất nhập cảnh áp dụng từ ngày 08/01 là cơ hội để các hãng hàng không hai nước phục hồi việc khai thác thị trường quan trọng này. Tuy nhiên, Cục Hàng không Việt Nam cũng lưu ý việc phục hồi của thị trường Trung Quốc sẽ diễn ra từ từ do các khó khăn nội tại về tâm lý e ngại dịch bệnh quay lại, kinh tế khó khăn.

Theo đó, khoản cắt giảm chi phí đi lại, du lịch sẽ diễn ra đầu tiên đối với đa số người dân. Hành khách đi lại chủ yếu trong giai đoạn tới vẫn sẽ là khách công vụ, thương nhân, thăm thân và du học sinh. Trong giai đoạn ngắn hạn, thị trường hàng không Việt Nam - Trung Quốc chưa thể phục hồi như thời điểm trước dịch.

Theo SSI Research, đối với Việt Nam, sự hồi phục của thị trường Trung Quốc là yếu tố đáng kể tác động đến ngành, khi khách Trung Quốc chiếm 32% khách quốc tế đến Việt Nam qua đường hàng không trong năm 2019 và Trung Quốc là điểm đến du lịch sôi động nhất đối với người Việt Nam.

“Chúng tôi ước tính khách Trung Quốc đến Việt Nam dần hồi phục trong Q2/2023, trước khi đạt đỉnh vào kỳ nghỉ hè 2023. Các chuyến bay quốc tế 2024 có thể vượt qua mức 2019, đánh dấu hồi phục hoàn toàn cho ngành hàng không Việt Nam”, SSI Research cho biết.

SSI Research cho biết thêm, lợi nhuận các hãng hàng không được hỗ trợ bởi giá nhiên liệu giảm và công suất đội bay tăng nhưng vẫn duy trì ở mức thấp hoặc âm.

“Chúng tôi ước tính các hãng hàng không vẫn lỗ trong 2023, mặc dù lỗ ít hơn so với 2022, khi nhu cầu dồn nén du lịch trong nước và thu nhập khả dụng giảm ảnh hưởng đến nhu cầu du lịch quốc tế và trong bối cảnh cạnh tranh về giá để giành thị phần”, các chuyên viên phân tích cho biết.

Vũ Hạo

FILI

Các tin tức khác

>   PIT: BCTC Quý 01.2021 (20/04/2021)

>   PIT: BCTC Quý 02.2021 (19/07/2021)

>   PIT: BCTC Quý 02.2021 (07/10/2021)

>   PGV: BCTC Quý 02.2021 (04/01/2022)

>   PGV: BCTC Quý 03.2021 (04/01/2022)

>   PGV: BCTC Quý 03.2021 (04/01/2022)

>   PGV: BCTC Quý 04.2021 (08/02/2022)

>   "Vua tôm" Minh Phú lãi kỷ lục, vẫn không hoàn thành kế hoạch năm (20/02/2023)

>   BBC: BCTC Quý 02.2021 (16/09/2021)

>   Hapaco hủy tiêu chí giới tinh hoa  (18/02/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật