Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục giãn, giảm và gia hạn thuế để hỗ trợ doanh nghiệp
Với dự báo nền kinh tế sẽ còn gặp nhiều khó khăn, thách thức trong năm 2023, Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất với các cấp có thẩm quyền nhiều giải pháp về giãn, giảm, gia hạn thuế, phí để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.
Ảnh minh họa
|
Để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế ứng phó với các khó khăn, thách thức và phục hồi, phát triển, đồng thời góp phần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội, trong những năm qua, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, đề xuất, trình các cấp có thẩm quyền cũng như ban hành theo thẩm quyền các giải pháp trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt là các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được triển khai thực hiện liên tục trong 03 năm 2020 - 2022 với giá trị hỗ trợ lớn, phạm vi hỗ trợ rộng chưa từng có tiền lệ.
Riêng trong năm 2022, bên cạnh giải pháp giảm thuế suất thuế GTGT từ 10% xuống 8% đối với hầu hết các mặt hàng có mức thuế suất 10% thì còn nhiều giải pháp hỗ trợ quan trọng khác được triển khai như gia hạn thời hạn nộp các loại thuế, tiền thuê đất; giảm mức thuế BVMT đối với các mặt hàng xăng dầu về mức sàn trong khung thuế;... với quy mô hỗ trợ ước tính khoảng 233 ngàn tỷ đồng.
Các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất nêu trên đã góp phần vào những kết quả tích cực trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cũng như hoạt động của doanh nghiệp, người dân, qua đó đóng góp trở lại vào kết quả hết sức tích cực của ngành tài chính trong năm 2022.
Bước sang năm 2023, bên cạnh những điều kiện thuận lợi kế thừa từ thành tựu trong phục hồi kinh tế năm 2022, dự báo còn nhiều rủi ro, thách thức từ những biến động khó lường của tình hình thế giới có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.
Đề xuất gia hạn loạt sắc thuế năm nay
Để kịp thời, chủ động trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, Bộ Tài chính đã và sẽ tiếp tục chủ động theo dõi sát diễn biến, cân đối với điều kiện thực tế để nghiên cứu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền các giải pháp phù hợp, trước mắt tập trung nghiên cứu triển khai một số giải pháp ngay từ đầu năm 2023.
Thứ trưởng Cao Anh Tuấn cho biết, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép gia hạn chính sách giảm tiền thuê đất, mặt nước năm nay như mức áp dụng trong năm 2022. Các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp, sẽ được giảm 30% tiền thuê đất, mặt nước phải nộp của năm 2023. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đề xuất tiếp tục giãn, hoãn thời gian nộp thuế cho doanh nghiệp.
Mới đây, Bộ Tài chính đã hoàn thiện và đang lấy ý kiến về dự thảo nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, TNDN, TNCN và tiền thuê đất trong năm 2023. Theo dự thảo nghị định, với thuế GTGT, Bộ Tài chính đề xuất gia hạn 6 tháng đối với số thuế GTGT từ tháng 1 đến tháng 5/2023 và quý I/2023, gia hạn 5 tháng đối với số thuế GTGT của tháng 6/2023 và quý II/2023. Thời gian gia hạn tại điểm này được tính từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế GTGT theo quy định của pháp luật về quản lý thuế. Tổng số thuế GTGT gia hạn từ tháng 1 đến tháng 6/2023 và quý I, quý II/2023 khoảng 64,000 - 65,000 tỷ đồng.
Đối với thuế TNDN, Bộ Tài chính đề xuất gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế TNDN tạm nộp của quý I, quý II kỳ tính thuế TNDN năm 2023. Thời gian gia hạn là 3 tháng, kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế TNDN theo quy định của pháp luật về quản lý thuế. Ước tính số thuế được gia hạn khoảng 42,800 - 43,600 tỷ đồng.
Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ trình UBTVQH ban hành Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 ngày 30/12/2022. Theo đó, tiếp tục giảm thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn áp dụng trong năm 2023 để hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp, người dân trong bối cảnh giá các mặt hàng này vẫn còn ở mức cao, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn cho biết, Bộ Tài chính cũng sẽ tiếp tục cải cách trên mọi mặt công tác như: hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, cải cách thủ tục hành chính theo hướng toàn diện và hiệu quả hơn, tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hoá các lĩnh vực của ngành tài chính, đặc biệt là trong các lĩnh vực thuế, hải quan, vốn được xem là các lĩnh vực có liên quan nhiều và trực tiếp tới doanh nghiệp, người dân nhằm tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp để cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Nhật Quang
FILI
|