Vàng thế giới đi ngang ở đỉnh 8 tháng
Giá vàng ổn định sau khi chạm mức cao nhất trong 8 tháng vào ngày thứ Tư (11/01), khi nhà đầu tư đặt lại vị thế trước khi dữ liệu lạm phát Mỹ công bố có thể ảnh hưởng đến đường lối chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư, hợp đồng vàng giao ngay ổn định ở mức 1,877.51 USD/oz. Hợp đồng vàng tương lai nhích 0.1% lên 1,878.9 USD/oz.
Jim Wyckoff, Chuyên gia phân tích cấp cao tại Kitco Metals, nhận định: “Giá đang có xu hướng giảm do một số hoạt động chốt lời từ các nhà đầu cơ hợp đồng tương lai ngắn hạn trước khi báo cáo CPI công bố vào ngày mai. Thị trường có thể tiếp tục đi ngang trước khi dữ liệu lạm phát được công bố”.
Báo cáo giá tiêu dùng tại Mỹ sẽ được theo dõi chặt chẽ, sau khi Fed hạ tốc độ nâng lãi suất xuống tăng 50 điểm cơ bản trong tháng 12/2022 sau 4 đợt nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản.
Nhà đầu tư nhận thấy 77% cơ hội Fed sẽ nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản lên 4.50% - 4.75% trong tháng 02/2023, và lãi suất sẽ đạt đỉnh 4.92% vào tháng 6/2023.
Susan M. Collins, Chủ tịch Fed khu vực Boston, cho biết bà đang nghiêng về việc nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản tại cuộc họp sắp tới của ngân hàng trung ương, New York Times đưa tin.
Vàng được xem là một kênh phòng ngừa lạm phát, tuy nhiên, rất nhạy cảm với lãi suất cao, vì làm tăng chi phí cơ hội cho việc nắm giữ kim loại không đem lại lợi suất.
Craig Erlam, Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Oanda, nhận định: “Đây có thể là một báo cáo lớn nếu chúng ta có thêm số liệu tốt cho thấy lạm phát giảm nhanh hơn dự kiến”.
“Trong khi những lo ngại kéo dài về quy mô và tác động của các đợt bùng phát COVID-19 ở quốc gia tiêu thụ vàng hàng đầu Trung Quốc, trong dài hạn, Trung Quốc được kỳ vọng sẽ phục hồi mạnh mẽ, điều này có thể kích thích thêm nhu cầu”, ông Erlam nói.
An Trần (Theo CNBC)
FILI
|