Thủy điện Miền Nam có quý 4 đi lùi, lợi nhuận bằng nửa cùng kỳ
Theo BCTC quý 4/2022, CTCP Thủy điện Miền Nam (HOSE: SHP) có kỳ kinh doanh đi lùi vì lưu lượng nước sụt giảm. Dẫu vậy, lũy kế cả năm, Doanh nghiệp vẫn có lợi nhuận tăng trưởng dương (20%).
Cụ thể, doanh thu quý 4 của SHP đạt hơn 186 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ. Giá vốn giảm nhẹ 6%, nhưng sau khi khấu trừ, lãi gộp của Công ty còn 96.8 tỷ đồng, thấp hơn 21% so với quý 4/2021.
Kết quả kinh doanh của SHP trong quý 4 và cả năm 2022
|
Doanh thu hoạt động tài chính tăng mạnh lên 1.7 tỷ đồng, gấp 15 lần cùng kỳ. Chi phí tài chính giảm mạnh 35%, còn gần 6 tỷ đồng, nhưng chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 24% lên hơn 16 tỷ đồng. Công ty ghi nhận thêm khoản lỗ khác 3.7 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 50 triệu đồng). Kết quả, lãi sau thuế của SHP còn gần 42 tỷ đồng, giảm 57% so với cùng kỳ.
Theo SHP giải thích, nguyên nhân khiến doanh thu sụt giảm đến từ việc lưu lượng nước trong quý 4/2022 thấp hơn, dẫn tới sản lượng điện thấp hơn 31% so với cùng kỳ, kéo lợi nhuận giảm sút.
Trước quý 4, giống như nhiều doanh nghiệp thủy điện khác, SHP làm ăn có lãi lớn nhờ lượng mưa ổn định |
|
Dẫu vậy, nhờ lượng mưa năm 2022 đến sớm và kết thúc muộn hơn năm trước, đồng thời giá bán điện bình quân tăng lên 11% (tương ứng 113 đồng/kWh), lũy kế cả năm, SHP vẫn tăng 13% doanh thu và 20% lợi nhuận sau thuế so với năm trước, tương ứng đạt 746 tỷ đồng và 318 tỷ đồng. Kết quả này cũng giúp SHP vượt chỉ tiêu cả năm, vượt gần 19% kế hoạch doanh thu và 30% mục tiêu lợi nhuận đặt ra tại ĐHĐCĐ 2022.
Về cơ cấu tài sản, tổng tài sản của của SHP tại thời điểm 31/12/2022 gần 1.77 ngàn tỷ đồng, với phần lớn đến từ tài sản cố định (hơn 1.38 ngàn tỷ đồng). Tiền mặt và các khoản tương đương tiền đang nắm giữ hơn 219 tỷ đồng. Phải thu ngắn hạn gần 123 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm.
Bên kia bảng cân đối, nợ ngắn hạn cuối kỳ giảm 20% so với đầu năm, còn 205 tỷ đồng. Hiện tại, SHP còn 2 khoản nợ tại Vietcombank và Shinhan Bank, tổng cộng 239 tỷ đồng.
Hồng Đức
FILI
|