Ngoài Condotel và Officetel, HoREA đề nghị đưa loạt loại hình có chức năng lưu trú vào luật
Ngoài loại hình căn hộ Condotel và Officetel, HoREA đề nghị bổ sung loại sản phẩm “công trình xây dựng không phải là nhà ở có công năng phục vụ mục đích lưu trú” vào dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).
Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp góp ý một số quy định của Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).
Trong đó, Hiệp hội đề nghị bổ sung loại sản phẩm “công trình xây dựng không phải là nhà ở có công năng phục vụ mục đích lưu trú” vào điểm b khoản 1 Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) quy định “Hợp đồng mua bán, thuê mua căn hộ du lịch, căn hộ văn phòng kết hợp lưu trú” để bảo đảm “phạm vi điều chỉnh” của luật.
Ngoài loại hình căn hộ Condotel và Officetel, HoREA đề nghị bổ sung loại sản phẩm “công trình xây dựng không phải là nhà ở có công năng phục vụ mục đích lưu trú” vào dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).
|
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA cho biết, Điều 45 Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) quy định “Hợp đồng trong kinh doanh bất động sản”, tại điểm b khoản 1 quy định:“b) Hợp đồng mua bán, thuê mua căn hộ du lịch, căn hộ văn phòng kết hợp lưu trú” chỉ điều chỉnh 2 đối tượng là “căn hộ du lịch” (Condotel) và “căn hộ văn phòng kết hợp lưu trú” (Officetel) theo cách “liệt kê” nên đã không khái quát hoá “phạm vi điều chỉnh” của luật, nên chưa bao gồm loại hình “căn hộ dịch vụ” đã tồn tại từ lâu, hoặc “cửa hàng kết hợp lưu trú (Shophouse)” trong toà nhà chung cư hỗn hợp, toà nhà Condotel và có thể trong tương lai gần sẽ có loại hình “căn hộ trải nghiệm nông nghiệp (farmstay)” trong toà nhà cao tầng (hiện nay mới chỉ có “farmstay” dạng nhà riêng lẻ), nên chưa bảo đảm “phạm vi điều chỉnh” của luật.
Cũng theo ông Châu, Điểm b khoản 1 Điều 45 Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) chưa thật đồng bộ, thống nhất với khoản 2 Điều 6 Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) quy định “các loại bất động sản đưa vào kinh doanh” trong đó có “2. Công trình xây dựng có sẵn và công trình xây dựng hình thành trong tương lai có công năng phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, du lịch, lưu trú” có tính khái quát cao hơn.
Hiệp hội nhận thấy, nên sử dụng khái niệm “công trình xây dựng không phải là nhà ở có công năng phục vụ mục đích lưu trú” để bổ sung thêm vào điểm b khoản 1 Điều 45 Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).
Do đó, Hiệp hội đề nghị sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 Điều 45 Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), như sau: “b) Hợp đồng mua bán, thuê mua căn hộ du lịch, căn hộ văn phòng kết hợp lưu trú hoặc công trình xây dựng không phải là nhà ở có công năng phục vụ mục đích lưu trú”.
Thủ tướng yêu cầu 'quản chặt' mô hình farmstay
Trước đó, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xử lý thông tin liên quan đến hoạt động của mô hình du lịch kết hợp trang trại nghỉ dưỡng (farmstay).
Theo thông tin báo chí, farmstay là mô hình du lịch kết hợp trang trại nghỉ dưỡng. Hiện nay, mô hình này đang nở rộ với nhiều hình thức mới nhưng vẫn chưa có khung pháp lý điều chỉnh. Trong khi đó, phần lớn các dự án farmstay có nguồn gốc đất nông nghiệp, lâm nghiệp, thậm chí là đất lấn chiếm.
Các cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu để ban hành chính sách, điều chỉnh hoạt động của mô hình farmstay, tránh các biến tướng tiêu cực ảnh hưởng tới môi trường đầu tư, kinh doanh.
Về việc này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao nghiên cứu, có giải pháp quản lý phù hợp.
|
Ninh Phan
Tiền phong
|