Một năm buồn của chứng sĩ!
Sau cơn say chiến thắng của 2 năm trước, các chứng sĩ chợt bừng tỉnh trước tình cảnh hoàn toàn khác lạ: VN-Index lao dốc 33% và hơn 80% cổ phiếu giảm trong năm 2022. Chứng khoán giờ như cơn ác mộng mà không ai muốn lạc vào.
Với những người ham mê chạy theo những mức đỉnh mới của thị trường vào đầu năm, họ có lẽ đã lãng quên rủi ro đang lớn dần sau 2 năm tăng quá nóng và tích tụ quá nhiều kỳ vọng. Dĩ nhiên, làm gì có tài sản nào tăng mãi và thời điểm mọi thứ quay đầu là lúc họ phải trả giá.
Sau khi lập đỉnh gần 1,529 điểm vào đầu năm, VN-Index bắt đầu trồi sụt trước khi đổ đèo vào tháng 4/2022. Đó là lúc những tin tức sai phạm của ông Trịnh Văn Quyết và Tập đoàn Tân Hoàng Minh nổi lên và gây hoảng loạn cho thị trường. Và khi còn chưa kịp hoàn hồn trở lại thì vụ bắt bớ liên quan Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và cuộc khủng hoảng trái phiếu xuất hiện như “cú đấm bồi” khiến niềm tin vụn vỡ.
Nguồn: VNDirect
|
Bên cạnh những sai phạm trên thị trường chứng khoán, các điều kiện tài chính rõ ràng cũng bị thắt chặt khi NHNN nâng mạnh lãi suất điều hành và siết tín dụng chảy vào các kênh đầu cơ, như chứng khoán. Ngoài ra, bức tranh doanh nghiệp cũng xuất hiện những “vết nứt” về lợi nhuận từ quý 3/2022.
Trong bối cảnh đó, cổ phiếu lao dốc không phanh là điều dễ hiểu. VN-Index có lúc rớt xuống mức 880 điểm, cùng với đó là sự mất hút của thanh khoản. Khép lại phiên cuối cùng của năm, VN-Index ở mức 1,007 điểm, lao dốc gần 33% so với đầu năm.
Mua dễ... lỗ
Trái ngược với 2 năm trước đó, những người lỡ tay rót tiền trong năm nay nhiều khả năng thua lỗ. Nếu chọn 1 cổ phiếu đang niêm yết vào đầu năm và giữ tới cuối năm, bạn sẽ có xác suất thua lỗ tới 82%, trong khi xác suất thắng chỉ 17%.
Thậm chí, xác suất chọn được mã giảm hơn 60% (26%) còn cao hơn xác suất chiến thắng (17%).
Chưa kể, giao dịch trong năm 2022 cũng không dễ dàng. Trong 249 phiên, VN-Index có 126 phiên giảm và 123 phiên tăng.
Những cái tên ngược dòng
Trong bối cảnh u tối của năm 2022, đâu đó vẫn có những cổ phiếu chiến thắng âm thầm trên sàn chứng khoán. Top 5 cổ phiếu tăng mạnh nhất trên sàn HOSE gọi tên TNC, FIR, CTF, PDN và VNS. Ở Sàn HNX, 5 cái tên đó là VLA, SGD, PRC, INC và CJC. Tuy nhiên, mẫu số chung của những cổ phiếu này là có thanh khoản rất thấp.
Nguồn: VietstockFinance
|
Ở chiều ngược lại, nhóm các cổ phiếu giảm mạnh nhất đều có liên quan tới những vụ lùm xùm gần đây. Trên HOSE, 5 cổ phiếu giảm mạnh nhất là AMD (liên quan tới FLC), IBC (chuỗi trung tâm Anh ngữ APAX English), HPX (bán giải chấp), TVB (lãnh đạo bị bắt) và NVL (trái phiếu, bất động sản).
Trên HNX, 5 cái tên này là ART và FLF (liên quan tới FLC), DVG, VKC (mất khả năng thanh toán), LDP (liên quan tới vụ bắt giữ ông Đỗ Thành Nhân).
Trải qua giai đoạn đau thương như thế này, những "tay mơ" phần nào nhận ra đầu tư có lẽ không dễ như họ tưởng. Tuy nhiên, đây cũng là bài học cần thiết để lớp nhà đầu tư mới trưởng thành hơn và suy xét kỹ lưỡng hơn mỗi khi đứng trước cơ hội đầu tư nào đó trong tương lai.
Vũ Hạo
FILI
|