May 10 đặt kế hoạch doanh thu 2023 đi ngang, ước đạt 4,500 tỷ
Dự báo thị trường còn gặp nhiều khó khăn, Tổng Công ty May 10 - CTCP (May 10, UPCoM: M10) đặt mục tiêu doanh thu năm 2023 đạt 4,500 tỷ đồng, đi ngang so với ước thực hiện năm 2022.
Tại Hội nghị tổng kết năm 2022, ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc May 10 cho biết 2022 là năm khó khăn chung của toàn ngành dệt may bởi nhiều yếu tố như xung đột địa chính trị, lạm phát, tỷ giá lãi suất tăng cao, sức mua giảm trên toàn cầu… kéo theo chi phí sản xuất của May 10 tăng, đơn hàng giảm từ 10-15%, giá thành sản phẩm giảm.
Trong bối cảnh khó khăn đó, May 10 vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra. Cụ thể, tổng doanh thu năm 2022 ước đạt 4,500 tỷ đồng, tăng gần 28% so với năm 2021 và vượt hơn 18% kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 130 tỷ đồng, tăng gần 42% so với năm 2021 và vượt hơn 8% kế hoạch.
Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên diễn ra vào tháng 4/2022, Tổng Công ty đã thông qua kế hoạch tổng doanh thu 3,800 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 120 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh những năm gần đây của May 10 |
|
Trong năm 2022, May 10 tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất, tăng năng lực sản xuất tại các xí nghiệp (XN). Đặc biệt, XN Bỉm Sơn được đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng.
Đồng thời, Tổng Công ty tiếp tục mở rộng và phát triển thị trường, phát triển sản phẩm khi nghiên cứu và cho ra mắt 2 dòng sản phẩm mới là DETHEIA và GENEROS. Ngoài ra, May 10 đã tập trung vào công tác nghiên cứu và tổ chức sản xuất áp dụng rộng rãi thiết kế ảo trên 3D trong thiết kế và mô phỏng sản phẩm.
Năm 2023, xác định tình hình khó khăn của thị trường trong và ngoài nước vẫn tiếp diễn, May 10 đặt mục tiêu doanh thu đạt 4,500 tỷ đồng, không đổi so với ước thực hiện năm 2022 và thu nhập bình quân 9.4 triệu đồng/người/tháng.
Kịch bản nào cho dệt may năm 2023?
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam (VITAS), cho biết năm 2022, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam đạt 44 tỷ USD, trong khi mục tiêu đề ra là 47 tỷ USD.
Kết quả trên là nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp. Trong 6 tháng cuối năm 2022, các thị trường chính của dệt may Việt Nam rơi vào lạm phát, sức mua giảm mạnh, đến quý 4/2022, đơn hàng đã giảm đến 30%, có doanh nghiệp giảm đến 70% đơn hàng ở thị trường châu Âu.
Trước tình hình như vậy, VITAS vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng vượt kết quả năm 2022. Cụ thể, năm 2023, ngành dệt may đưa ra các kịch bản tăng trưởng, trong đó kịch bản tích cực là xuất khẩu dệt may có thể đạt từ 47-48 tỷ USD và kịch bản kém tích cực hơn là đạt khoảng 45-46 tỷ USD.
Trong điều kiện kịch bản thuận lợi, những bất ổn từ thị trường thế giới có thể được kiểm soát, ngành may mặc dự báo hết quý 1/2023 mọi hoạt động sẽ phục hồi. Vì vậy, kịch bản 48 tỷ USD có thể thành hiện thực.
Tuy nhiên, theo ông Giang, trong kịch bản hai ít thuận lợi khi thị trường phục hồi vào nửa cuối năm 2023 - mức độ tăng trưởng của ngành sẽ khoảng 4.5% và cán mức ở 45 tỷ USD.
Thế Mạnh
FILI
|