Lo ngại suy thoái 'phủ bóng' lên thị trường dầu mỏ thế giới
Nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu và việc nới lỏng chính sách kiểm soát dịch COVID-19 tại Trung Quốc dự kiến sẽ chi phối nhu cầu dầu mỏ thế giới.
Nhà máy lọc dầu của Tập đoàn Gazprom ở ngoại ô Moskva, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)
|
Theo báo cáo Triển vọng Thị trường Hàng hóa của Ngân hàng Thế giới (WB), sự giảm tốc của kinh tế toàn cầu và những lo ngại về suy thoái đã vượt xa những lo lắng về thiếu hụt nguồn cung dầu mỏ.
Các chuyên gia cho rằng có nhiều yếu tố có thể làm thay đổi đáng kể cung-cầu toàn cầu. Đối với nguồn cung, các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) đối với Nga và chính sách áp giá trần của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), chính sách sản lượng của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, còn gọi là (OPEC+), hoạt động sản xuất dầu đá phiến của Mỹ, việc sử dụng và bổ sung kho dự trữ dầu chiến lược được coi những nhân tố chính.
Trong khi đó, nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu và việc nới lỏng chính sách kiểm soát dịch COVID-19 tại Trung Quốc dự kiến sẽ chi phối nhu cầu dầu mỏ.
Nguồn cung bấp bênh
Về phía Nga, sản lượng dầu của nước này dự kiến sẽ giảm trong năm 2023 khi các lệnh trừng phạt bổ sung có hiệu lực. Tổng sản lượng dầu của Nga đã giảm nhẹ khoảng 0,3 triệu thùng/ngày kể từ khi bùng phát xung đột tại Ukraine, thấp hơn nhiều so với mức giảm 2,5-3 triệu thùng/ngày được dự đoán trong Báo cáo Thị trường Dầu tháng 4/2022 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).
Hoạt động sản xuất dầu mỏ của Nga đã nhận được hỗ trợ nhờ việc định tuyến lại thị trường xuất khẩu từ các nền kinh tế G7 sang các quốc gia khác, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, xuất khẩu của Nga có thể sẽ giảm vào năm 2023 do các biện pháp trừng phạt bổ sung.
EU đã cấm hầu hết hoạt động nhập khẩu dầu thô từ Nga (bắt đầu từ ngày 5/12/2022) và sẽ cấm nhập khẩu các sản phẩm dầu từ tháng 2/2023. Việc định tuyến lại các hoạt động xuất khẩu này có thể gây khó khăn hơn cho Nga, đặc biệt là đối với hoạt động xuất khẩu qua đường ống dẫn vốn có ít lựa chọn vận chuyển thay thế.
Ngoài lệnh cấm trên, Anh và EU còn cấm cung cấp các dịch vụ hàng hải, đặc biệt là bảo hiểm, đối với các tàu chở dầu thô của Nga, trừ khi các tàu này tuân thủ giá trần của G7.
Về phía OPEC+, sản lượng của tổ chức này sẽ vẫn tuân theo chính sách hạn ngạch của khối trong năm 2023. Các thành viên OPEC+ đã nhất trí cắt giảm mục tiêu sản lượng 2 triệu thùng mỗi ngày bắt đầu từ tháng 11/2022 và kéo dài đến cuối năm 2023. Do hầu hết các thành viên OPEC+ đang sản xuất thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra, việc cắt giảm nguồn cung của OPEC+ thực tế vào khoảng 1,1 triệu thùng/ngày. Tổng cộng, sản lượng của OPEC+ hiện thấp hơn 3,22 triệu thùng/ngày so với mức mục tiêu trong tháng Mười.
Về phía Mỹ, kho dự trữ dầu chiến lược tại nước này gần mức thấp nhất trong 40 năm. Mỹ và các nước Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khác đã giải phóng một lượng lớn dầu từ kho dự trữ chiến lược, tương đương khoảng 1 triệu thùng/ngày kể từ tháng Ba. Động thái này đã làm giảm dự trữ dầu chiến lược của Mỹ xuống mức thấp nhất kể từ năm 1984.
Kho dự trữ dầu chiến lược tại Mỹ gần mức thấp nhất trong 40 năm. (Ảnh: AFP/TTXVN)
|
Tuy nhiên, Bộ Năng lượng Mỹ ngày 16/12 thông báo dự định mua 3 triệu thùng dầu để bổ sung vào kho dự trữ dầu mỏ chiến lược của nước này. Theo kế hoạch, Bộ Năng lượng Mỹ sẽ mua dầu với giá thấp hơn giá trung bình hiện nay là 96 USD/thùng, và dự kiến mua tới 3 triệu thùng dầu. Thông cáo của Bộ nhấn mạnh đây là cơ hội nhằm tăng cường an ninh năng lượng của nước này.
Triển vọng nhu cầu chưa sáng
Tăng trưởng toàn cầu trong năm 2023, đã được điều chỉnh giảm nhiều lần kể từ tháng Một, do chính sách thắt chặt tiền tệ trên quy mô lớn, điều kiện tài chính xấu đi và niềm tin suy giảm.
Phát biểu bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala hồi tháng 11/2022 cho hay một số nền kinh tế lớn trên thế giới đang phải đối mặt với nguy cơ thực sự rơi vào suy thoái, giữa bối cảnh tình hình ở Ukraine còn phức tạp và giá lương thực, năng lượng toàn cầu tăng cao.
Tổng Giám đốc WTO lưu ý kinh tế toàn cầu còn rất nhiều yếu tố không chắc chắn và hầu hết các rủi ro đều ở phía bất lợi, chẳng hạn như hậu quả của xung đột ở Ukraine và những “cơn gió ngược” từ lạm phát phi mã.
Ủy viên Kinh tế châu Âu Paolo Gentiloni cảnh báo triển vọng kinh tế châu Âu trong năm tới "suy yếu đáng kể". Đối với năm 2023, EC dự báo tăng trưởng GDP thực tế ở cả khu vực EU và Eurozone ở mức 0,3%, thấp hơn nhiều so với mức 1,5% và 1,4% được đưa ra trong dự báo trước đó vào tháng Bảy.
Trong các dự báo kinh tế mới công bố, Fed đưa ra triển vọng đối với kinh tế Mỹ rất ảm đạm, với tăng trưởng chỉ là 0,5% trong năm 2023. Tỷ lệ thất nghiệp dự kiến sẽ tăng, tương đương với khoảng 1,6 triệu người có thể mất việc làm trong vòng 1 năm tới - một kịch bản mà nhiều nhà quan sát cho rằng nền kinh tế gần như đã đứng bên bờ vực suy thoái. Theo các nhà phân tích, triển vọng suy thoái toàn cầu có thể dẫn đến tiêu thụ dầu yếu hơn nhiều.
Một nhân tố tích cực đối với triển vọng nhu cầu là việc nới lỏng chính sách kiểm soát dịch COVID-19 tại Trung Quốc. Trung Quốc dự kiến sẽ đóng góp một khoảng một nửa mức tăng trưởng tiêu thụ dầu trong năm 2023, khi nước này giảm dần các chính sách hạn chế về đại dịch. Với khả năng phục hồi và tiềm năng của nền kinh tế, các nhà phân tích tin rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục là động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế toàn cầu vào năm 2023.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều "cơn gió ngược" đang chờ đợi nền kinh tế Trung Quốc. Một trong những rủi ro mà ngân hàng Morgan Stanley nhắc tới là khả năng chính phủ nước này sẽ rút lại các chính sách hỗ trợ nền kinh tế.
Dự báo giá dầu năm 2023
Nhiều tổ chức vẫn tỏ ra thận trọng về triển vọng của giá dầu trong năm 2023. Ngân hàng Goldman Sachs đã cắt giảm dự báo giá dầu cho năm 2023, với nhận định thị trường sẽ dư thừa dầu vào đầu năm.
Goldman Sachs đã hạ dự báo giá dầu Brent trong quý 1 và quý 2/2023 xuống còn lần lượt là 90 USD/thùng và 95 USD/thùng so với mức tương ứng 115 USD/thùng và 105 USD/thùng.
Còn trong hai quý cuối năm 2023, Goldman dự báo giá dầu Brent sẽ tăng lên 100-105 USD/thùng, vẫn thấp hơn so với dự báo 110 USD/thùng trước đó.
Cho cả năm 2023, Goldman Sachs dự kiến giá dầu Brent ở mức trung bình 98 USD/thùng và dầu WTI ở mức 92 USD/thùng, giảm so với dự báo trước đó là 110 USD/thùng cho dầu Brent và 105 USD/thùng cho dầu WTI.
Trong khi đó, Ngân hàng Bank of America (BoA) dự báo năm 2023 sẽ là năm khó khăn với thị trường dầu mỏ. BoA dự báo năm 2023, giá dầu có thể biến động đặc biệt mạnh, trạng thái cân bằng không ổn định sẽ được thiết lập trên thị trường, điều mà bất kỳ người chơi lớn nào cũng có thể dễ dàng phá vỡ. Nguy cơ kinh tế thế giới suy thoái sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến ngành dầu khí.
Theo BoA, năm 2023, nhu cầu dầu thô trên thế giới sẽ giảm xuống còn 1,55 triệu thùng/ngày. Giá trung bình một thùng dầu năm 2023 sẽ vào khoảng 100 USD./.
Trà My
Vietnam+
|