Thứ Hai, 23/01/2023 10:00

IPO toàn cầu 2023 liệu có bùng nổ?

Trong hai năm qua, thị trường IPO toàn cầu đi từ tình thế phá kỷ lục thành tình trạng suy giảm mạnh, nhưng năm 2023 được dự đoán là một năm bùng nổ mạnh mẽ trở lại của hoạt động IPO.

Sau kỷ lục của năm 2021, thị trường IPO toàn cầu đã có một bước ngoặt lớn theo hướng ngược lại trong năm ngoái.

Sụt giảm cả về số thương vụ lẫn tiền thu về

Chỉ với 1,333 đợt IPO huy động được 179.5 tỷ USD, thị trường IPO năm 2022 đã giảm lần lượt 45% và 61% theo số thương vụ giao dịch và số tiền thu được so với năm trước đó. Quy mô giao dịch trung bình giảm do định giá thấp hơn và hoạt động kém hiệu quả của thị trường cổ phiếu, không có nhiều đợt IPO lớn được thực hiện vào năm 2022.

Trong suốt năm 2022, hoạt động IPO toàn cầu bị ảnh hưởng bởi mức độ biến động của thị trường gia tăng và các điều kiện thị trường không thuận lợi khác, cùng với hiệu suất ảm đạm của nhiều đợt IPO được niêm yết trong năm 2021. Trong môi trường lạm phát cao hơn và lãi suất tăng, nhà đầu tư đã từ chối các công ty đại chúng mới và quay sang các loại tài sản ít rủi ro hơn.

Tương tự, hoạt động IPO được tài trợ tài chính giảm mạnh lần lượt 77% và 93% theo số thương vụ và số tiền thu được. Hầu hết công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC) được niêm yết từ cuối năm 2020 cũng sắp đạt đến thời hạn hai năm để hoàn tất việc mua lại các công ty khác hoặc trả lại số tiền thu được từ IPO cho các nhà đầu tư.

Mặc dù những con số này giảm rõ rệt so với năm 2021, nhưng các giao dịch IPO toàn cầu vẫn tăng 16% về số thương vụ so với trước đại dịch năm 2019.

Điểm sáng ASEAN

“Kỷ lục của hoạt đông IPO vào năm 2021 đã nhường chỗ cho một năm 2022 với biến động thị trường gia tăng do căng thẳng địa chính trị leo thang, lạm phát cao và lãi suất tăng mạnh”, Paul Go, Giám đốc nghiên cứu hoạt động IPO toàn cầu của EY, nhận định. Ông nói thêm: “Thị trường cổ phiếu, định giá và hiệu suất sau IPO đồng loạt suy yếu, gây cản trở tâm lý của các nhà đầu tư”.

Mặc dù hoạt động IPO ở hầu hết thị trường đều giảm, song có một số ngành và khu vực đã đạt được thành công khiêm tốn.

Lĩnh vực công nghệ tiếp tục dẫn đầu về số thương vụ, chiếm 23% tổng giao dịch; trong khi lĩnh vực năng lượng chiếm ưu thế về số tiền thu được, chiếm 22% vào năm 2022. Trong số các đợt IPO lớn đã niêm yết – xét trong phạm vi những đợt huy động được số tiền hơn 1 tỷ USD, số tiền thu được trung bình vào năm 2022 cao hơn 45% so với năm 2021, nhờ định giá cao cho các đợt IPO năng lượng lớn.

Một số thị trường như Trung Quốc đại lục, Trung Đông và một số nước ASEAN đã hoạt động tương đối tốt.

Tại Đông Nam Á, có 137 đợt IPO được thực hiện trong năm 2022, cao hơn mức 134 của năm trước đó. Tuy nhiên, số tiền thu được chỉ đạt 6.5 tỷ USD, thấp hơn mức 13.2 tỷ USD của năm 2021. Trong đó, Indonesia dẫn đầu với 60 đợt IPO, thu về 2.2 tỷ USD, theo sau là Thái Lan, Malaysia, Philippines và Singapore.

Ngược lại, hoạt động IPO tại châu Mỹ giảm xuống mức thấp chưa từng thấy kể từ cao trào của Đại suy thoái, thấp nhất 13 năm về số thương vụ và thấp nhất 20 năm về số tiền thu được. Nguyên nhân là thị trường biến động mạnh và chính sách được thực hiện để chống lạm phát. Số thương vụ IPO và số tiền thu về lần lượt giảm 76% và 95% so với năm 2021, với phần lớn diễn ra ở Mỹ. 

Thị trường IPO châu Á - Thái Bình Dương có 845 đợt IPO với tổng số tiền thu được là 120.6 tỷ USD. Chịu tác động ít nhất bởi suy thoái kinh tế toàn cầu và căng thẳng địa chính trị nên khu vực này chiếm 63% số giao dịch IPO và 67% số tiền huy động được vào năm 2022. Trong đó, Trung Quốc đại lục có thêm một năm huy động vốn kỷ lục tính đến cuối năm 2022.

Tại EMEIA (châu ÂU, Trung Đông và châu Phi), hoạt động IPO lần lượt giảm 53% và 55% về số thương vụ và số tiền thu được, ghi nhận 358 đợt IPO huy động được 49.9 tỷ USD. Riêng IPO tại châu Âu giảm 78% do bất ổn chính trị, còn khu vực Trung Đông và Bắc Phi vẫn tăng 115% nhờ lợi nhuận lớn từ ngành năng lượng và kế hoạch tư nhân hoá của chính phủ.

Triển vọng năm 2023

Năm 2023 được dự báo sẽ ghi nhận hoạt động IPO tăng trưởng mạnh mẽ, theo EY. Mặc dù thị trường IPO có thể vẫn ảm đạm trong ít nhất là quý 1/2023, nhưng các điều kiện thuận lợi hơn dường như đã xuất hiện để thị trường IPO toàn cầu lấy lại động lực lớn hơn vào nửa cuối năm nay.

Để thị trường IPO sôi động trở lại, cần có một số điều kiện tiên quyết như tâm lý tích cực và hiệu quả của thị trường cổ phiếu tăng lên, lạm phát suy yếu và chấm dứt chính sách tăng lãi suất, căng thẳng địa chính trị hạ nhiệt, và tác động của đại dịch COVID-19 đối với nền kinh tế dịu bớt.

Kim Dung (Theo EY)

FILI

Các tin tức khác

>   Bài học đầu tư của năm 2022 để thúc đẩy danh mục năm 2023 (21/01/2023)

>   Nasdaq Composite tăng 3 tuần liên tiếp (21/01/2023)

>   Dow Jones và S&P 500 giảm 3 phiên liên tiếp (20/01/2023)

>   Gần 600 tỷ đô trái phiếu đã được phát hành trên toàn cầu trong 18 ngày đầu năm (19/01/2023)

>   Giới đầu tư Mỹ đang tăng nắm giữ tiền mặt và chờ thời cơ (19/01/2023)

>   Tesla và cổ đông đối đầu tại tòa về cáo buộc thao túng giá cổ phiếu (19/01/2023)

>   Dow Jones mất hơn 600 điểm, S&P 500 giảm mạnh nhất trong hơn 1 tháng (19/01/2023)

>   Thị trường trái phiếu châu Á lần đầu tiên bị khối ngoại rút ròng sau 6 năm (18/01/2023)

>   Trung Quốc mở cửa, kỳ vọng dẫn đầu hiệu suất của chứng khoán toàn cầu (18/01/2023)

>   Sụt gần 400 điểm, Dow Jones đứt mạch 4 phiên tăng liên tiếp (18/01/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật