Thứ Sáu, 13/01/2023 11:00

Hé lộ kết quả kinh doanh 2022: Người bội thu, kẻ “ngấm đòn”

Trước thềm công bố BCTC quý 4/2022, một số doanh nghiệp đã công bố kết quả ước đạt được trong năm qua. Nhóm dầu khí, hóa chất hân hoan với những con số kỷ lục, nhưng cũng có doanh nghiệp ngậm ngùi báo kết quả thua sút.

2022 là năm thị trường hứng chịu nhiều biến động, từ căng thẳng địa chính trị thế giới (lớn nhất là xung đột Nga - Ukraine) tạo áp lực lạm phát trên toàn cầu, cho đến những sự kiện nổi cộm trong nước như các vụ bắt giữ lãnh đạo doanh nghiệp, chính sách siết chặt tín dụng, trái phiếu… Trong bối cảnh tiềm năng của một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, các doanh nghiệp cũng trải qua khoảng thời gian hoạt động khó khăn.

Nhưng 2022 không tàn nhẫn với tất cả. Trước hạn cuối nộp BCTC quý 4/2022, một số doanh nghiệp đã công bố kết quả ước đạt được trong năm qua. Trong đó, có những nhóm đón nhận tin vui, bội thu về cả doanh thu lẫn lợi nhuận.

Nhóm xăng dầu bội thu, hóa chất lập kỷ lục

Nhóm doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN, PetroVietnam) có lẽ là những cái tên hân hoan nhất khi công bố kết quả đạt được trong năm qua.

Cụ thể vào ngày 06/01, PVN công bố kết quả ước đạt năm 2022 với kỷ lục cả về doanh thu và lợi nhuận. Theo đó, doanh thu Tập đoàn ước đạt 931.2 ngàn tỷ đồng, vượt kế hoạch cả năm 67% - một kết quả ấn tượng bất chấp sản lượng dầu khí giảm cùng đà suy giảm của mỏ. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2022 ước đạt 82.2 ngàn tỷ đồng. Trước đây, chỉ số này cao nhất là năm 2013 với 70.6 ngàn tỷ đồng, trong bối cảnh giá dầu đạt 112.5 USD/thùng, khai thác dầu khí trong nước đạt 25 triệu tấn quy dầu.

PVN cũng đã hé lộ kết quả ước đạt của nhiều công ty thành viên, hầu hết đều lập kỷ lục về tài chính. Trong đó, về doanh thu, BSR (CTCP Lọc hóa Dầu Bình Sơn) ước đạt 166 ngàn tỷ đồng; GAS (PV GAS) ước đạt 101 ngàn tỷ đồng; OIL (PVOIL) ước đạt 100 ngàn tỷ đồng; Đạm Phú Mỹ hay Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo, HOSE: DPM) ước đạt 19.4 ngàn tỷ đồng; Đạm Cà Mau (PVCFC, HOSE: DCM) ước đạt 14.8 ngàn tỷ đồng; PTT (PVTrans) ước đạt 9.2 ngàn tỷ đồng.

Nhiều doanh nghiệp thuộc nhóm dầu khí bội thu trong năm 2022 (Ảnh minh họa)

Lợi nhuận trước thuế ước lần lượt: GAS (16.6 ngàn tỷ đồng), BSR (12.7 ngàn tỷ đồng), DPM (6.4 ngàn tỷ đồng), DCM (4 ngàn tỷ đồng), PTT (1.4 ngàn tỷ đồng). Nộp ngân sách gồm: BSR (18 ngàn tỷ đồng), GAS (7.2 ngàn tỷ đồng), DPM (1.5 ngàn tỷ đồng), DCM (4 ngàn tỷ đồng).

Không nằm trong nhóm PVN, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, HOSE: PLX) cũng kết năm 2022 với tổng doanh thu hợp nhất lên tới 300 ngàn tỷ đồng, tăng 78% so với năm 2021 và vượt 25% kế hoạch. Tuy vậy, lãi trước thuế ước chỉ hơn 2 ngàn tỷ đồng, thấp hơn cùng kỳ 47%.

Nhóm doanh nghiệp thuộc Vinachem (Tập đoàn Hóa chất Việt Nam) cũng có kết quả rất sáng sủa. Tại hội nghị tổng kết đánh giá tình hình hoạt động năm 2022, tổ chức ngày 06/01/2023, Vinachem công bố kết quả đã vượt kế hoạch năm, với doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 62,262 tỷ đồng - mức cao nhất từ trước đến nay, bằng 119% kế hoạch năm, tăng 17% so với năm trước.

Một số đơn vị thành viên có doanh thu tăng mạnh, gồm: CTCP Hóa chất Việt Trì (HNX: HVT) tăng 66%; Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình tăng 48%; CTCP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (UPCoM: DHB) tăng 43% ; CTCP Hóa chất Cơ bản Miền Nam (HOSE: CSV) tăng 36%; Công ty CP DAP số 2 - Vinachem tăng 22%.

Nhóm hóa chất cũng báo kết quả tươi sáng (Ảnh minh họa)

Về lợi nhuận, HVT tăng 152%, CTCP Phân bón Miền Nam (HOSE: SFG) tăng 51%, CTCP DAP - Vinachem (UPCoM: DDV) tăng 97%, CTCP Phân lân Ninh Bình (HNX: NFC) tăng 87%, CTCP công nghiệp Cao su Miền Nam (HOSE: CSM) tăng 84%; CFC tăng 81%; CTCP Phân lân Văn Điển tăng 38%; CSV tăng 37% so với thực hiện năm trước.

Riêng CTCP Phân bón Bình Điền (HOSE: BFC) giảm 34%.

Nhiều doanh nghiệp “cười tỏa nắng”

Bên cạnh nhóm dầu khí và hóa chất, một số doanh nghiệp khác cũng đầy tự tin khi công bố kết quả năm 2022. Như Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (UPCoM: ACV) ước tổng doanh thu 15,381 tỷ đồng, đạt 149% kế hoạch năm và gấp 2 lần so với năm 2021. Lợi nhuận trước thuế ước 7,561 tỷ đồng, đạt 295% kế hoạch năm và gần 10 lần so với năm 2021.

VIMC (Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, UPCoM: MVN) có năm thứ 2 đạt lợi nhuận dương so với những năm trước lỗ hàng trăm tỷ đồng. Cụ thể, Công ty ước lãi hơn 3,000 tỷ đồng năm 2022. Dù giảm 14% so với năm 2021, nhưng đã vượt 24% kế hoạch năm. Doanh thu tăng nhẹ 5%, lên 15,041 tỷ đồng.

Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II, UPCoM: VSF) chuyển lỗ thành lãi, trong bối cảnh sản lượng gạo tại các nước xuất khẩu lớn như Ấn Độ, Pakistan sụt giảm xuống mức thấp nhất trong 4 năm gần đây. Tổng doanh thu ước đạt 17,794 tỷ đồng, lợi nhuận ước đạt 88.3 tỷ đồng (năm 2021 lỗ 298.5 tỷ đồng).

FMC (CTCP Thực phẩm Sao Ta) công bố doanh số tiêu thụ lũy kế năm 2022 ước đạt 226 triệu USD (khoảng 5,319 tỷ đồng), tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận khả năng đạt trên 340 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra là 320 tỷ đồng.

Viglacera (HOSE: VGC) đã hoàn thành các mục tiêu doanh thu vượt kế hoạch với lãi trước thuế hợp nhất ước hơn 2,280 tỷ đồng, tăng trưởng 48% so với cùng kỳ và vượt 35% kế hoạch.

Những cái tên “ngấm đòn” từ thị trường

Nằm trong nhóm cổ phiếu “họ Louis”, những lùm xùm liên quan đến vụ lãnh đạo Louis Holdings bị bắt giữ đã gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động của Angimex (HOSE: AGM) trong năm qua. Doanh nghiệp liên tục báo lỗ qua từng quý, việc kinh doanh đình trệ, thậm chí gặp vấn đề về tài chính khi thông báo không đủ khả năng trả lãi trái phiếu khi đến hạn thanh toán vào tháng 11/2022.

Tại ĐHĐCĐ bất thường 2022, Angimex ước doanh thu chỉ đạt gần 3,607 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ năm trước (3,925 tỷ đồng) và lỗ 75 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 58 tỷ đồng.

Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí (Petrosetco, HOSE: PET) công bố doanh thu năm 2022 ước đạt 18,000 tỷ đồng, tăng hơn 2% so với năm 2021, nhưng lợi nhuận trước thuế đạt 300 tỷ đồng, giảm gần 28%, qua đó không hoàn thành cả 2 mục tiêu đề ra tại ĐHĐCĐ 2022. Doanh nghiệp lý giải, nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu thị trường giảm đáng kể sau năm dịch bùng phát. Ngoài ra, lợi nhuận trước thuế cũng chịu ảnh hưởng một phần từ doanh thu chưa đạt mức kỳ vọng, cộng thêm sự ảm đạm của thị trường chứng khoán khiến doanh nghiệp phải trích lập khoản lớn chi phí tài chính trước những sự biến động của thị trường.

Xi măng VICEM (Tổng công ty Xi măng Việt Nam) cũng thông báo một năm kinh doanh đi lùi vì những “cú tát” từ thị trường.

Tại Hội nghị Tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2022, VICEM cho biết dù tổng doanh thu ước đạt 39,453 tỷ đồng, tăng gần 17% so với năm 2021, nhưng lợi nhuận trước thuế sụt giảm tới 31% (chưa tính chênh lệch tỷ giá cuối kỳ) với hơn 1,532 tỷ đồng. Những biến động vĩ mô trên toàn cầu, bao gồm xung đột giữa Nga - Ukraine; nguồn cung than cho sản xuất xi măng thiếu cả về số lượng, chất lượng, chủng loại và tăng giá đột biến… đã giáng đòn quá mạnh vào hoạt động kinh doanh của VICEM, vẽ nên bức tranh tương đối ảm đạm trong năm qua.

Một số doanh nghiệp công bố kết quả ước đạt trong năm 2022
Nguồn: Vietstock

*Số liệu năm 2022 là kết quả ước đạt do doanh nghiệp công bố

Hồng Đức

FILI

Các tin tức khác

>   LPB: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi lần thứ 24 (13/01/2023)

>   DPG: Nghị quyết HĐQT về việc thông qua các giao dịch giữa công ty với các công ty thành viên có liên quan (13/01/2023)

>   HNG: Xin gia hạn thời gian nộp BCTC quý 4 năm 2022 và Báo cáo tình hình quản trị năm 2022 (13/01/2023)

>   Dự án KCN Long Đức 3 không tổ chức đấu thầu, TIP dùng hơn 975 tỷ đồng để làm gì? (13/01/2023)

>   SPM: BCTC Quý 01.2021 (20/04/2021)

>   SPM: BCTC Quý 03.2021 (21/10/2021)

>   SMC: BCTC Quý 04.2021 (18/01/2022)

>   SMA: BCTC Quý 02.2019 (14/08/2019)

>   SMA: BCTC Quý 02.2021 (10/08/2021)

>   SKG: BCTC Quý 02.2019 (22/07/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật