Dư địa tín dụng dồi dào, doanh nghiệp vẫn ‘khát’ vốn
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP Hồ Chí Minh, hiện tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn khoảng 3,2 triệu tỷ đồng. Nếu tăng thêm hạn mức tín dụng, sẽ có thêm hàng ngàn tỷ đồng được các ngân hàng cho vay trong các tuần cuối năm 2022. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho biết hiện vẫn khó tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng.
VietinBank vừa bổ sung gói tín dụng 5.000 tỷ đồng với lãi suất thấp hơn đến 2%/năm so với mức lãi suất thông thường.
|
Hạ lãi suất, bổ sung gói tín dụng cho vay
NHNN vừa nới hạn mức tín dụng thêm 1,5% - 2% cho tăng trưởng tín dụng năm 2022, tương ứng khoảng 350.000 - 400.000 tỷ đồng vốn tín dụng được đẩy ra thị trường. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, việc nới hạn mức tín dụng được kỳ vọng là “cơn mưa” giải tỏa “cơn khát” vốn cho doanh nghiệp (DN) và nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh các kênh huy động vốn khác như trái phiếu, chứng khoán khó tăng trưởng.
Tại TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn có khoảng 3,2 triệu tỷ đồng. Nếu tăng thêm hạn mức tín dụng, sẽ có thêm hàng ngàn tỷ đồng được các ngân hàng cho vay trong các tuần cuối năm 2022.
Có thể thấy, sau khi được NHNN đồng ý nới room tín dụng, một số ngân hàng đã triển khai nhiều chương trình, chính sách tín dụng, dự kiến bơm ra thị trường hàng chục ngàn tỷ đồng trong thời gian tới. Cụ thể VietinBank vừa bổ sung gói tín dụng 5.000 tỷ đồng với lãi suất thấp hơn đến 2%/năm so với mức lãi suất thông thường. Mức ưu đãi lãi suất áp dụng cho cả khoản vay mới bằng VND và USD kỳ hạn đến 6 tháng phát sinh từ nay đến hết ngày 28/2/2023.
Với gói tín dụng này, VietinBank tập trung nguồn vốn cho vay đối với các cơ sở sản xuất - kinh doanh tại các tỉnh vùng ĐBSCL, hoạt động trong lĩnh vực, ngành nghề chủ đạo như thủy sản, lúa gạo, vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi, lâm nghiệp... hoặc mục đích vay vốn thuộc các ngành nghề được hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31 của Chính phủ.
Trong cuộc gặp báo chí cuối năm mới đây, ông Trần Minh Bình, Chủ tịch HĐQT VietinBank chia sẻ: “VietinBank luôn cam kết tập trung nguồn lực vào sản xuất, kinh doanh, bảo đảm nguồn vốn dồi dào để khách hàng có thể được tiếp cận và hưởng nguồn vốn vay ưu đãi. Từ đó, giúp khách hàng phục hồi sản xuất hậu COVID-19, giảm bớt chi phí kinh doanh, tăng hiệu quả hoạt động và góp phần thúc đẩy phục hồi nền kinh tế nói chung. Theo đó, VietinBank đã chủ động đưa ra các chỉ tiêu để có thể hoàn thành kế hoạch năm, thúc đẩy hoạt động kinh doanh của ngân hàng".
Ngân hàng OCB cũng đang dành 3.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
|
Tương tự, OCB cũng đang dành 3.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ngành hàng thiết yếu có nhu cầu vay vốn lưu động để sản xuất kinh doanh cuối năm và đầu năm mới, với mức lãi suất chỉ từ 8%/năm.
Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Trí, thành viên HĐTV Agribank cho biết, Agribank sẵn sàng dùng nguồn lực nội tại để đóng góp vào việc hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Cụ thể, đối với dư nợ phát sinh từ ngày 1/12 đến ngày 31/12, Agribank giảm tối đa 20% so với mặt bằng lãi suất đang áp dụng với từng đối tượng, lĩnh vực. Ngoài ra, khách hàng doanh nghiệp, cá nhân có dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi suất và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN hoặc có mục đích vay vốn kinh doanh xăng dầu… cũng được áp dụng chính sách giảm lãi suất này.
Tương tự, BIDV giảm lãi suất 0,5 - 2,5%/năm cho khách hàng vay vốn thuộc lĩnh vực ưu tiên, khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, khách hàng có hoạt động xuất nhập khẩu, khách hàng doanh nghiệp nước ngoài, khách hàng cá nhân…
Vietcombank giảm lãi suất tới 1%/năm đối với các khoản vay VND cho khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân hiện hữu, từ 1/11 đến hết 31/12/2022. Tổng số khách hàng được giảm lãi suất là 175.000 khách hàng với quy mô tín dụng hơn 500.000 tỷ đồng, chiếm gần 50% dư nợ hiện hữu...
HDBank cam kết giảm 120 tỷ đồng với mức lãi suất giảm lên đến 3,5%/năm đối với khách hàng cá nhân và doanh nghiệp ở các nhóm ngành nghề khác nhau từ 1/11 đến 31/12/2022.
SHB đã triển khai chương trình hỗ trợ giảm lãi suất từ 1,5 - 2%/năm cho các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp; ưu tiên hỗ trợ giảm lãi suất cho khách hàng hoạt động trong các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, dự án xanh... Các doanh nghiệp đang cần vốn để gấp rút sản xuất các mặt hàng thiết yếu, nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu cuối năm của người dân cũng được ngân hàng triển khai hỗ trợ.
Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội ngân hàng Việt Nam, trong tháng 12/2022 đã có 16 ngân hàng cam kết giảm tiền lãi với số tiền khoảng 3.500 tỷ đồng, mức lãi suất giảm từ 0,5 - 3%/năm. Điều này đã thể hiện sự cố gắng của các ngân hàng trong việc đồng hành hỗ trợ khó khăn trong giai đoạn cuối năm 2022.
Doanh nghiệp vẫn khát vốn
Tuy nhiên, mặc dù một số ngân hàng đã được nới room, tạo chính sách cho vay ưu đãi hoặc giảm một phần lãi suất cho vay nhưng các doanh nghiệp vẫn than khó, đặc biệt là khó tiếp cận vốn.
Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp là lĩnh vực ưu tiên nhưng không phải doanh nghiệp nàp cũng đủ điều kiện vay được vốn.
|
Ông Nguyễn Như Anh, Giám đốc một công ty sản xuất thuỷ hải sản tại TP Hồ Chí Minh cho biết, doanh nghiệp đang chuẩn bị bước vào mua vụ mới để thả cá giống nên rất cần vốn. Tuy nhiên, do nợ cũ doanh nghiệp chưa trả xong, hàng bán chậm và hầu hết tài sản đang thế chấp; mặt khác kế hoạch trong năm 2023 doanh nghiệp cũng chưa định hướng cụ thể vì còn phụ thuộc vào đơn đặt hàng nên dù là doanh nghiệp nằm trong chính sách ưu tiên nhưng vẫn khó có thể tiếp cận vốn vay vì không còn tài sản thế chấp, không có kế hoạch hoạt động kinh doanh cụ thể, kết quả báo cáo trong năm 2022 cũng không khả quan.
Không riêng gì trường hợp của công ty ông Như Anh, rất nhiều hồ sơ có nhu cầu vay vốn xếp chồng ở các ngân hàng vẫn không thể nào giải ngân được. Trong khi đó, có nhiều ngân hàng có dư địa cho vay, muốn cho vay cũng khó tìm được doanh nghiệp “ưng ý” vì hầu hết các doanh nghiệp đều không thoả được điều kiện vay.
Tuy nhiên, cũng có một số doanh nghiệp đủ điều kiện vay nhưng cũng đành từ bỏ ý định vì lãi suất quá cao. Ông Trần Hoàng Hải, Giám đốc một công ty về thiết bị công nghệ tại TP Hồ Chí Minh, cho biết ngân hàng đưa ra mức lãi suất vay tới 12 - 13%/năm nhưng đây cũng chỉ là mức lãi danh nghĩa ghi trên hợp đồng, thực chất trong quá trình làm hồ sơ thủ tục sẽ phát sinh các chi phí liên quan nên chi phí vốn lên đến 15 - 16%.
Theo ông Hải, với mức chi phí này, doanh nghiệp khó hoạt động có lời vì tình hình kinh doanh của doanh nghiệp cũng đang gặp nhiều khó khăn, thu hồi nợ khách hàng lâu do khách hàng cũng đang gặp khó khăn tương tự.
“Chuỗi khó khăn này chồng khó khăn khác khiến dòng vốn dự phòng của doanh nghiệp ngày càng hẹp lại. Vì vậy, dù muốn mở rộng chiến lược kinh doanh cũng khó có thể thực hiện ngay thời điểm này. Theo đó, doanh nghiệp chỉ mong muốn vay vốn để cải tiến chất lượng, dịch vụ để thu hút thêm khách hàng, cải thiện tình hình hiện tại. Nếu lãi suất cho vay giảm hơn thì doanh nghiệp mới có thể đầu tư, kinh doanh được”, ông Hoàng Hải chia sẻ.
TS. Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, hiện nay, các ngân hàng thương mại huy động vốn trên thị trường rất khó khăn. Chính vì vậy, ngay cả khi NHNN nới hạn mức tín dụng thì khả năng các ngân hàng chưa thể huy động đủ vốn để cho vay, nới lỏng lãi suất.
Trước tình hình trên, ông Nguyễn Đức Lệnh cho biết, trong thời gian tới, NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục kết nối ngân hàng với doanh nghiệp ở từng lĩnh vực, ngành nghề và triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất. Riêng với chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, các ngân hàng thương mại sẽ bám sát mục tiêu và gắn liền với chính sách cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi suất, giữ nguyên nhóm nợ… Tính đến nay, các tổ chức tín dụng đã giải ngân được khoảng 93% trong tổng số 443.000 tỷ đồng cam kết cho vay vào hồi đầu năm 2022.
Hải Yên
Báo Tin tức
|