Doanh nghiệp bất động sản, ngân hàng, chứng khoán: Thưởng Tết 'nóng, lạnh' ra sao?
Năm qua, nhiều ngân hàng ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực, nhân viên trong ngành nhận thưởng Tết cao so với nhiều lĩnh vực. Trong khi đó, chứng khoán, bất động sản (BÐS) đang trong thời kỳ làm ăn bết bát, doanh nghiệp trong ngành “hụt hơi” khiến câu chuyện thưởng Tết cũng lạnh lẽo...
Nhân viên kinh doanh BÐS nhận thưởng Tết cao, có thể là cả chiếc ô tô chỉ còn là kỷ niệm. Ảnh: Ng. Mai
|
BÐS: Mất việc, nợ lương, không thưởng Tết
Đến thời điểm này, có khoảng 70% công ty BĐS không có thưởng tháng lương thứ13. Trong số các doanh nghiệp có thưởng tháng lương thứ 13 thì chỉ khoảng 5% thưởng đủ một tháng lương, còn lại thưởng không đủ một tháng lương và thưởng bằng phiếu mua hàng thay vì tiền mặt. Chuyện thưởng Tết năm 2023 của doanh nghiệp BĐS có lẽ cũng đặc biệt nhất trong vòng hai năm qua khi cả thị trường địa ốc rơi vào trầm lắng, tê liệt không có thanh khoản và giao dịch. Nhiều doanh nghiệp BĐS thừa nhận đang rơi vào tình trạng nợ lương nhân viên. Thưởng Tết là thứ xa xỉ.
Chị Nguyễn Minh Tân, môi giới BĐS tại một sàn giao dịch có tiếng ở Hà Nội cho biết, thời điểm này năm trước, chị cùng các đồng nghiệp đang bận rộn với lịch trình ăn nhậu, tất niên và mọi người vui vẻ khoe với nhau mức thưởng Tết lên tới vài trăm triệu đồng. Thế nhưng năm nay hoàn toàn khác, chỉ còn kỷ niệm nhắc lại bằng những tấm ảnh trên Facebook.
“Những năm trước không thiếu các công ty BĐS thưởng cho nhân viên cả ô tô. Cũng mới chỉ năm ngoái, bạn bè của tôi khi được thông báo về mức thưởng đã lên kế hoạch đổi ô tô, thêm tiền mua nhà, mua đồ hiệu,... Năm nay, do số lượng giao dịch thành công trong đếm được trên đầu ngón tay nên tôi được cơ quan cho nghỉ Tết sớm và không có thưởng”, chị Tân nói.
Một lãnh đạo doanh nghiệp BĐS lớn có nhiều dự án từ Bắc tới Nam chia sẻ, cách đây 3 tháng, doanh nghiệp cắt giảm 40% số nhân sự toàn tập đoàn còn 2 tuần trước, cắt giảm tiếp thêm 30% nhân sự nữa. Số nhân viên còn lại, tập đoàn nợ lương từ tháng 11 đến nay và chắc chắn không có thưởng Tết năm 2023.
Ghi nhận cho thấy, cận Tết, số nhân viên thuộc các doanh nghiệp BĐS nghỉ việc hoặc bị sa thải có dấu hiệu tăng. Cùng với đó, nhiều nhân sự chủ động nghỉ việc vì không bán được hàng, không có chi phí để chi trả sinh hoạt. Theo đại diện một doanh nghiệp địa ốc, số lượng nhân sự hiện tại của công ty đã nghỉ hơn 1 nửa, trong đó, có nhiều người đã về quê đón Tết. Số còn lại linh hoạt ở lại công ty làm luân phiên. Qua năm, nếu thị trường hồi phục trở lại có thể sẽ diễn ra đợt “tuyển quân” quy mô lớn.
Cụ thể, Công ty Bất động sản Đất Xanh Miền Bắc đã cho nhân viên nghỉ Tết sớm gần 2 tháng, từ ngày 12/12/2022 đến ngày 5/2/2023. Công ty Bất động sản EXL, có trụ sở tại TP HCM và chi nhánh tại Hà Nội cũng đã cho nhân viên khối hỗ trợ nghỉ từ đầu tháng 12/2022 và chưa hẹn ngày đi làm trở lại. Những người làm môi giới BĐS đều ngao ngán, lắc đầu vì buộc phải nghỉ Tết quá dài.
Hiếm hoi lắm trong lĩnh vực kinh doanh BĐS mới có vài doanh nghiệp kinh doanh có khả quan hơn, do tham gia vào nhiều gói thầu đầu tư công. Đại diện Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) cho biết, doanh thu năm nay dù có sụt giảm nhưng vẫn bảo đảm thưởng Tết cho cán bộ, người lao động của công ty ở mức bằng năm ngoái. Theo đó, công ty trích lợi nhuận ở mức tối đa để lo tháng lương thứ 13 và các phần thưởng cuối năm cho người lao động yên tâm gắn bó.
Theo thống kê, tổng lợi nhuận trước thuế của 28 ngân hàng trong 9 tháng đầu năm đạt 192.500 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2021. Bảy ngân hàng gia nhập câu lạc bộ lợi nhuận 10.000 tỷ đồng, 9 ngân hàng có tốc độ tăng trưởng trên 50%. Với kết quả lợi nhuận tăng trưởng ấn tượng, nhân viên nhiều nhà băng từ rất sớm đã kỳ vọng Tết Nguyên đán 2023 sẽ được nhận thưởng lớn. Tuy nhiên, với chi phí giá vốn quý 4/2022 tăng mạnh do lãi suất đầu vào tăng, giới lãnh đạo nhà băng sẽ phải thắt chặt hầu bao, dè sẻn hơn.
|
Ngân hàng thưởng mức khá tốt
Vài ngày trước thềm Tết Nguyên đán, nhân viên của nhiều nhà băng đã và đang nhận dần các loại thưởng cuối năm. Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) thưởng hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh từ 11-15 triệu đồng/nhân viên, tuỳ kết quả, xếp loại công việc. Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) đã thưởng Tết âm lịch 10 triệu đồng/người.
Chính sách thưởng của các ngân hàng có sự khác nhau. Thay vì chi thưởng tiền mặt, nhân viên một nhà băng có trụ sở chính tại TPHCM cho biết, 50% thưởng dịp này được quy đổi thành cổ phiếu, nhận sau 6 tháng. Trước đó, dịp Tết dương lịch, nhiều ngân hàng đã chi thưởng tháng lương thứ 13, thưởng thâm niên và một phần thưởng kinh doanh. Hiện tại, thưởng Tết của nhiều nhà băng vẫn chưa được công bố.
Ngân hàng được cho là vẫn thưởng Tết với mức khá tốt. Ảnh: Như Ý
|
Theo nhiều nhân viên ngân hàng, đằng sau thưởng tết cao là những điều không phải ai cũng biết. Anh Nguyễn Hùng, người từng 3 năm làm việc trong ngành ngân hàng cho biết, nhìn chung, mức thưởng của ngân hàng cao hơn so với nhiều công việc khác. Dù vậy, để xứng đáng với những gì được nhận, nhân viên ngân hàng phải chịu rất nhiều áp lực.
“Công việc trong lĩnh vực ngân hàng căng thẳng lắm, thời gian dành cho gia đình rất ít. Ba năm làm việc trong ngành, mấy ngày cuối năm nếu ai được về sớm cũng phải 9 giờ tối”, anh Hùng nói.
Anh Hùng cũng giải thích về việc nhiều người lầm tưởng thưởng Tết trong ngành ngân hàng hàng sẽ lên đến hàng chục, trăm triệu đồng/người. Anh cho biết: “Mức thưởng cao đúng là có, nhưng hàng trăm nhân viên ngân hàng mới được 1-2 người. Người được thưởng cao là các cá nhân đạt thành tích xuất sắc. Mức thưởng có khi được chia ra thành nhiều đợt, chứ không phải được nhận một cục”.
Anh Lê Xuân Tuấn (Long Biên, Hà Nội) - nhân viên ngân hàng thương mại cổ phần có trụ sở tại quận Hoàn Kiếm cho biết, thưởng tết hàng năm sẽ phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của ngân hàng. Tuy gọi là thưởng tết nhưng bản chất là lương kinh doanh của nhân viên được trích từng tháng và cuối năm sẽ nhận vào dịp Tết. Ngoài ra, khoản thưởng Tết này còn phụ thuộc vào kết quả xếp hạng của từng cá nhân theo mức A, B, C. Tương ứng với mỗi loại xếp hạng là mức lương cụ thể.
“Năm 2022, tôi nhận được 5,5 tháng lương vào dịp thưởng Tết. Năm nay, kết quả hoạt động ngân hàng không đạt như năm trước nên chỉ mong duy trì được khoản thưởng mà nhiều khả năng có thể kém hơn năm ngoái. Mỗi nhân viên có mức lương khác nhau (theo thoả thuận khi ký hợp đồng lao động) nên mỗi người sẽ có mức thưởng khác nhau”, anh Tuấn chia sẻ.
Theo chia sẻ của lãnh đạo một ngân hàng nằm trong top lợi nhuận vượt 10.000 tỷ đồng, dù ghi nhận mức lợi nhuận cao, song hiện nay ngân hàng đang tiết giảm chi phí, chia sẻ một phần thu nhập của mình để giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Vì thế, thưởng Tết không thể cao hơn năm ngoái.
Chứng khoán: Thưởng Tết chỉ là kỷ niệm
Năm 2021, thị trường chứng khoán thăng hoa, sôi động chưa từng có, doanh nghiệp ăn nên làm ra, thưởng Tết có nơi lên tới 20 tháng lương/người. Còn năm 2022, chứng khoán lao dốc, nhiều doanh nghiệp “hụt hơi” khiến chuyện thưởng Tết trầm lắng. Mức thưởng của các doanh nghiệp lĩnh vực này không được tiết lộ chi tiết, thậm chí có doanh nghiệp chưa thông báo thưởng cho nhân viên. Anh Minh Hoàng, môi giới chứng khoán tại Hà Nội cho biết, đến nay chưa rõ thưởng Tết âm lịch được bao nhiêu, còn tháng lương thứ 13 anh đã nhận 50% từ Tết dương lịch, 50% còn lại nhận vào dịp sinh nhật công ty.
Chị Ngọc Anh, làm việc tại công ty chứng khoán thuộc nhóm dẫn đầu thị phần môi giới cũng cho biết, chưa nhận được thông báo thưởng Tết Âm lịch. Tết Dương lịch vừa qua, công ty thưởng 700 nghìn - 1,5 triệu đồng/người tuỳ thâm niên, chỉ áp dụng cho nhân viên chính thức. Công ty chứng khoán có rất nhiều cộng tác viên môi giới, những người này không có thưởng Tết.
Ng. Mai Q. Nga K. Huyền V. Linh
Tiền phong
|