Đề nghị trích 10% tiền sử dụng đất để làm nhà ở xã hội?
Thay vì yêu cầu doanh nghiệp dành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để xây nhà ở xã hội, dự thảo luật Nhà ở sửa đổi quy định trách nhiệm thuộc về các địa phương. Trong đó có việc trích 10% tiền sử dụng đất để làm nhà ở xã hội để cho thuê.
|
Nhiều quy định mới về nhà ở xã hội, trong đó tập trung giao trách nhiệm về cho các địa phương. ĐÌNH SƠN
|
TP.HCM thu tiền sử dụng đất được 7.560 tỉ đồng
Theo đó, trong khoản 3 điều 81 dự thảo luật Nhà ở (sửa đổi) bổ sung quy định mới: UBND cấp tỉnh có trách nhiệm trích 10% tiền sử dụng đất thu từ các dự án bất động sản bổ sung vào một khoản mục riêng trong Quỹ đầu tư phát triển của địa phương, dành để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hạ tầng kết nối giao thông của dự án. Số tiền này cũng được dùng để đền bù, giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên phạm vi địa bàn theo quy định của Chính phủ và đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê.
Về quy định này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), cho rằng nếu chỉ trích 10% tiền sử dụng đất thu từ các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn thì số tiền này không lớn, nhất là đối với các tỉnh vùng sâu vùng xa. Ngay cả TP.HCM năm 2021 cũng chỉ thu tiền sử dụng đất được 7.560 tỉ đồng nên trích 10% cũng chỉ được 756 tỉ đồng. Với số tiền ít ỏi này khó có thể dành để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hạ tầng kết nối giao thông của các dự án; đền bù, giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên phạm vi địa bàn và đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê. Nhất là trong bối cảnh Nhà nước không có đủ ngân sách để thực hiện đền bù, tạo quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội.
Do vậy, để có tiền làm nhà ở xã hội, ông Lê Hoàng Châu cho rằng nên bổ sung thêm quy định UBND cấp tỉnh trích 10% tiền trúng đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn để phát triển nhà ở xã hội. Đồng thời Nhà nước đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng vốn ngân sách nhà nước, công trái quốc gia, trái phiếu, vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước trên diện tích đất được xác định để xây dựng nhà ở xã hội.
Chủ đầu tư nhà ở thương mại phải đóng góp
Theo các chuyên gia, dự thảo luật này cũng không còn quy định trách nhiệm, nghĩa vụ của các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại phải dành 20% quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội mà trách nhiệm thuộc về Nhà nước trong việc quy hoạch quỹ đất; đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hạ tầng kết nối giao thông của dự án. Đặc biệt là thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên phạm vi địa bàn.
Quy định này nếu bỏ thì khó có thể thực hiện được mục tiêu đến năm 2025 phát triển 570.000 căn nhà ở xã hội, đến năm 2030 phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội và sẽ làm cho “giấc mơ” của đông đảo người dân là người thu nhập thấp đô thị, công nhân, lao động, cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ lực lượng vũ trang muốn được mua, thuê mua nhà ở xã hội ngày càng xa vời. Nhất là trong bối cảnh ngân sách nhà nước cấp tỉnh có hạn.
Do vậy theo ông Lê Hoàng Châu, rất cần thiết bổ sung quy định các chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại phải có trách nhiệm đóng góp nghĩa vụ tài chính để góp phần phát triển nhà ở xã hội theo quy định của Chính phủ, để bổ sung một phần nguồn vốn xã hội hóa từ các dự án nhà ở thương mại để thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư nhà ở xã hội. “Cần quy định chủ đầu tư nộp thêm vào ngân sách nhà nước một khoản tiền tương đương 20% tiền sử dụng đất của dự án nhà ở thương mại đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt”, ông Lê Hoàng Châu kiến nghị.
Đồng quan điểm trên, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty địa ốc Lê Thành, cũng nói rằng để thực hiện thành công chương trình nhà ở xã hội thì phải có 2 chính sách quan trọng. Đầu tiên là chính sách tín dụng hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi dài hạn cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội. Thứ hai là phải có quỹ đất theo quy hoạch để phát triển nhà ở xã hội.
Tuy nhiên, theo ông Nghĩa, muốn tạo quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội thì phải có sự hợp lực của Nhà nước và các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại thông qua 2 kênh. Một là, Nhà nước thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên phạm vi địa bàn bằng nguồn vốn ngân sách trích 10% số thu tiền sử dụng đất và nguồn tài chính của chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước để phát triển nhà ở xã hội. Hai là doanh nghiệp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại các khu vực quy hoạch phát triển nhà ở xã hội để có quỹ đất để xây nhà ở xã hội hoặc doanh nghiệp sử dụng quỹ đất sẵn có để thực hiện dự án nhà ở xã hội.
Đình Sơn
Thanh niên
|