Coinbase phải chi 100 triệu USD vì vi phạm luật chống rửa tiền
Trong quá trình thanh tra định kỳ năm 2022, cơ quan chức năng Mỹ đã phát hiện các sai phạm của sàn giao dịch tiền điện tử Coinbase.
Coinbase, sàn giao dịch tiền điện tử có trụ sở tại Mỹ, đã đồng ý nộp phạt 50 triệu USD sau khi nhà chức trách phát hiện sàn giao dịch này để khách hàng mở tài khoản mà không thực hiện các bước kiểm tra lý lịch cần thiết, vi phạm các luật về chống rửa tiền.
Thỏa thuận dàn xếp giữa Coinbase và Cơ quan Dịch vụ tài chính bang New York được công bố ngày 4/1.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)
|
Ngoài ra, Coinbase cũng được yêu cầu đầu tư 50 triệu USD để củng cố chương trình của sàn giao dịch này nhằm ngăn chặn những đối tượng buôn ma túy, bán văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em và một số đối tượng tình nghi vi phạm pháp luật, mở tài khoản giao dịch.
Cơ quan chức năng Mỹ trong quá trình thanh tra định kỳ năm 2022 đã phát hiện các sai phạm của Coinbase. Theo đó, Coinbase đã có sai phạm từ năm 2018, chỉ sau 1 năm khi sàn giao dịch này được cấp phép hoạt động tại New York vào năm 2017.
Ban đầu, Coinbase nhất trí thuê một bên tư vấn độc lập giúp điều chỉnh hoạt động mỗi ngày nhằm đáp ứng những yêu cầu trong các điều luật chống rửa tiền về xác định danh tính khách hàng và giám sát hành vi đáng nghi. Tuy nhiên, các vấn đề vẫn không được khắc phục và cơ quan quản lý chính thức mở cuộc điều tra về hoạt động của Coinbase vào năm 2021.
Kết quả cho thấy Coinbase chưa đáp ứng 2 hoạt động chính gồm minh bạch thông tin khách hàng và chưa xử lý thỏa đáng những cảnh báo về hành vi đáng nghi mà hệ thống nội bộ đưa ra. Theo Cơ quan Dịch vụ tài chính bang New York, tính đến cuối năm 2021, Coinbase bị phát hiện chưa xử lý 100.000 cảnh báo về những giao dịch đáng nghi từ khách hàng.
Hiện phía Coinbase chưa đưa ra phản hồi chính thức về thông tin này. Theo thỏa thuận, Coinbase phải hợp tác với cơ quan giám sát ít nhất thêm 1 năm sau khi đưa vào các hệ thống nhằm khắc phục những vi phạm nêu trên. Thông tin về cơ quan giám sát không được công bố.
Thông tin trên giáng thêm một đòn đau với lĩnh vực tiền điện tử trên toàn cầu sau thời gian thăng hoa. Một số công ty tiền điện tử đã nộp đơn xin phá sản trong năm 2022, đáng chú ý nhất là trường hợp của FTX.
Trước khi sụp đổ vào tháng 11/2022, FTX là sàn giao dịch tiền số lớn thứ 2 thế giới. Sam Bankman-Fried, nhà sáng lập FTX, cùng một số lãnh đạo khác của sàn này đang đối mặt với những cáo buộc hình sự cấp liên bang tại Mỹ.
Thành lập tại San Francisco vào năm 2012, Coinbase có giá trị vốn hóa thị trường hơn 7,6 tỷ USD và nền tảng giao dịch tiền điện tử lớn nhất của Coinbase đặt ở Mỹ, với 100 triệu người dùng trên toàn thế giới. Khác với Coinbase, hầu hết các sàn giao dịch tiền điện tử khác đều đặt trụ sở những nơi có quy định lỏng lẻo hơn, ví dụ FTX đặt trụ sở ở Bahamas.
Giới chức Mỹ lâu nay lo ngại lĩnh vực tiền điện tử sẽ làm suy yếu các biện pháp ngăn chặn hoạt động rửa tiền trên toàn cầu. Lĩnh vực này cũng dần trở nên phổ biến hơn mà chưa chịu sự giám sát tương xứng, giống như các ngân hàng, các công ty dịch vụ tài chính, bảo hiểm và đầu tư.
Trong thập kỷ qua, giới chức cấp bang và liên bang tại Mỹ đã thực hiện những biện pháp dựa trên những quy định sẵn có để đưa các công ty hoạt động trong lĩnh vực này "vào khuôn khổ." New York là một trong những bang đầu tiên tại Mỹ yêu cầu các công ty tiền điện tử xin cấp phép kinh doanh nếu muốn tiếp cận các khách hàng tại bang này./.
Lê Ánh
Vietnam+
|