Chuyên gia: Tăng trưởng GDP phải đi kèm phát triển tài chính cá nhân
Các chuyên gia cho rằng tăng trưởng GDP sẽ không mang nhiều ý nghĩa nếu các cá nhân, hộ gia đình trong nền kinh tế không có an toàn tài chính.
Đây là quan điểm nhiều chuyên gia kinh tế đưa ra trong buổi tọa đàm Hoạch định tài chính cá nhân tại Việt Nam - Thực trạng và giải pháp, do Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam (VFCA) tổ chức ngày 5/1.
Tại buổi tọa đàm, ông Ngô Thành Huấn, Giám đốc Khối tài chính cá nhân - Công ty CP FIDT, Thành viên Hội đồng chuyên gia - VFCA, cho biết đến giai đoạn 2030-2040, Việt Nam sẽ có khoảng 20 triệu người đồng loạt nghỉ hưu. Trong khi đó, Việt Nam lại đang thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ chi trả lương hưu cao nhất thế giới, với mức trả tối đa 75%.
Điều này khiến chênh lệch thu - chi quỹ hưu trí đến năm 2031 dự kiến âm gần 36.000 tỷ đồng, theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước.
Theo ông Huấn, để giảm bớt gánh nặng cho quỹ hưu trí cũng như xã hội, việc phát triển hệ thống tài chính vi mô, tài chính cá nhân đóng vai trò quan trọng. Bởi mỗi cá nhân, hộ gia đình nếu có thể chuẩn bị an toàn tài chính cho tuổi nghỉ hưu, sẽ góp phần giảm bớt gánh nặng cho Chính phủ, xã hội.
TS Vũ Đình Ánh cho biết tài chính cá nhân là mảnh ghép cuối cùng của tài chính vi mô trong Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia. Ảnh: BTC.
|
Tương tự, TS Phạm Anh Khôi, Tổng giám đốc Công ty CP Dịch vụ Tài chính Bất động sản Tulip (FINA), cho biết tập trung phát triển GDP sẽ không mang nhiều ý nghĩa nếu các cá nhân, hộ gia đình trong nền kinh tế không có an toàn tài chính. Bởi khi các cá nhân này đến tuổi nghỉ hưu, gánh nặng tài chính cuối cùng sẽ đặt vào vai Chính phủ.
Do đó, phát triển tài chính cá nhân đóng vai trò quan trọng trong việc giảm bớt gánh nặng xã hội khi quá trình già hóa dân số diễn ra. Và nghề hoạch định tài chính cá nhân tại thị trường Việt Nam cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển lĩnh vực này
Đưa ý kiến tại tọa đàm, TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, nhấn mạnh tài chính cá nhân là mảnh ghép cuối cùng của tài chính vi mô, một trong những mục tiêu phát triển Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia của Chính phủ. Tuy nhiên, đây lại là một lĩnh vực, ngành nghề hoàn toàn mới tại Việt Nam, không giống các ngành nghề như bất động sản, chứng khoán, bảo hiểm… trên thị trường.
Vị chuyên gia cho rằng ngoài các tiêu chuẩn chung, hoạch định tài chính cá nhân cũng cần bộ tiêu chuẩn, chuẩn mực riêng của ngành, nghề, từ đó làm thước đo cho các hoạt động trên thị trường.
Tuy nhiên, ông Ánh cũng cho biết khó khăn của lĩnh vực tài chính cá nhân là hiện nay chưa có cơ quan Nhà nước nào đứng ra quản lý. Do đó, để phát triển ngành, lĩnh vực này không phải chuyện dễ.
Thạc sĩ Lê Long Giang, Chủ tịch VFCA, cho biết hiện nay, lĩnh vực hoạch định tài chính cá nhân đã phát triển rộng rãi trên thế giới, đặc biệt với sự ra đời và phát triển của Hội đồng chuẩn hoá hoạch định tài chính quốc tế (FPSB) và các Hội đồng chuẩn hoá hoạch định tài chính tại 27 quốc gia thành viên.
Thạc sĩ Lê Long Giang, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam (VFCA). Ảnh: BTC.
|
Trong khi đó, tại Việt Nam, hoạt động hoạch định và tư vấn tài chính cá nhân mới đang bắt đầu phát triển nhưng cũng gặp phải nhiều tồn tại, vướng mắc.
Theo đó, hàng loạt vụ việc lừa đảo tài chính, tạo lập website, sàn giao dịch, ứng dụng kiếm tiền, sử dụng mồi nhử là các khoản lợi nhuận cao để lôi kéo đầu tư kinh doanh tiền ảo, ngoại hối, giao dịch quyền chọn nhị phân… hoặc chiếm đoạt tài sản trong các lĩnh vực tài chính, chứng khoán, đầu tư, phát hành trái phiếu doanh nghiệp… đã diễn ra trong thời gian qua.
Theo ông Giang, bên cạnh nguyên nhân trình độ dân trí về tài chính chưa cao, việc hàng loạt cá nhân tự nhận là tư vấn tài chính, tư vấn đầu tư trên thị trường hoặc các tổ chức tài chính mạo danh vẫn đang hành nghề mà chưa có cơ chế kiểm soát về trình độ chuyên môn, kinh nghiệm và chuẩn mực đã dẫn tới các vụ việc lừa đảo lớn, gây ra hậu quả cho nền kinh tế, người dân và doanh nghiệp.
Do đó, Chủ tịch VFCA cho rằng cần thiết lập các chuẩn mực cho lĩnh vực hoạch định và tư vấn tài chính cá nhân ở Việt Nam, tuân thủ các chuẩn mực, thông lệ quốc tế trong lĩnh vực nghề nghiệp này.
Quang Thắng
ZING
|