Chứng khoán 2023 - tiếp tục chờ đợi dòng tiền từ khối ngoại
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua một năm 2022 đầy khó khăn, khi có giai đoạn điều chỉnh kéo dài từ tháng 4 đến nay. Sự phục hồi trong nửa cuối quí 4 với lực mua ròng mạnh mẽ từ nhà đầu tư nước ngoài đã giúp lóe lên hy vọng cho thị trường, nhưng liệu năm 2023 mọi thứ có lại đảo chiều?
Dòng tiền đầu tư quốc tế lại dịch chuyển
Thống kê từ đầu tháng 11-2022 tới ngày 26-12-2022, nhà đầu tư nước ngoài đã giải ngân mua ròng gần 28.400 tỉ đồng tính trên cả ba sàn. Đây là mức mua ròng kỷ lục trong vòng hơn 10 năm qua. Sự tham gia trở lại của khối ngoại trở thành động lực quan trọng kéo thị trường phục hồi trong nửa cuối tháng 11 và đầu tháng 12, trong bối cảnh tỷ giá và lãi suất cũng có dấu hiệu hạ nhiệt.
Báo cáo của SSI Research gần đây cho biết, dòng tiền vào các tài sản tài chính cải thiện, đặc biệt là dòng vốn vào thị trường mới nổi (EM). Nguyên nhân do đô la Mỹ yếu đi đã giúp dòng vốn chuyển hướng vào thị trường mới nổi.
Ngoài ra, việc Trung Quốc bắt đầu nới lỏng chính sách ứng phó dịch Covid-19 cũng giúp dòng tiền vào mạnh các quốc gia/vùng lãnh thổ trong khu vực châu Á như Việt Nam, Ấn Độ, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc).
Với việc chỉ số USD Index đã rớt từ đỉnh cao 114 xuống chỉ còn quanh 104, sức hấp dẫn của đô la Mỹ đã giảm đi đáng kể. Quá khứ cho thấy các thị trường tài chính, đơn cử như kênh đầu tư chứng khoán tại các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, có mối liên hệ mật thiết theo hướng ngược chiều với diễn biến của đô la Mỹ trên thị trường quốc tế.
Tính chung cả năm 2022, dòng vốn ròng đến từ các quỹ ETF ghi nhận giá trị lên đến 20.853 tỉ đồng, tương đương 880 triệu đô la Mỹ, gấp 4,3 lần so với cùng kỳ, chiếm 81% tổng giá trị mua ròng của khối ngoại.
|
Giới đầu tư cho rằng việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm mức độ tăng lãi suất sẽ làm chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và các nước khác trở nên nhỏ hơn.
Như vậy khi đô la Mỹ không còn dư địa tăng giá mạnh, dòng tiền từ Mỹ sẽ dịch chuyển sang các nước khác, qua các thị trường khác, bao gồm Việt Nam như chúng ta đã thấy trong thời gian vừa qua.
Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích lưu ý rằng dòng vốn ngoại thông thường được chia thành hai nhóm là nhóm quỹ đầu tư chủ động và nhóm quỹ đầu tư thụ động (ETF). Với nhóm quỹ đầu tư chủ động, họ thường tập trung vào việc chọn cổ phiếu. Đối với nhóm quỹ ETF vì là nhóm bị động nên họ sẽ phân bổ danh mục theo rổ cổ phiếu đã được định sẵn từ trước và tốc độ phân bổ của họ khá nhanh.
Sự khác biệt giữa hai loại hình này là các quỹ chủ động thì thường có thời hạn đầu tư khá dài và nhìn vào câu chuyện triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong dài hạn. Ngược lại, các quỹ ETF đầu tư trong thời hạn tương đối ngắn hơn và việc rút vốn có thể xảy ra khá nhanh.
Dữ liệu thống kê mới nhất từ Công ty Chứng khoán VNDirect cho thấy, Việt Nam ghi nhận dòng vốn vào ròng đến từ các quỹ ETF với giá trị đạt 12.636 tỉ đồng trong quí 4-2022, tăng vọt so với chỉ 6,4 tỉ đồng trong quí 3-2022.
Tính chung cả năm 2022, dòng vốn ròng đến từ các quỹ ETF ghi nhận giá trị lên đến 20.853 tỉ đồng tương đương 880 triệu đô la Mỹ, gấp 4,3 lần so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ sự đóng góp lớn của Fubon ETF (chiếm khoảng 53,2% tổng dòng vốn vào) và ETF VNDiamond (32,8% tổng dòng vốn vào). Dòng vốn vào ròng của các ETF chiếm 81% tổng giá trị mua ròng của khối ngoại trong năm 2022.
Chính sự tham gia tích cực của các quỹ ETF trong giai đoạn cuối năm, mà như đã nói là đặc thù của nhóm này thường đánh giá nhanh rút nhanh, nên cũng có lo ngại dòng vốn này có thể đảo chiều trong năm sau và gây áp lực trở lại trên thị trường.
Tuy nhiên, trong bối cảnh vĩ mô đang có những thay đổi tích cực, đặc biệt là chính sách thắt chặt tiền tệ của các nền kinh tế đang chậm lại và có thể sớm đảo chiều khi lạm phát có dấu hiệu đạt đỉnh, dòng vốn đầu tư quốc tế có thể sẽ tiếp tục quay lại các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển từ năm sau, nhất là với những nước có tiềm năng phát triển cao hơn.
Tiếp tục chờ đợi dòng tiền từ khối ngoại
VNDirect kỳ vọng lãi suất của Fed sẽ nhích lên mức 5% trong nửa đầu năm 2023 và bắt đầu đợt cắt giảm 25 điểm cơ bản đầu tiên trong quí 1-2024. Sự kết hợp của việc cải thiện dự trữ ngoại hối và lập trường bớt diều hâu hơn của Fed vào khoảng giữa năm 2023 sẽ chấm dứt đà giảm giá của tiền đồng và hé mở khả năng tỷ giá cuối năm 2023 giảm 1-2% so với mức hiện tại, giúp thị trường Việt Nam hấp dẫn hơn để tiếp tục thu hút dòng vốn từ các quỹ ETF.
Trong khi nhiều quốc gia đang đứng trước nguy cơ rơi vào suy thoái, Việt Nam vẫn được dự báo sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực 6-6,5% cho năm sau. Báo cáo Triển vọng kinh tế châu Á của IMF (tháng 10-2022) dự báo tăng trưởng GDP thực của Việt Nam cao nhất trong ASEAN, đạt 7% trong năm 2022 và 6,2% trong năm 2023.
Ngoài ra, chỉ số đánh giá mối quan hệ thị trường của cổ phiếu và lợi nhuận thu được trên mỗi cổ phiếu (chỉ số P/E) của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện ở mức 11,3 và được đánh giá là hấp dẫn, thấp hơn so với hầu hết thị trường khác trên thế giới.
Nỗi lo ngại lớn nhất có lẽ vẫn nằm ở lãi suất, vì nếu lãi suất huy động tiếp tục gia tăng như trong giai đoạn vừa qua thì dòng tiền sẽ tiếp tục quay trở lại hệ thống ngân hàng, đồng thời gây áp lực đến lãi suất cho vay, ảnh hưởng tới chi phí vốn vay của doanh nghiệp trong nước; hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong thời gian tới có thể khó khăn hơn, như Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã chỉ ra.
Ngoài ra, việc lãi suất tăng nhanh thời gian qua và tiếp tục duy trì ở mức cao tại nhiều nước cũng sẽ làm thay đổi chiến lược đầu tư của nhiều tập đoàn quốc tế. Như mới đây tập đoàn đa ngành Hàn Quốc SK Group đang cân nhắc bán một số tài sản ở Việt Nam và Malaysia để chuẩn bị cho trường hợp kinh tế xấu đi.
Thông tin trên được đưa ra khi các công ty lớn của Hàn Quốc đang tích trữ tiền mặt, đồng thời tránh đầu tư quyết liệt vào các dự án mới trong bối cảnh triển vọng kinh doanh ảm đạm trong năm 2023.
Hiện dư nợ vay ròng tại SK Inc., công ty holding của SK Group, đã tăng vọt lên 10.870 tỉ won trên cơ sở hợp nhất vào cuối quí 3, từ mức 6.880 tỉ won vào cuối năm 2018. Rõ ràng trong bối cảnh lãi suất đang neo cao như hiện nay, áp lực trả lãi vay của các tổ chức đều rất lớn. Vì vậy, những tập đoàn sử dụng đòn bẩy cao tìm cách thu hẹp lại danh mục đầu tư từ vay nợ cũng là điều hợp lý.
Triêu Dương
TBKTSG
|