BOJ tiếp tục tăng nắm giữ trái phiếu sau năm 2022 mua gần kỷ lục
Ngày 06/01, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) công bố đợt mua trái phiếu chính phủ Nhật Bản khẩn cấp trị giá hơn 1,800 tỷ yên.
Đây là đợt mua trái phiếu khẩn cấp thứ 2 trong năm 2023, với lần đầu tiên diễn ra vào ngày 04/01 khi BOJ đề nghị mua số lượng không giới hạn trái phiếu kỳ hạn 2 và 5 năm, và 600 tỷ yên (4.6 tỷ USD) trái phiếu kỳ hạn từ 1 đến 25 năm.
Hai đợt mua trái phiếu bất thường này diễn ra dù thị trường trái phiếu toàn cầu có phiên khởi đầu năm 2023 tích cực, trong đó, cả trái phiếu Chính phủ Mỹ và Đức đều tăng mạnh khi lạm phát có dấu hiệu chậm lại.
BOJ tăng đáng kể quy mô mua trái phiếu Chính phủ kể từ cuối năm ngoái như là một phần nỗ lực nhằm duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng của họ. Cụ thể, cơ quan này muốn kiềm chế đà tăng của lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm trong bối cảnh các ngân hàng trung ương lớn tại Mỹ và châu Âu đồng loạt mạnh tay nâng lãi suất.
Tuy nhiên, kết thúc phiên đấu giá trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm mới, lợi suất của tài sản này vẫn tiếp tục tăng 0.04% lên 0.45%, sát trần lợi suất mà BOJ đặt ra.
Giới giao dịch hợp đồng hoán đổi dự đoán lợi suất trái phiếu 10 năm sẽ lên cao hơn
Tháng 12/2022, BOJ quyết định tăng biên độ biến động lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm. Thay vì giúp cải thiện hoạt động của thị trường như BOJ kỳ vọng, động thái này lại kích hoạt làn sóng bán tháo trái phiếu chính phủ Nhật Bản, buộc cơ quan này phải can thiệp mạnh tay hơn nữa và có nguy cơ tiếp tục kéo giảm thanh khoản của thị trường trái phiếu trong nước.
Việc BOJ thay đổi chính sách lợi suất khiến nhiều nhà giao dịch đặt cược cơ quan này sẽ tiếp tục nâng biên độ lợi suất trái phiếu hoặc loại bỏ hoàn toàn nó khi lạm phát gia tăng ở Nhật Bản. Đây là nguyên nhân khiến nhà đầu tư bán tháo trái phiếu chính phủ.
Trong năm 2022, BOJ đã mua hơn 111 ngàn tỷ yên (khoảng 840 tỷ USD) trái phiếu chính phủ, tăng từ mức 37 ngàn tỷ yên của năm 2021 và cũng là mức lớn nhất trong 6 năm qua. Chỉ riêng trong tháng 12/2022, ngân hàng trung ương này đã mua hơn 16 ngàn tỷ yên trái phiếu, ghi nhận tháng mua nhiều thứ hai chỉ sau tháng 6/2022 với mức mua cao chưa từng thấy.
Trong bối cảnh BOJ liên tục tăng mua trái phiếu, thị trường xuất hiện lo ngại rằng động thái can thiệp này sẽ có tác động tới thị trường, đặc biệt là khi cơ quan này khởi động chiến lược bán trái phiếu để thu hẹp quy mô nới lỏng chính sách.
Tuy nhiên, trong một sự kiện gần đây của lĩnh vực tài chính, Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda đã nhắc lại vào ngày 04/01 rằng cơ quan này sẽ tiếp tục nới lỏng tiền tệ để đạt được mục tiêu lạm phát bền vững.
Theo Steven Major, Giám đốc nghiên cứu tài sản có thu nhập cố định tại HSBC Holdings Plc., việc BOJ điều chỉnh chính sách lợi suất không đồng nghĩa là họ sắp khởi động chính sách “diều hâu” như Fed hay ECB, một phần vì nguy cơ suy thoái kinh tế cận kề. “Đây là một sự điều chỉnh kỹ thuật để câu thêm thời gian. Bước ngoặt thực sự đã xảy ra vào tháng 10/2022 khi tỷ giá USD/JPY đạt đỉnh và đoạn cuối của đường cong lợi suất tại Nhật Bản đạt độ dốc tối đa. Và một thực tế là giờ không còn trái phiếu nào để họ mua nữa”, ông Major nói.
Kim Dung (Theo Bloomberg, NHK)
FILI
|