Thứ Bảy, 14/01/2023 09:24

Bất động sản 'không có tết'

Khác với mọi năm, các doanh nghiệp bất động sản luôn là quán quân trong việc chi lương, thưởng tết cho nhân viên. Thế nhưng năm nay là một cái tết buồn với ngành này, từ ông chủ cho tới nhân viên.

Chủ DN mất ăn mất ngủ

“Toàn bộ tiền mặt dồn vào mua lại trái phiếu, trả lãi vay… nên đến giờ dù tết đã cận kề nhưng chúng tôi không còn đủ khả năng để lo tết cho nhân viên chứ đừng nói đến tiền để đầu tư, phát triển. Thú thật thì tôi cũng áy náy vì mỗi năm tết đến mọi người đều trông chờ vào lương thưởng, nhưng năm nay lương tháng 12 vẫn chưa xoay kịp lấy đâu ra thưởng. Bản thân tôi cũng không còn tâm trạng để ăn tết”, đó là chia sẻ của ông chủ một doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) đã từng lọt top 10 người giàu nhất trên sàn chứng khoán trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Bất động sản 'không có tết' - ảnh 1

Kinh doanh bất động sản gặp khó kéo theo một cái tết buồn. ĐÌNH SƠN

Xin được giấu tên, vị này thú thật, ông đã giảm đi khoảng 7 kg so với trước vì lo lắng, mất ngủ kéo dài nhiều tháng nay. Ông cũng “ở ẩn”, điều hành công việc từ xa mấy tháng nay, chỉ lâu lâu mới lên công ty ký giấy tờ và xử lý những việc gấp. “Thời gian qua là chuỗi ngày ám ảnh nhất với tôi. Làm doanh nhân mấy chục năm, tôi chưa thấy khủng khiếp như vậy khi thị trường chứng khoán lao dốc, giao dịch BĐS “đóng băng”, trái phiếu DN đè nặng lên đôi vai những người lãnh đạo DN ngành BĐS”, ông nói. Ông phải chạy đôn chạy đáo lo tiền để mua lại các khoản trái phiếu đến hạn, bù đắp vào khoản cổ phiếu lao dốc, trả lãi vay ngân hàng, thanh toán công nợ nhà thầu, lo lương nhân viên... “Tuy nhiên nặng nề nhất vẫn là khoản tiền mua lại trái phiếu DN. Để có tiền, tôi phải đi vay mượn khắp nơi, bán tháo những tài sản nào có thể bán được ngay với mức giá rẻ để thu hồi tiền về. Như có miếng đất ở Q.3 (TP.HCM) mới đây tôi mua 500 tỉ đồng nay bán gấp 300 tỉ đồng... phải chấp nhận thôi, không có cách nào khác”, ông mệt mỏi chia sẻ.

Ông chủ của Công ty TN Holding cũng không khá gì hơn khi cho biết mỗi tháng DN này chỉ riêng tiền lãi suất đã khoảng 7 tỉ đồng. Là DN nhỏ chuyên làm BĐS ở các tỉnh lân cận TP.HCM nên khi thị trường “đóng băng” thì khoản tiền lãi trên trở thành gánh nặng ám ảnh với ông chủ DN này vì DN không có nguồn thu nào khác. “Bây giờ chỉ mong giao được hết tài sản cho ngân hàng xử lý nợ, để không còn phải đóng lãi hằng tháng nữa”, ông nói nửa đùa, nửa thật.

Lãnh đạo DN là vậy, những người đi làm công ăn lương trong lĩnh vực này cũng bị điêu đứng theo. Chị Thanh Tâm, nhân viên chăm sóc khách hàng cho một tập đoàn BĐS lớn ở TP.HCM, rầu rĩ nói: Nếu như mấy năm trước chị được thưởng khoảng 4 tháng lương, thậm chí nhân viên kinh doanh xuất sắc có thể được thưởng đến 11 tháng lương thì năm nay buồn hiu. Đến chiều 13.1, nhân viên như chị vẫn đang “hóng” không biết có lương tháng 12 hay không. Năm nay tập đoàn chị làm cũng thưởng nhưng là thưởng 1,5 tháng lương bằng voucher, trị giá khoảng 40 triệu đồng. Nhưng voucher chỉ được dùng để thanh toán cho những BĐS đã mua của công ty. Nhiều nhân viên đem bán rẻ cho khách hàng đã mua BĐS của tập đoàn hoặc cho đồng nghiệp để kiếm được đồng nào hay đồng đó. Nhưng ai cũng kẹt tiền mặt nên cũng đang kêu bán, không ai mua. Thế là đành ôm voucher về quê ăn tết.

“Chưa bao giờ cả nền kinh tế và DN khó khăn, tiền mặt cạn như hiện nay. Công ty đã cắt giảm rất nhiều lao động rồi. Những người vẫn còn ở lại làm việc lương và hoa hồng cũng chập chờn. Tuy nhiên, những lúc làm ăn được công ty thưởng lớn, chia lộc nhiều cho nhân viên. Năm nay khó khăn, mọi người cũng chia sẻ lại với DN. Dù có thể không có lương tháng 12, thậm chí thưởng bằng voucher cũng chỉ như tinh thần nhưng tất cả đều quyết tâm và đoàn kết, cố gắng làm việc để kỳ vọng năm sau mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn. Tết năm nay không muốn đi đâu, chắc ở nhà ngủ cho an lành”, chị Thanh Tâm cho hay.

Thưởng là xa xỉ với BĐS

Theo thống kê của Hội Môi giới BĐS VN, đến nay lĩnh vực này đã có khoảng 10.000 nhân viên môi giới phải nghỉ việc hoặc chuyển sang công việc khác để kiếm sống. Còn thống kê của Viện Nghiên cứu kinh tế - tài chính - BĐS Dat Xanh Services, thị trường kém thanh khoản khiến hoạt động của DN BĐS, đặc biệt là DN chuyên về môi giới BĐS bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong 10 tháng của năm 2022, số lượng DN hoàn tất thủ tục giải thể gần 1.000 DN, tăng 42% so với cùng kỳ năm ngoái. Số DN đang hoạt động phải tái cơ cấu lại mô hình, giảm quy mô, tinh giản hệ thống nhân sự.

Ông Trần Minh Hoàng, Phó tổng thư ký Hội Môi giới BĐS VN, nhận định: Thanh khoản giảm sâu, ngân hàng tăng lãi suất và siết không cho vay, nhà đầu tư thiếu niềm tin đã khiến DN BĐS và đặc biệt là môi giới “liêu xiêu”. Nhiều người

không chịu được phải bỏ nghề đi làm xe ôm công nghệ, làm các việc khác để có thu nhập mỗi tháng dù ít. Năm nay được xem là một năm khó khăn chưa từng có nên việc nghĩ đến lương tháng 13 hay thưởng là điều xa xỉ đối với người làm BĐS. “Chưa bao giờ môi giới BĐS lại gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Giao dịch không có dẫn tới tình trạng doanh thu của các DN sụt giảm. Hệ quả, thu nhập của môi giới cũng gặp nhiều khó khăn, chưa kể phải chịu âm do tiền chạy quảng cáo, chi phí phát sinh. Nên năm nay xem như không có tết đối với người làm trong ngành BĐS”, ông Hoàng nhấn mạnh.

Khi được hỏi các DN BĐS năm nay ăn tết thế nào, TS Nguyễn Văn Đính, Phó tổng thư ký Hiệp hội BĐS VN, ngao ngán nói rằng năm nay là một năm ăn tết buồn của ngành BĐS. Khi nhắc đến tết, anh em DN bảo nhau “chán chả muốn nói”, bởi càng nói đến chuyện ăn tết càng thấy “đau lòng lắm”. Hiện vẫn còn một số DN lớn còn hoạt động nhưng chỉ duy trì lực lượng “giường cột”, còn hệ thống cộng tác viên, nhân viên kinh doanh, “đối tác” bán hàng đã “cắt” hết lương, thưởng.

“Năm nay phần lớn DN không có thưởng tết. Số có thì cũng chỉ một chút gọi là chứ cũng không thưởng được cả tháng lương thứ 13 như mọi năm. Thậm chí có tình trạng nhiều DN hứa thưởng nhưng treo ở đó, nợ năm sau làm tốt sẽ trả. Điều này là giúp duy trì bộ máy, giữ chân nhân viên, những người đã phấn đấu, nỗ lực làm việc cho DN. Tuy nhiên, do lực bất tòng tâm nên DN không thể lo được cái tết trọn vẹn cho anh em. Trước đây các DN thuê cả hội trường to, mời cả ngàn người đến dự tiệc ăn uống, hát hò linh đình, vui vẻ. Nhưng giờ thì gần như không thấy”, TS Nguyễn Văn Đính nói và cho rằng thời điểm này những người làm nghề BĐS, nhất là môi giới cần phải tỉnh táo, tìm một công việc mưu sinh tạm thời; tranh thủ thời gian học thêm, bổ sung thêm kiến thức, kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp để khi thị trường hồi phục có thể quay lại “chiến đấu” mạnh mẽ, hiệu quả hơn.

Đình Sơn

Thanh niên

Các tin tức khác

>   Tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho bất động sản đã làm những gì? (14/01/2023)

>   Ông Nguyễn Quốc Hùng: Pháp lý và giá bán của dự án là hai yếu tố khiến Ngân hàng e dè cho vay (13/01/2023)

>   TS. Võ Trí Thành: Bất động sản là câu chuyện dòng tiền rất lớn, quyện rất chặt với thị trường tài chính (13/01/2023)

>   Nhiều vướng mắc khiến dự án nhà ở xã hội kém hấp dẫn nhà đầu tư (13/01/2023)

>   Ông Lê Hoàng Châu: Tạo điều kiện để trái phiếu tiếp tục là kênh dẫn vốn cho thị trường bất động sản (13/01/2023)

>   Một năm buồn của phân khúc đất nền và căn hộ (12/01/2023)

>   Chấm dứt hoạt động 6 sàn giao dịch bất động sản ở TP.HCM (11/01/2023)

>   Nguồn cung căn hộ mới tại Hà Nội thấp nhất 8 năm qua, giá vẫn cao (11/01/2023)

>   Lộ loạt bất cập, chuyên gia đề xuất bỏ bảo lãnh bán nhà 'trên giấy' (11/01/2023)

>   Tổ công tác Chính phủ làm việc với 5 thành phố lớn nhất nước về bất động sản (10/01/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật