Thứ Hai, 30/01/2023 11:00

Áp lực giải ngân của công ty chứng khoán năm 2023

Sau khi tăng vốn mạnh năm 2022, các công ty chứng khoán (CTCK) đang phải đối mặt với nan đề: Dùng tiền như thế nào?

Cơn sóng chứng khoán 2020 - 2021 đã mang lại nhiều cơ hội kiếm lời từ cổ phiếu. Điều này đã thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia thị trường với số lượng tài khoản chứng khoán mở mới tăng vọt. Chỉ tính riêng trong năm 2021, con số đạt hơn 1.5 triệu tài khoản - cao hơn 4 lần so với năm 2020 và lớn hơn số lũy kế 5 năm liền trước. Tiền dễ kiếm dẫn đến việc không ít nhà đầu tư đã tăng cường sử dụng margin, khiến nhiều CTCK chạm ngưỡng giới hạn cho vay.

Không chỉ vậy, quy mô giao dịch thị trường tăng từ mức gần 6,400 tỷ đồng/phiên (năm 2020) lên 18,100 tỷ đồng/phiên (năm 2022) cũng đặt ra vấn đề về vốn để tăng sức cạnh tranh đối với các CTCK ở mảng truyền thống như môi giới.

Làn sóng tăng vốn của CTCK có độ trễ so với diễn biến thị trường
* Dữ liệu dư nợ cho vay, vốn điều lệ là số thời điểm ở cuối quý
Nguồn: VietstockFinance

Từ nhu cầu thực tế đó dẫn tới làn sóng tăng vốn của khối CTCK trong năm 2022. Điểm mấu chốt của việc tăng vốn là nhằm củng cố nguồn lực cho xu hướng tăng của thị trường, song các CTCK lại có phần bị động vì thị trường tăng mạnh và quá nhanh khiến các đợt tăng vốn có độ trễ so với thị trường.

Vào cuối quý 1/2022, thời điểm dư nợ margin đạt đỉnh, năng lực cho vay của các CTCK bị thiếu hụt đáng kể. Tuy nhiên, sau khi các đợt tăng vốn được thực hiện, dư nợ margin lại sụt giảm mạnh do tình hình thị trường. Các đợt tăng vốn với độ trễ đã làm tương quan giữa năng lực cho vay và nhu cầu thị trường bị lệch pha. CTCK giờ có năng lực cho vay tốt hơn nhưng thị trường lại không còn mặn mà. Nguồn tiền trước đó được huy động với mục đích cung cấp cho vay margin giờ không có đất dụng võ.

Năng lực cho vay của CTCK tăng song nhu cầu vay của nhà đầu tư lại giảm
Đvt: Tỷ đồng. * Số liệu ở thời điểm cuối kỳ
Nguồn: VietstockFinance

Cuối năm 2022, nhiều công ty lại tiếp tục có đợt tăng vốn khủng. Cuối tháng 12/2022, Chứng khoán VPBank hoàn tất việc tăng vốn điều lệ từ 8,920 tỷ đồng lên 15,000 tỷ đồng. Trong bối cảnh hiện tại, Công ty sẽ có áp lực lớn với nguồn vốn đã huy động được. Năm 2023, VPBank Securities lên kế hoạch kinh doanh trái phiếu với hạn mức tối đa 70% vốn điều lệ.

Chứng khoán TCBS cũng được thông qua phương án nhận thêm hơn 10,000 tỷ đồng tiền tươi, thông qua đợt phát hành riêng lẻ 105 triệu cp cho Techcombank (TCB) với giá 95,600 đồng/cp.

Năm 2023, thị trường chứng khoán vẫn chưa có dấu hiệu lạc quan khi áp lực lạm phát, lãi suất huy động cao, rủi ro mất thanh khoản từ trái phiếu doanh nghiệp và nhiều yếu tố vĩ mô còn đang tồn tại. Điều này khiến mảng môi giới, cho vay và tự doanh đều gặp khó khăn hơn trước vì đây là những mảng có hiệu quả bám sát diễn biến thị trường.

Chưa kể hàng loạt sai phạm với trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) làm sụp đổ niềm tin kết hợp với những điều chỉnh về quy định phát hành riêng lẻ cũng khiến mảnh đất màu mỡ này mất đi sức hấp dẫn. Theo VMBA, lượng phát hành trái phiếu năm 2022, giá trị phát hành (GTPH) TPDN ra đạt 10,599 tỷ đồng (chiếm 4% tổng GTPH) và phát hành riêng lẻ đạt 244,565 tỷ đồng (chiếm 96% tổng GTPH). GTPH trái phiếu ra công chúng giảm 65% và GTPH trái phiếu riêng lẻ giảm 66%.

Năm 2022, các doanh nghiệp đã mua lại 210,830 tỷ đồng trái phiếu, tăng 46% so với năm 2021. Trong năm 2023, sẽ có khoảng 289,819 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn.

Miếng bánh TPDN bao gồm tư vấn và môi giới cũng sẽ không còn dễ kiếm lời đối với CTCK.

Có thể thấy, các mảng như TDPN, cho vay margin, tự doanh đều không còn ngon ăn như trước.

Bước sang năm 2023, bên cạnh bài toán thị trường và cơ hội đầu tư, nhiều CTCK sẽ phải giải thêm bài toán làm sao để tận dụng được dòng vốn đã huy động từ năm 2022. Thị trường hiện tại đang đẩy họ vào thế tiến thoái lưỡng nan. Lượng vốn huy động lớn, nếu không mang ra sử dụng sẽ làm lãng phí chi phí vốn của Công ty. Trong khi ngược lại, nếu cố đấm ăn xôi mang vốn ra dùng thì rủi ro cũng rất lớn. Áp lực giải ngân đối với phần vốn khủng đã tăng trong năm trước sẽ là điều mà nhiều CTCK phải tính tới cho năm nay.

Chí Kiên

FILI

Các tin tức khác

>   VNL: Báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2022 (19/01/2023)

>   ITD: BCTC Hợp nhất quý 3 năm 2022 (19/01/2023)

>   ITD: BCTC quý 3 năm 2022 (19/01/2023)

>   VIX: Giải trình nguyên nhân lỗ trên BCTC quý 4/2022 (19/01/2023)

>   VIP: Giải trình BCTC quý 4/2022 so với cùng kỳ năm trước (19/01/2023)

>   HMC: BCTC quý 4 năm 2022 (19/01/2023)

>   VHM: Báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2022 (19/01/2023)

>   VHC: Xin gia hạn thời gian nộp BCTC quý 4 năm 2022 (19/01/2023)

>   HCM: BCTC quý 4 năm 2022 (19/01/2023)

>   Một doanh nghiệp thực phẩm báo lãi kỷ lục (20/01/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật