2 tuần lên sàn của VNZ: Tết đến nơi rồi mà sao vẫn… như chưa bắt đầu?
Trước phiên giao dịch cuối cùng của năm Nhâm Dần, thị trường rực sắc xanh tím dù đâu đó vẫn điểm xuyết màu hoa đỏ của một vài cái tên thiếu may mắn. Nhưng với VNZ, mọi chuyển động thị trường đều trở nên “vô nghĩa”, bởi sau 2 tuần lên UPCoM vẫn chưa có giao dịch nào xuất hiện.
Ngày 05/01/2023, cổ phiếu của CTCP VNG chính thức giao dịch trên UPCoM, với mã VNZ.
VNZ phải đưa cổ phiếu lên UPCoM (mà không phải HOSE hay HNX) có lẽ một phần đến từ việc Công ty không đủ điều kiện niêm yết do khoản lỗ 71 tỷ đồng từ năm 2021. Dẫu vậy, việc đưa cổ phiếu lên sàn giao dịch là một động thái từng được xem là đáng mong chờ của VNZ. Trong một bài phỏng vấn với lãnh đạo VNZ, Bloomberg đánh đây là “tiền đề để niêm yết trên một sàn giao dịch chính thức”. Bản thân Doanh nghiệp cũng cho rằng đây là một bước tiến quan trọng cho những kế hoạch dài hạn của VNZ trong tương lai.
Nhưng thực tế thì…
Đột ngột thay Chủ tịch, Tết tới nơi rồi vẫn không có thanh khoản
Phiên giao dịch cuối cùng của năm Nhâm Dần, thị giá VNZ vẫn “bình chân như vại” ở mức 240,000 đồng/cp - cũng chính là giá tham chiếu của mã này khi lên UPCoM. Trải qua hơn 2 tuần với 11 phiên giao dịch, cổ phiếu VNZ vẫn trắng thanh khoản.
VNZ vẫn y nguyên sau 2 tuần lên sàn, không bóng giao dịch
|
Cầu mua là có, thậm chí lên tới hàng chục, rồi cả trăm ngàn đơn vị ở giá trần, nhưng bên bán vẫn “trắng tinh khôi”. Biên độ giá tăng/giảm vẫn duy trì 40% vì chưa có giao dịch nào khớp lệnh trong giai đoạn trên.
* Ngày thứ 2 lên UPCoM, tại sao biên độ giá trần của VNZ vẫn là 40%?
Ngày 10/01, VNZ bất ngờ thông báo đã tiến hành thay đổi Chủ tịch HĐQT. Theo đó, ông Võ Sỹ Nhân đảm nhiệm chức Chủ tịch HĐQT thay nhà sáng lập Lê Hồng Minh bị miễn nhiệm sau 19 năm giữ vị trí này. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 01/01/2023, nghĩa là trước khi VNZ chính thức giao dịch trên UPCoM.
Ông Lê Hồng Minh (trái) và tân Chủ tịch Võ Sỹ Nhân
|
Được biết, ông Võ Sỹ Nhân nằm trong số 4 thành viên HĐQT độc lập được bầu bổ sung tại ĐHĐCĐ bất thường năm 2022. Ông Nhân hiện đang là Giám đốc điều hành Empire City, đồng sáng lập quỹ GAW NP Capital, đồng thời là Phó Chủ tịch Công ty Tiến Phước. Trong đó, Gaw NP Capital là một liên doanh giữa quỹ Gaw Capital Partners và NP Capital Partners.
Cơ cấu cổ đông cô đặc
Dẫu rời khỏi ghế Chủ tịch, cá nhân ông Lê Hồng Minh vẫn đang nắm 12.3% vốn cổ phần đang lưu hành, tương đương gần 3.53 triệu cp, qua đó giá trị tài sản trên sàn chứng khoán của ông Minh chiếu theo thị giá cổ phiếu VNZ vào khoảng 847 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Thành viên HĐQT Vương Quang Khải cũng đang nắm giữ gần 1.15 triệu cp VNZ, tương đương giá trị tài sản 276 tỷ đồng và chiếm 4% vốn cổ phần lưu hành.
VNZ hiện có 12 Công ty con trực tiếp, 14 Công ty con gián tiếp. Cơ cấu vốn cổ phần đã phát hành cho thấy Công ty có tỷ lệ sở hữu nước ngoài chiếm 49%, cổ đông trong nước 31.17% và cổ phiếu quỹ 19.93%. Nếu tính theo số cổ phiếu đang lưu hành, thì tỷ lệ nước ngoài lên tới 61.12% (tương đương 17.56 triệu cp có tổng trị giá 4.2 ngàn tỷ đồng) do 1 tổ chức duy nhất nắm giữ là VNG Limited - tổ chức mới được thành lập có trụ sở tại Cayman Islands.
19.93% số cổ phiếu quỹ của VNZ (tính theo cổ phiếu đang lưu hành là 24.74%, tương đương 7.1 triệu cp) trong thông báo ngày 10/01 đã được thông qua chào bán riêng lẻ cho CTCP Công nghệ BigV - cũng là nhà đầu tư chuyên nghiệp duy nhất của đợt chào bán. Với mức giá chào bán 177,881 đồng/cp, tương đương tổng vốn huy động dự kiến hơn 1.26 ngàn tỷ đồng, BigV sẽ nâng sở hữu lên 8.75 triệu cp, tương đương tỷ lệ 30.5%.
Đợt chào bán chưa diễn ra, nhưng dự kiến sẽ được hoàn thành trong năm 2023 sau khi được ĐHĐCĐ thông qua và sau 90 ngày kể từ khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) có văn bản chấp thuận.
Như vậy tính đến thời điểm kết thúc năm Nhâm Dần, tổng tỷ lệ sở hữu tại VNZ của VNG Limited, ông Minh, BigV và ông Khải rơi vào khoảng trên 83%. Đây là một tỷ lệ sở hữu có thể xem là cô đặc, nhiều khả năng là nguyên nhân chính dẫn đến thanh khoản cổ phiếu thấp trên thị trường.
Dồn 500 tỷ đồng vào chi phí marketing
Thương vụ chào bán cổ phiếu quỹ cho BigV dự kiến sẽ giúp VNZ thu về 1.26 ngàn tỷ đồng. Số tiền này, theo công bố của VNG sẽ được sử dụng vào 2 mục đích. Đầu tiên là mua chi phí bản quyền phần mềm trò chơi (hơn 764 tỷ đồng), và sau đó là 500 tỷ đồng dành cho marketing, với mức độ ưu tiên giảm dần.
Trong chi phí marketing, VNZ dự chi 384 tỷ đồng cho việc tiếp thị kỹ thuật số trực tuyến, 78 tỷ đồng cho việc thuê các KOLs và 38 tỷ đồng cho việc tổ chức các sự kiện. Trường hợp cổ phiếu chào bán không được mua hết dẫn đến số tiền thu về không như dự kiến, Công ty sẽ sử dụng tiền theo thứ tự ưu tiên và cân đối lại nguồn vốn, sử dụng linh hoạt các nguồn vốn khác hoặc vay ngân hàng để bù đắp.
Dự kiến sử dụng vốn thu được từ việc chào bán cổ phiếu quỹ của VNZ
|
Thành lập năm 2004 với tên gọi ban đầu là CTCP Trò chơi Vi Na (Vinagame) cùng vốn điều lệ ban đầu 15 tỷ đồng, VNZ có 16 lần tăng vốn qua 18 năm, chủ yếu là thông qua chào bán cho cổ đông hiện hữu và nhà đầu tư nước ngoài, cũng như tăng vốn qua phát hành cổ phiếu ESOP.
Thực tế không chỉ có VNZ, đã có nhiều trường hợp không có bất kỳ giao dịch nào kể từ khi chính thức đăng ký giao dịch, phần lớn là các mã trên UPCoM. Như CPH (CTCP Phục vụ Mai táng Hải Phòng), giao dịch từ 08/02/2017 nhưng đến nay vẫn không có bất kỳ giao dịch nào. BCB (CTCP 397) cũng trắng thanh khoản kể từ khi chính thức giao dịch từ tháng 10/2018. Nhiều cái tên khác như VDB, CMP, CNA… cũng rơi vào tình trạng tương tự.
Trên HOSE và HNX cũng xuất hiện một số trường hợp nhiều phiên liên tiếp không có giao dịch kể từ khi niêm yết như NAP, KHP, VTL. Ngay cả ông lớn Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (HOSE: VSH) suốt 24 phiên giao dịch đầu tiên cũng trắng thanh khoản.
Hồng Đức
FILI
|