Xét xử Công ty Alibaba lừa đảo, rửa tiền: 'Gia đình của anh em tôi giờ tan nát hết'
Sáng 8.12, TAND TP.HCM bắt đầu đưa vụ án Công ty Alibaba lừa đảo, rửa tiền ra xét xử sơ thẩm. Sáng cùng ngày, nhiều bị hại của Công ty Alibaba đến tòa án để hỏi, làm thủ tục tham dự phiên tòa.
Theo cáo trạng, bị cáo Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc điều hành Công ty Alibaba), Nguyễn Thái Lĩnh (Tổng giám đốc Công ty Alibaba, em ruột Luyện), Nguyễn Thái Lực (31 tuổi, em ruột của Luyện và Lĩnh) và Võ Thị Thanh Mai (vợ bị cáo Luyện) cùng 18 bị cáo bị đưa ra xét xử về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
|
Bị cáo Nguyễn Thái Luyện. NHẬT THỊNH
|
Ngoài tội danh trên, 2 bị cáo Võ Thị Thanh Mai và Nguyễn Thái Lực còn bị đưa ra xét xử thêm về tội “rửa tiền”. Riêng bị cáo Huỳnh Thị Kim Thắng (kế toán Công ty địa ốc Alibaba) bị đưa ra xét xử về tội “rửa tiền”.
Các bị cáo trong vụ Công ty Alibaba lừa đảo, rửa tiền. NHẬT THỊNH
|
'Gia đình của anh em tôi tan nát, bỏ nhau vì mất hết tiền...'
Theo ghi nhận của chúng tôi, từ 6 giờ cùng ngày, an ninh phiên tòa đã được thắt chặt. Những người tham dự phiên tòa và nhà báo, phóng viên đến tác nghiệp đều phải xuất trình giấy tờ; thẻ đăng ký từ trước.
Trước đó, do số lượng bị hại đặc biệt lớn, TAND TP.HCM đã có thông báo về thời gian các bị hại tham gia phiên tòa. Các bị hại trong 58 dự án sẽ tham gia xét hỏi dự kiến từ ngày 13 - 21.12.2022.
An ninh phiên tòa được thắt chặt. NHẬT THỊNH
|
Ngoài những bị hại đã biết được thông báo của tòa án, trong sáng nay, một số bị hại đã đến tòa án để gặp thư ký, xuất trình giấy tờ cá nhân, hợp đồng mua bán dự án với Công ty Alibaba và hỏi thủ tục tham dự phiên tòa.
Sau khi xem qua giấy tờ, bị hại được thư ký tòa án hướng dẫn xem thông báo và đợi đến thời gian xét hỏi của bị hại theo từng dự án để đến tham dự phiên tòa.
Nhiều bị hại đến tòa sáng nay để làm thủ tục tham dự. NHẬT THỊNH
|
Ông T.Đ.T (ngụ Q.Gò Vấp) cho biết nhận được giấy thông báo của tòa vào 14 giờ hôm qua (7.12) nên từ 6 giờ sáng nay, ông đã đến tòa để làm thủ tục tham dự. Ông T. cho biết đã đầu tư 800 triệu đồng mua dự án Công ty Alibaba để đầu tư kiếm lời.
Sau khi được thư ký thông báo, ông T. ra về và đợi đúng ngày xét hỏi dự án của mình thì đến tòa. Ông T. mong muốn tòa án sẽ xét xử công bằng, lấy lại được tiền đã bỏ ra.
Bị hại đến hỏi thư ký thủ tục để tham dự phiên tòa. SONG MAI
|
Ông P.V.C (ngụ TP.Thủ Đức) cũng cho biết, cả nhà ông đã bán nhà, mua 9 miếng đất của Công ty Alibaba để chia cho anh em. “Gia đình của anh em tôi giờ tan nát, bỏ nhau vì mất hết tiền mà cũng không còn đất. Chỉ mong tòa án xét xử để gương, lấy lại thiệt hại và lấy lại niềm tin cho xã hội”, ông C. nói.
Các bị cáo được dẫn giải đến tòa. NHẬT THỊNH
|
23 bị cáo trong vụ Công ty Alibaba lừa đảo, rửa tiền ở phiên xét xử sơ thẩm sáng 8.12. NHẬT THỊNH
|
Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử, phiên tòa do thẩm phán Trần Minh Châu làm chủ tọa. Đại diện Viện KSND TP.HCM có 3 kiểm sát viên, gồm: bà Lê Thị Đông, ông Phạm Văn Hiền và ông Châu Hoàng Sơn.
Dự kiến, phiên xét xử kéo dài đến ngày 6.1.2023.
Công ty Alibaba và 58 dự án ma của Nguyễn Thái Luyện
Theo cáo trạng, Nguyễn Thái Luyện thành lập 22 công ty và chỉ đạo người thân, nhân viên đứng tên để nhận chuyển nhượng số lượng lớn đất nông nghiệp tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận…
Sau đó, Luyện thành lập, để vẽ các dự án không có thật trên nền đất nông nghiệp, phân lô, tách thửa trái quy định; dùng truyền thông để quảng cáo bán dự án.
Để thu hút khách hàng, Luyện cam kết mua lại với giá cao hơn từ 30% sau 12 tháng hoặc 38% sau 15 tháng kể từ ngày nộp tiền; hoặc thuê lại với giá 2%/tháng kể từ ngày ký và thanh toán 95% giá trị hợp đồng.
Tổng cộng, trong vụ Công ty Alibaba lừa đảo, 'rửa tiền', Luyện và đồng phạm đã thành lập 22 công ty, vẽ ra 58 dự án không có thật; tự phân lô, tách thửa trái pháp luật, lừa bán cho hàng nghìn người, chiếm đoạt số tiền 2.260 tỉ đồng.
|
Nhật Thịnh
Thanh niên
|