Thứ Hai, 19/12/2022 11:35

VKSND TP HCM đề nghị tuyên Nguyễn Thái Luyện tù chung thân

Đại diện VKSND TP HCM cho rằng vụ án Nguyễn Thái Luyện và 22 đồng phạm là điển hình bóp méo chính sách khuyến khích đầu tư vào đất đai của nhà nước.

Sáng 19-12, VKSND TP HCM công bố bản luận tội bị cáo Nguyễn Thái Luyện (SN 1985; cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Alibaba) cùng 22 đồng phạm về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Rửa tiền".

Đại diện VKSND nhận định trong vụ án này Nguyễn Thái Luyện có vai trò chủ mưu, thủ đoạn lừa đảo tinh vi. Luyện còn tận dụng nhiệt huyết của các bị cáo có tuổi đời rất trẻ, chưa đủ chín chắn (trong đó 14/23 bị cáo sinh năm 1990-1999) để giúp sức tích cực cho mình.

"Hơn 3 năm kể từ ngày thành lập, Công ty Alibaba bán 58 dự án nhưng không có dự án nào xin cấp phép, dù chỉ là thủ tục… Các dự án, các nền đất mà công ty Alibaba hứa giao sẽ không bao giờ có" – người thực hành quyền công tố tại phiên xét xử nói.

VKSND TP HCM đề nghị tuyên Nguyễn Thái Luyện tù chung thân - Ảnh 1.

Đại diện VKSND TP HCM luận tội các bị cáo.

Lập luận cáo buộc các bị cáo, đại diện VKSND nêu nguồn thu của Công ty Alibaba từ khách hàng mua đất, ngoài ra không có nguồn thu khác. Nguyễn Thái Luyện thành lập và điều hành Công ty Alibaba từ năm 2016 với vốn điều lệ 1 tỉ đồng. Đến năm 2017, vốn điều lệ tăng lên 1.600 tỉ đồng. Tuy nhiên, Nguyễn Thái Lĩnh (em ruột Luyện) làm Giám đốc, giữ 49,5% cổ phần và Võ Thị Thanh Mai (Tổng Giám đốc tài chính, vợ Luyện) giữ 49,5% cổ phần.... Theo đại diện VKSND, công ty chỉ tăng vốn trên giấy tờ.

Để phục vụ hoạt động kinh doanh của Công ty Alibaba, Luyện thành lập 22 công ty con hoạt động đa lĩnh vực như bất động sản, truyền thông, vận tải… do người thân trong gia đình bị cáo đứng tên giám đốc nhưng các cổ đông không tham gia góp vốn.

VKSND TP HCM đề nghị tuyên Nguyễn Thái Luyện tù chung thân - Ảnh 2.

HĐXX tại phiên tòa

Bị cáo Luyện sử dụng 22 công ty con để mua một lượng lớn đất nông nghiệp tại 3 tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Thuận từ nguồn tiền huy động được của khách hàng.

Để huy động tiền, Luyện dùng pháp nhân của Công ty Alibaba và công ty con tự "vẽ" 58 dự án dân cư, phân lô trái pháp luật, đưa ra các thông tin không có thật. Cụ thể như đất thổ cư có tính pháp lý đầy đủ, tự đặt tên các dự án để kêu gọi đầu tư, quảng cáo xung quanh dự án có nhiều tiện ích, có nước sinh hoạt, gần đường giao thông, giá rẻ chỉ vài trăm triệu/nền, thậm chí nộp 2 triệu cọc cũng có được vị trí đất mong muốn, thậm chí trả góp...

Mặc dù 58 dự án thuộc các công ty khác nhau đầu tư nhưng dòng tiền chỉ chảy về Công ty Alibaba.

Theo VKSND, có trường hợp dù người sở hữu đất chưa bán hoặc chỉ mới đặt cọc (chưa thực hiện giao dịch chuyển nhượng công chứng) nhưng Luyện vẫn tự đặt tên dự án dân cư, phân lô, chia nền trên đất nông nghiệp của họ để thu hút nguồn tiền của khách hàng (như dự án Phú Mỹ Center City, Ali Vienice City…).

"Thời điểm này, khi các bị cáo đứng trước bục khai báo, có những diện tích đất vẫn không thuộc sở hữu của các bị cáo mà 3 năm trước đã "vẽ" để bán" - đại diện VKSND nói.

Ở một số dự án tự "vẽ" khác, sau khi mở bán còn tồn đọng, Luyện chỉ đạo đổi tên hoặc sáp nhập tạo dự án mới nhằm tạo lòng tin cho khách hàng rằng Công ty Alibaba lớn mạnh, có nhiều sản phẩm (Dự án tự "vẽ" Long Phước được đổi tên thành Long Phước 1; cuối năm 2018, khi Alibaba Long Phước 1 không còn bán được cho khách hàng, bị cáo Luyện chỉ đạo các bộ phân Công ty Alibaba đổi tên thành dự án Alibaba NewLand. Dự án Alibaba Long Phước 6 khi không bán được, Luyện "vẽ" lại thành dự án Alibaba City Land, Alibaba Luxury City; dự án Alibaba Golden City được chuyển tên từ Alibaba Long Phước 12...).

Bên cạnh đó, Luyện còn sử dụng các thủ đoạn bán hàng như cam kết mua lại với giá cao hơn từ 30% sau 12 tháng hoặc 38% sau 15 tháng kể từ ngày khách nộp tiền; thuê lại đất với giá 2%/tháng kể từ ngày ký và thanh toán 95% giá trị hợp đồng.

Khi đến hạn ra sổ như hứa hẹn, Luyện lại chuyển sang hình thức trả lãi hoặc thu mua đất trở lại theo các hợp đồng quyền chọn hoặc phụ lục hợp đồng kèm theo.

Luyện và đồng phạm đã lừa đảo chiếm đoạt gần 2.400 tỉ đồng của 4.560 khách hàng. Trong đó, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã làm việc được với 4.065 nạn nhân, tương đương số tiền hơn 2.100 tỉ đồng bị chiếm đoạt.

Đối với tội "Rửa tiền", VKSND truy tố 3 bị cáo là Võ Thị Thanh Mai, Nguyễn Thái Lực và Huỳnh Thị Kim Thắng (cựu Kế toán trưởng Công ty Alibaba). Các bị cáo biết rõ đây là tiền thu của khách hàng từ hành vi chiếm đoạt của Luyện mà có.

Từ những phân tích của mình, đại diện VKSND đề nghị HĐXX xem xét, tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thái Luyện tù chung thân về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản"; bị cáo Võ Thị Thanh Mai 30 năm tù (20 năm tù tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", 12-14 năm tù về tội "Rửa tiền"); bị cáo Nguyễn Thái Lực 30 năm tù (20 năm tù tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", 12-14 năm tù về tội "Rửa tiền"); bị cáo Nguyễn Thái Lĩnh 20 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Các đồng phạm về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", bị đề nghị mức án từ 13-20 năm tù. Về tội "Rửa tiền" bị cáo Huỳnh Thị Kim Thắng bị đề nghị mức án 5-6 năm tù.

Về trách nhiệm dân sự, buộc các bị cáo Luyện và Mai liên đới bồi thường 2.462 tỉ đồng cho khách hàng, buộc nộp lại 13 tỉ đồng cho cơ quan chức năng.

Đại diện VKSND TP HCM cho rằng vụ án Nguyễn Thái Luyện và 22 đồng phạm là điển hình bóp méo chính sách khuyến khích đầu tư vào đất đai của nhà nước; thiệt hại không chỉ nằm ở số tiền mà còn phá vỡ quy hoạch kế hoạch sử dụng đất của nhà nước, gây rối loạn nghiêm trọng thị trường bất động sản.

Ý Linh Ảnh: Huế Xuân

Người lao động

Các tin tức khác

>   Quảng Trị hủy bỏ quy hoạch 3 khu du lịch ven biển “treo” hơn chục năm (19/12/2022)

>   Tạm dừng dự án hơn 1.200 tỷ ở Thanh Hóa, kiểm điểm nhiều tập thể, cá nhân (18/12/2022)

>   Thay đổi lịch xét xử CEO Alibaba (17/12/2022)

>   TPHCM lên kế hoạch chọn nhà thầu xây cầu Thủ Thiêm 4 (17/12/2022)

>   Y án chia đều 'đất vàng' 4 - 6 Hồ Tùng Mậu cho Tradeco và Upexim (16/12/2022)

>   Loạt dự án tái định cư ở Hà Nội vỡ tiến độ (16/12/2022)

>   Mánh khóe vụ Nguyễn Thái Luyện lừa đảo hơn 4.300 bị hại (15/12/2022)

>   Vì sao 2 năm chưa đấu giá khu đất nào? (15/12/2022)

>   Đâu là sự lựa chọn của nhà đầu tư giữa lúc thị trường bất động sản “đóng băng”? (15/12/2022)

>   Bao giờ hết dự án treo? (14/12/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật