Vinagame sẽ lên UPCoM ngày 05/01/2023 với giá 240,000 đồng/cp
Hơn 35.8 triệu cp CTCP VNG (Vinagame) sẽ chính thức giao dịch trên UPCoM vào ngày 05/01/2023 với mã là VNZ. Tổng giá trị chứng khoán đăng ký giao dịch theo mệnh giá là hơn 358.4 tỷ đồng.
Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 240,000 đồng/cp, tương ứng tổng giá trị lên UPCoM ngày đầu là gần 8,603 tỷ đồng.
Công ty được thành lập vào năm 2004 với tên gọi ban đầu là CTCP Trò chơi Vi Na (Vinagame) với vốn điều lệ ban đầu 15 tỷ đồng. Qua 18 năm, Công ty có 16 lần tăng vốn chủ yếu thông qua việc chào bán cho cổ đông hiện hữu, chào bán cổ phần riêng lẻ cho cổ đông hiện hữu và nhà đầu tư nước ngoài, tăng vốn theo chương trình phát hành thêm cổ phiếu cho người lao động. Có thời điểm Vinagame chào bán 294,309 cp cho 1 cổ đông chiến lược của Công ty có mức giá lên đến 666,345 đồng/cp (vào tháng 03/2015).
Vinagame hiện có 12 Công ty con trực tiếp, 14 Công ty con gián tiếp. Cơ cấu vốn cổ phần đã phát hành cho thấy Công ty có tỷ lệ sở hữu nước ngoài chiếm 49%, cổ đông trong nước 31.17% và cổ phiếu quỹ 19.93%. Nếu tính theo số cổ phiếu đang lưu hành thì tỷ lệ của nước ngoài lên tới 61.12% và chỉ do 1 tổ chức duy nhất nắm giữ.
Cụ thể, trong bản công bố thông tin, Vinagame cho biết có 373 cổ đông, trong đó có 3 cổ đông lớn với tổng số quyền biểu quyết chiếm hơn 79% theo danh sách chốt cổ đông để đăng ký UPCoM vào ngày 28/11/2022. Trong đó, VNG Limited (tổ chức mới được thành lập có trụ sở tại Cayman Islands) nắm nhiều nhất với 61.1%, Nhà sáng lập, Chủ tịch Lê Hồng Minh nắm 12.3% và CTCP Công nghệ BigV nắm 5.7%.
Công ty cho biết tính đến 30/11/2022, các công ty con của Công ty không còn sở hữu cổ phiếu của Vinagame nên Công ty đã tuân thủ các quy định về sở hữu chéo của Luật doanh nghiệp 2020.
Hoạt động kinh doanh chính của Vinagame gồm trò chơi trực tuyến, nền tảng kết nối, thanh toán và tài chính, dịch vụ đám mây. Vinagame có hoạt động kinh doanh tại thị trường trong nước và nước ngoài như Hồng Kông (Trung Quốc), Thái Lan, Singapore, Phillipines, Myanmar, Đài Loan (Trung Quốc), Indonesia.
Mảng hoạt động mang lại nhiều doanh thu nhất cho Vinagame là dịch vụ trò chơi trực tuyến (sản phẩm thẻ/mã số thẻ trò chơi được nạp vào trò chơi), chiếm trung bình 70 - 80% tổng doanh thu. 9 tháng đầu năm Vinagame đạt doanh thu 5,764 tỷ đồng, trong đó dịch vụ trò chơi trực tuyến đạt 4,056 tỷ đồng, chiếm hơn 70%. Tổng lợi nhuận gộp đạt 2,543 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế công ty mẹ âm 419 tỷ đồng, chủ yếu ảnh hưởng từ khoản lỗ của Zion (đơn vị phát tiển Zalo) và Tiki.
Tính đến cuối tháng 9, Vinagame có tổng giá trị tài sản hơn 9,189 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu hợp nhất 5,579 tỷ đồng. Tổng gia trị các khoản vay hơn 433 tỷ đồng (từ Ngân hàng MSB với lãi suất 7.4%/năm trong 12 tháng đầu, thời hạn vay đến 20/05/2028), đều là vốn vay dài hạn nhằm phát triển dự án trung tâm dữ liệu và sản xuất phần mềm.
Tại Vinagame, tổng số người lao động là 2,565 người với mức lương/thu nhập bình quân 9 tháng đầu năm nay là 25.4 triệu đồng/người/tháng.
Cơ cấu lãnh đạo Vinagame cho thấy có 6 thành viên, trong đó có đến 4 thành viên độc lập.
* 4 thành viên HĐQT mới của Vinagame đến từ Gaw Capital Partners, Temasek, Techcombank
Thu Minh
FILI
|