Trái phiếu khối châu Á mới nổi dự báo tăng chậm hơn quốc gia đang phát triển vào năm 2023
Trong vài tháng gần đây, thị trường trái phiếu của các nền kinh tế mới nổi ở châu Á đang trên đà phục hồi sau thời kỳ suy giảm vì đại dịch Covid-19, nhưng có thể tăng chậm hơn trái phiếu của các quốc gia đang phát triển trong năm 2023.
Trái phiếu chính phủ tại châu Á có vẻ kém hấp dẫn hơn tài sản tương tự của khối nền kinh tế mới nổi nếu xét trên một vài chỉ số, gồm chênh lệch lợi suất với trái phiếu chính phủ Mỹ, lợi suất thực tế, dư địa để ngân hàng trung ương hạ lãi suất và lợi nhuận từ giao dịch chênh lệch lãi suất tiền tệ (carry trade).
Lợi nhuận của một chỉ số theo dõi trái phiếu châu Á đạt 3% trong quý 4/2022 nhờ tâm lý lạc quan rằng lãi suất gần đạt đỉnh và Trung Quốc đang tiến tới mở cửa nền kinh tế trở lại. Tuy nhiên, vẫn có lo ngại rằng giai đoạn tăng giá mạnh nhất của trái phiếu có thể sắp kết thúc.
“Sau đợt tăng mạnh mẽ của trái phiếu châu Á trong vài tuần gần đây, thật khó để thị trường tìm thấy yếu tố hỗ trợ khác”, Philip McNicholas, chuyên gia chiến lược về trái phiếu chính phủ châu Á tại Tập đoàn Robeco, nói.
Dưới đây là 4 biểu đồ cho thấy những thách thức mà thị trường trái phiếu chính phủ của các nền kinh tế châu Á mới nổi phải đối mặt:
Chênh lệch lợi suất trái phiếu thu hẹp
Chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu châu Á và Mỹ ngày càng thu hẹp
Chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu của hầu hết nền kinh tế châu Á mới nổi và trái phiếu chính phủ Mỹ đều thấp hơn mức trung bình 5 năm. Ví dụ, chênh lệch lợi suất của trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Malaysia so với trái phiếu chính phủ Mỹ cùng kỳ hạn chỉ khoảng 60 điểm cơ bản, thấp hơn 2.2 độ lệch chuẩn so với mức trung bình 5 năm.
Việc chênh lệch lợi suất bị thu hẹp làm giảm sức hấp dẫn của trái phiếu Malaysia đối với những người đầu tư vào các tài sản định giá bằng đồng đôla, đồng thời hạn chế mức lợi nhuận tiềm năng. Điều này cũng đồng nghĩa trái phiếu Malaysia có thể sẽ khó vượt qua các tài sản cốt lõi về hiệu suất, Goldman Sachs nhận định.
Lợi suất thực tế thấp hơn
Lợi suất thực tế của trái phiếu châu Á mới nổi thấp hơn mức trung bình 5 năm
Trái phiếu của các nền kinh tế châu Á mới nổi cũng mang lại lợi suất thực tế thấp hơn mức trung bình 5 năm, một phần do lạm phát gia tăng. Ví dụ, trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Indonesia có lợi suất điều chỉnh theo lạm phát chỉ 150 điểm cơ bản sau khi lạm phát vượt 5%/tháng trong 3 tháng qua. Mức lợi suất thực tế đó thấp hơn 3 độ lệch chuẩn so với mức trung bình 5 năm.
Việc Trung Quốc mở cửa trở lại sau các đợt phong toả vì COVID-19 sẽ là yếu tố tích cực cho tăng trưởng kinh tế khu vực, nhưng có thể là yếu tố tiêu cực cho triển vọng lạm phát. Khả năng du khách Trung Quốc quay trở lại vào nửa cuối năm 2023 có thể đẩy áp lực lạm phát ở Thái Lan, Việt Nam và Singapore lên cao, theo các chuyên gia phân tích của Citigroup.
Khả năng lãi suất “hạ nhiệt”
Lãi suất chính sách ở khối châu Á mới nổi tương đối thấp so với trước đây
Các nhà hoạch định chính sách ở nhiều quốc gia châu Á mới nổi đã tăng lãi suất trong vài tháng gần đây để kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, lãi suất chính sách ở phần lớn châu Á vẫn tương đối thấp so với các quốc gia đang phát triển.
Giới hoạch định chính sách ở Brazil, Mexico, Colombia và Chile đã tăng lãi suất tổng 3,800 điểm cơ bản kể từ năm ngoái, trong khi những người đồng cấp ở Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Philippines chỉ tăng tổng 650 điểm cơ bản. Điều đó có nghĩa là các ngân hàng trung ương ở châu Á có ít dư địa để hạ lãi suất trong năm tới nếu kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái.
Giao dịch chênh lệch lãi suất tiền tệ
Lợi nhuận từ giao dịch chênh lệch lãi suất tiền tệ của khối châu Á mới nổi thấp hơn mức trung bình 5 năm
Xét về lợi nhuận giao dịch chênh lệch lãi suất tiền tệ, các đồng tiền của khối châu Á mới nổi ít hấp dẫn hơn so với đồng tiền của các nước đang phát triển khác, do lãi suất chính sách ở khu vực này thấp hơn. Tại Thái Lan, lãi suất 3 tháng đối với đồng baht là khoảng -0,6%, thấp hơn 2 độ lệch chuẩn so với mức trung bình 5 năm sau khi điều chỉnh theo chi phí huy động vốn của Mỹ.
Kim Dung (Theo Bloomberg)
FILI
|