Sàn môi giới bất động sản giải thể, nghỉ Tết sớm
Thị trường bất động sản giao dịch ảm đạm những tháng qua khiến các sàn môi giới phải tìm nhiều cách xoay xở, thậm chí giải thể, nghỉ Tết sớm.
Khoảng hơn một tháng nữa mới đến Tết Nguyên Đán nhưng nhiều công ty môi giới bất động sản đã có thông báo về việc cho nhân viên nghỉ Tết sớm.
Điển hình, một công ty môi giới bất động sản tại miền Bắc mới đây thông báo cho tất cả nhân viên nghỉ Tết sớm từ 12/12/2022 đến hết 5/2/2023. Trong thời gian nghỉ, bộ phận kinh doanh tiếp tục triển khai bán các sản phẩm đang có của công ty với cơ chế, chính sách theo thông báo.
Trường hợp này chưa từng có tiền lệ trong ngành. Nhưng đặt trong bối cảnh hàng loạt khó khăn hiện nay của thị trường bất động sản, đây sẽ là cái Tết dài nhất với những người làm nghề môi giới.
Môi giới mất việc, không lương, không thưởng Tết
Ở TP.HCM và khu vực phía Nam, một sàn môi giới chuyên về phân khúc nhà đất tại quận 9 cũ (nay thuộc TP Thủ Đức) cũng vừa thông báo cho nhân viên nghỉ Tết sớm từ 6/1/2023 mà chưa có ngày cụ thể đi làm lại.
Thậm chí, cách đây không lâu, một công ty chuyên môi giới bất động sản nghỉ dưỡng có trụ sở ở quận Bình Thạnh còn tuyên bố giải thể. Một số nhân viên tại đây cho biết đang rất chật vật do không tìm được việc mới phù hợp, một số người buộc phải chuyển sang làm tài xế công nghệ.
Công ty chuyên môi giới bất động sản nghỉ dưỡng không trụ được đã tuyên bố giải thể. Ảnh: Quỳnh Danh.
|
Là một môi giới bất động sản lâu năm tại khu vực Dầu Giây (Đồng Nai), anh Minh Tiến cũng đang loay hoay kiếm việc làm thêm vì công ty đã cắt lương cứng 2 tháng nay. Tình trạng này càng gây áp lực lớn hơn bởi từ nửa năm qua anh đã không chốt được giao dịch nào.
"Dạo trước, dù không kiếm được hợp đồng thì vẫn còn có lương cứng để trang trải phần nào chi phí đi lại, ăn uống. Còn hiện tại tôi đang nuôi heo rừng kiếm thêm tiền phụ giúp gia đình", anh Tiến giãi bày.
Trong lúc này, một nhóm môi giới từng làm việc trực tiếp cho một chủ đầu tư lớn ở TP.HCM đã tách ra mở công ty riêng chuyên làm dịch vụ cho thuê bất động sản. Tuy nhiên, họ cũng đang lo ngại phải nghỉ Tết sớm vì quá ế, thậm chí có thể giải thể nếu sau Tết thị trường không khả quan hơn.
Theo quan sát của một môi giới lâu năm, khoảng 40-50% công ty môi giới nhỏ và vừa dưới 30 nhân sự không "gồng" được đều đã cho nhân viên nghỉ Tết sớm. Số ít còn làm việc cũng chỉ theo hình thức cộng tác viên, không lương, không thưởng Tết.
Chia sẻ với chúng tôi, đại diện một công ty môi giới đặt tại quận 2 cũ (nay thuộc TP Thủ Đức) cho biết đã thông báo nhân viên làm việc không lương. Theo đó, công ty sẽ hỗ trợ nhân viên trong quá trình làm việc, nếu có giao dịch thì sẽ nhận được hoa hồng. Vị này đồng thời khẳng định không có kế hoạch thưởng Tết năm nay.
"Nhiều tháng qua, công ty chúng tôi gần như không có giao dịch mới. Hiện tại, tôi chỉ có thể duy trì tiền thuê mặt bằng văn phòng và hỗ trợ anh em tư vấn khách chứ không còn cách nào khác. Dự kiến đến tháng 3/2023 nhân viên sẽ nhận lương cứng trở lại, tuy nhiên nếu thị trường chưa có tín hiệu tốt có thể còn kéo dài hơn", vị này nói.
Nên tìm việc tạm thời và tranh thủ hoàn thiện kỹ năng
Tiến sĩ Phạm Anh Khôi, Kinh tế trưởng kiêm Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính Bất động sản tại Dat Xanh Services nhìn nhận khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp mảng dịch vụ môi giới hiện nay là tài chính. Thực tế các doanh nghiệp đều đang phải tái cơ cấu lại mô hình, tinh giảm bộ máy nhân sự hoặc cho nhân viên nghỉ tạm thời.
Tuy nhiên, với những công ty còn đang duy trì được, ông khuyến nghị nên chuẩn hóa lại hoạt động đào tạo, chọn lọc chủ đầu tư uy tín và đủ năng lực triển khai dự án. Ngoài ra, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược lâu dài, sẵn sàng đối phó các kịch bản xấu trong lâu dài và hoàn thành hệ sinh thái ngành, ứng dụng công nghệ.
Thanh khoản bất động sản chỉ tập trung vào nhóm khách hàng có nhu cầu ở thực. Ảnh: Quỳnh Danh.
|
Trong bối cảnh này, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản (VARS) cho rằng môi giới cần phải bình tĩnh và nên tìm một công việc tạm thời để mưu sinh. Bên cạnh đó, có thể tranh thủ thời điểm này để bổ sung kiến thức, hoàn thiện kỹ năng và đạo đức hành nghề.
"Môi giới cần xác định đây chỉ là giai đoạn sụt giảm giao dịch chủ yếu do yếu tố khách quan, còn bản chất thị trường không suy thoái. Do đó, nếu giai đoạn này trau dồi thêm kỹ năng, trình độ thì khi thị trường ổn định trở lại, họ có thể làm việc hiệu quả hơn", vị chủ tịch VARS nói thêm.
Dự báo về thị trường chung trong thời gian tới, ông Trần Khánh Quang - Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Bất động sản Việt An Hòa nhận định với áp lực cuối năm, không riêng các doanh nghiệp bất động sản, mà kể cả đơn vị sản xuất kinh doanh cũng đang bị áp lực thanh toán, gồm cả công nợ, lương tháng 13, thưởng Tết...
Theo ông Quang, nếu được hỗ trợ sớm thì phải hết tháng 3 năm sau thị trường mới dần ổn định trở lại. Nhưng nếu thị trường vẫn tiếp tục khó khăn, khi đó có thể sẽ còn rơi vào thế khó hơn, thị trường chạm đáy một lần nữa.
Dữ liệu của Bộ Xây dựng đến đầu năm nay cho thấy cả nước có hơn 1.100 sàn giao dịch bất động sản đang hoạt động. Tổng quan toàn thị trường, VARS cho hay có ít nhất 300.000 người đang thực hiện các nghiệp vụ môi giới bất động sản ở Việt Nam. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, con số thống kê không đầy đủ chỉ ra khoảng 10.000 nhân viên môi giới đã nghỉ việc hoặc chuyển sang công việc khác để kiếm sống.
Liên Phạm - Lan Anh
ZING
|