Phản đối đưa thép không gỉ chất lượng thấp vào Tiêu chuẩn Việt Nam
13 doanh nghiệp thép không gỉ (hay còn gọi chung là inox) vừa đồng loạt ký vào đơn kiến nghị gửi đến Thủ tướng Chính phủ, Bộ Khoa học - Công nghệ, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng xoay quanh quy định trong Tiêu chuẩn Việt Nam dự kiến áp dụng từ ngày 1.1.2023.
Doanh nghiệp chịu thiệt
Đơn kiến nghị cho biết vào ngày 22.11 các doanh nghiệp (DN) ngành thép không gỉ đã nhận được công văn từ Viện Tiêu chuẩn và công nghệ quốc gia thuộc Bộ Khoa học - Công nghệ VN nêu rằng từ ngày 1.1.2023 các sản phẩm cấp thấp, không đạt tiêu chuẩn của dòng thép series 200 (bao gồm thép không gỉ mác 201-GD1 và 201-GD2) sẽ được thêm vào Tiêu chuẩn Việt Nam đối với thép không gỉ (TCVN) làm đồ gia dụng. Thế nhưng, cũng từ ngày 1.1.2023, VN sẽ bắt đầu áp dụng Quy chuẩn kỹ thuật (QCVN) đối với sản phẩm thép không gỉ. Khi đó, việc sản xuất, nhập khẩu, phân phối các sản phẩm không đạt tiêu chuẩn sẽ bị cấm, trong đó có mác thép series 200 cấp thấp, kém chất lượng.
Trên thực tế, dòng sản phẩm này cũng chỉ do một số nhà máy tại Trung Quốc và Ấn Độ nghiên cứu và sản xuất dựa trên tiêu chí giảm hàm lượng niken và crôm để giảm giá thành. Hai mác thép này thậm chí còn không nằm trong tiêu chuẩn quốc gia của các nhà máy sản xuất là Trung Quốc và Ấn Độ.
|
Các doanh nghiệp tại VN đã ngừng sản xuất dòng thép series 200 theo quy định. C.T.V
|
Theo các DN, chỉ còn 1 tháng nữa là bắt đầu thực thi QCVN, DN bất ngờ tiếp nhận thông tin sản phẩm dòng series 200 sẽ được đưa vào bộ TCVN khiến thất vọng và khó hiểu vì quy định QCVN đã được xây dựng trong 4 năm qua trở nên không còn có ý nghĩa.
Đơn kiến nghị nêu: “Rõ ràng có thể thấy, biện pháp này vốn dĩ được đưa ra nhằm duy trì việc nhập khẩu các sản phẩm dòng series 200 cấp thấp nói trên, thông qua việc đưa thêm mác thép mới vào TCVN để tránh mâu thuẫn với việc thi hành QCVN. Thật khó có thể đồng cảm và lý giải được việc làm thế nào mà một sản phẩm dòng series 200 cấp thấp chưa từng được bất cứ nước nào công nhận đạt tiêu chuẩn bỗng nhiên lại có thể được chính thức công nhận như một hạng mục tiêu chuẩn chính thống tại VN. Tuy nhiên trên thực tế, thực ra việc xét duyệt thi hành QCVN đã trải dài đến 4 năm, và vốn dĩ là quy định đã được lên kế hoạch triển khai từ năm 2020, vì vậy những đơn vị này chắc chắn đã có đủ thời gian để chuẩn bị cho việc xem xét và chuyển đổi sang các loại thép khác thay thế”, đơn kiến nghị nêu.
Các DN cho rằng với việc đưa ra một tiêu chuẩn hoàn toàn mới để đưa vào các sản phẩm dòng series 200 cấp thấp chiếm chưa tới 10% tổng nhu cầu thép không gỉ tại VN, thì chính những đơn vị đã tin tưởng và tuân theo chính sách của Chính phủ trước giờ lại trở thành những đơn vị chịu thiệt hại. Đại diện Công ty POSCO VST - đơn vị sản xuất thép không gỉ cán nguội lớn tại VN - cho biết đã ngừng sản xuất loại thép này từ 1 năm 6 tháng trước theo chủ trương của Chính phủ và cũng đang gánh chịu thiệt hại từ việc ngừng sản xuất này.
Ngoài ra, POSCO VST đã nỗ lực trong nhiều năm để phát triển loại thép thay thế các sản phẩm dòng series 200 cấp thấp và đang trong quá trình nhập khẩu nguyên liệu, chuẩn bị chính thức sản xuất loại thép mới thay thế. Nếu Dự thảo TCVN được ban hành, thì POSCO VST gần như không có khả năng trong việc cạnh tranh với các sản phẩm giá thành và chất lượng thấp trên thị trường. Vì vậy, các DN đề nghị Chính phủ xem xét lại việc đưa sản phẩm thép series 200 cấp thấp vào Dự thảo tiêu chuẩn TCVN cho thép không gỉ làm đồ gia dụng hiện tại.
Nguy cơ mất an toàn cho người tiêu dùng
Không chỉ các DN phải gánh chịu thiệt thòi khi các sản phẩm không đủ tiêu chuẩn lại được phép nhập khẩu, phân phối trên thị trường mà nguy cơ cho người tiêu dùng cũng rất lớn.
Thực tế, thép không gỉ (hay còn gọi là inox) chủ yếu được sử dụng làm đồ gia dụng trong gia đình, phục vụ trực tiếp cho các nhu cầu thiết yếu của người dân nên việc xây dựng tiêu chuẩn cho thép không gỉ làm đồ gia dụng cần phải đặc biệt lưu ý đến sự an toàn và sức khỏe, lợi ích của người tiêu dùng. Thậm chí, do giảm hàm lượng niken nên hàm lượng crôm phải giảm theo, dẫn đến độ chống ăn mòn của 2 loại thép này càng bị kém đi.
Đồng thời, trong hai loại thép này có thành phần mangan cao, đối với các vật dụng, thiết bị liên quan đến thực phẩm (theo chứng chỉ Contact Food) thì có thể gây nhiễm độc kim loại nặng cho người sử dụng nên việc sử dụng hai mác thép 201-GD1 và 201-GD2 cho đồ gia dụng nói chung và vật dụng trong phòng bếp nói riêng là không phù hợp, gây ảnh hưởng không nhỏ đến không chỉ sự an toàn, sức khỏe mà còn gây lãng phí đáng kể cho người tiêu dùng.
Chuyên gia kinh tế - TS Ngô Trí Long phân tích: Trong giai đoạn VN đã hội nhập với kinh tế thế giới và ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do song phương lẫn đa phương, nguyên tắc đầu tiên là các quy chuẩn về hàng hóa đều phải phù hợp với thông lệ quốc tế. Đồng thời yêu cầu cạnh tranh ngày càng cao hơn giữa hàng hóa trong và ngoài nước. Như vậy đối với bất kỳ sản phẩm nào để được phép nhập khẩu và lưu thông trên thị trường trong nước thì phải đảm bảo chất lượng.
Nếu cơ quan ban hành TCVN đối với thép không gỉ lại chấp nhận sản phẩm chất lượng thấp, không phù hợp tiêu chuẩn của thế giới được phân phối vào VN thì phải giải thích rõ vì mục đích gì. Bởi quy định đó sẽ kéo lùi sự phát triển của cả ngành sản xuất trong nước, đi ngược lại với xu thế phát triển của thế giới và sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy cho cả nền kinh tế lẫn người dân. Trên thực tế người dân sẽ không thể biết rõ về các tiêu chuẩn sản phẩm mà chỉ theo tâm lý mua hàng giá rẻ thì lại gặp nguy cơ về an toàn sức khỏe. Đó là chưa kể quy định về chất lượng lại mang tính đi thụt lùi thì cần xem xét lại có khách quan hay chưa.
Mai Phương
Thanh niên
|