Thứ Năm, 15/12/2022 15:47

Nhịp đập Thị trường 15/12: VN-Index tăng ngược dòng châu Á nhờ lực đẩy từ Large Cap

VN-Index tưởng chừng sẽ đổi màu sau 14h, khi chỉ số đang tăng cao bỗng nhiên lao dốc nhanh về tham chiếu, tuy nhiên chỉ số cũng kịp đảo ngược tình thế, tăng trở lại và giữ nguyên tính tích cực cho đến khi đóng cửa. Với mức tăng dù chỉ gần 5 điểm, nhưng VN-Index có thể coi như có 1 ngày đầy may mắn, và đi ngược với hầu hết các chỉ số tên tuổi của khu vực châu Á.

VN-Index từng có khoảng thời gian dao động rất tiêu cực nngay trước khi đóng cửa, nhưng kết quả về cuối, sàn HOSE dường như còn có vị thế còn tích cực hơn so với cuối phiên sáng. Cụ thể, số lượng cổ phiếu tăng giá trên cả 3 nhóm vốn hóa Large Cap, Mid và Small Cap đều nhiều hơn so với số giảm giá, đặc biệt ở Large Cap với mức tăng bình quân gần 2%, trong đó nổi bật lên có VPB, HVN hay MBB. Hầu hết các nhóm ngành lớn trên sàn HOSE đều phủ sắc xanh, không có nhóm nào quá bi quan, kể cả BĐS.

VPB tăng trần, vị thế này còn tốt hơn so với phiên sáng. Trong nhóm cổ phiếu ngân hàng trên sàn HOSE, dĩ nhiên VPB là cổ phiếu nổi bật nhất, thậm chí nổi từ phiên sáng (đã tăng hơn 5%). Tiếp sau VPBMBB với mức tăng hơn 4% và EIB (tăng gần 3%). Chỉ có duy nhất OCB là cổ phiếu ngân hàng giảm giá trên sàn HOSE. Nhóm ngân hàng tiếp tục là trụ cột cho VN-Index và các chỉ số quan trọng khác chiều nay.

Nếu VN-Index không có cú lao dốc bất ngờ lúc 14h, có lẽ HNX-Index đã hồi phục thành công. Chỉ số chính sàn HNX đã tăng trở lại về tham chiếu, vừa kịp chuyển qua màu xanh thì lại lao xuống dưới, cũng chỉ vì cùng lúc đó VN-Index lao dốc về tham chiếu. Điều khá thất vọng là HNX-Index sau đó ại không thể hồi phục lần nữa, đành đóng cửa ngay bên dưới tham chiếu ¼ điểm. Sàn HNX vẫn có hơn 80 cổ phiếu giảm giá, tương tự cuối phiên sáng, nhưng số cổ phiếu tăng giá lúc đóng cửa đã nhiều hơn đáng kể. Trong nhóm Large Cap sàn này, sắc xanh đã phủ trên diện rộng, nhiều mã đổi màu như CEO, MBS, SHS, NVB… tuy nhiên đáng tiếc nhất có lẽ là PVS, sáng tăng chiều lại giảm 100 đồng.

Chịu tác động từ VN-Index, nhưng chỉ số UPCoM-Index lại tăng lên mức gần như cao nhất trong ngày, nhờ có 15 phút “bù giờ” (sau khi HOSEHNX đóng cửa). Số lượng cổ phiếu tăng giá trên sàn UPCoM nhiều gấp rưỡi số giảm giá, và riêng ở nhóm Large Cap, ngoài những cái tên tăng giá nổi bật từng được nhắc đến từ phiên sáng như MSR, VGI, VTP… thì đã xuất hiện thêm những mã tăng giá mạnh khác như VGT, SNZ, MML, VEA

Nếu VHM, NVL, PDR, SJS  tiếp tục giảm giá sâu hơn so với phiên sáng, tuy nhiên nhóm BĐS nhà ở, nhất là những tên tuổi tầm trung, lại có rất nhiều chuyển biến tích cực, nhiều mã kịp đổi màu xanh vào cuối ngày. Trong số này phải kể đến  DXG, HDC, HDG, NTL, CEO

Nhóm BĐS khu công nghiệp cũng xuất hiện 1 số mã tăng giá mạnh nổi lên trong phiên chiều như TIP, VRG, SNZ, SZC, NTC… Thực tế nhiều mã trong số này đã sớm tăng giá từ phiên sáng, nhưng kéo qua đến cuối phiên chiều thì tăng thực sự mạnh.

Nhà đầu tư nhóm cổ phiếu chứng khoán chắc rất vui khi tình thế kịp đảo ngược ở đa số cổ phiếu nhóm này vào cuối phiên chiều. Dù mức tăng bình quan không lớn, nhưng rõ ràng sắc xanh đã thay màu đỏ mà phủ diện rộng ở nhóm này. Những đầu tàu còn giảm giá phiên sáng như MBS, VND, SHS… thì đến chiều đã tăng khá tích cực trở lại. SSI dù chỉ tăng chưa đến 1%, nhưng điều đáng chú ý là khối ngoại mua ròng mạnh. Tương tự, có lẽ khối ngoại cũng là nhân tố giúp VNDHCM tăng giá lần lượt gần 2% và hơn 3%.

GIL vẫn giảm sàn trong phiên chiều, nhưng lại không phải là tên tuổi giảm giá mạnh nhất trong nhóm cổ phiếu dệt may, mà là VGG. Cổ phiếu này giảm tới 10.5% với chỉ chừng vài deal lẻ trong phiên chiều. Ở những tên tuổi khác trong ngành, nhìn chung không có mã nào giảm giá đáng kể, ngay TNG cũng chỉ giảm chưa đến 2%. Ngược lại cũng có không ít mã tăng khá, trong đó có EVE, MNB hay VGT, mã này tăng tới 6.4%.

Dù cổ phiếu của hầu hết nhóm ngành lớn nhỏ đều tranh thủ lúc largecap dẫn dắt thị trường tích cực mà tăng giá, thì hầu hết các tên tuổi trong nhóm thủy sản vẫn chìm trong sắc đỏ, bao gồm từ VHC, MPC, ANV, IDI… đến ACL, CMX, FMC.

Phiên sáng: Large Cap giữ độ cao cho VN-Index

Dù có dấu hiệu hạ độ cao kể từ khoảng giữa phiên sáng, nhưng VN-Index vẫn duy trì được mức tăng trên 5 điểm vào cuối phiên sáng nay. Chỉ số nhóm VN30 thậm chí còn coi là có kết quả tích cực hơn, với số cổ phiếu tăng giá nhiều áp đảo số giảm giá. Nhìn chung trên sàn HOSE, nhóm Large Cap có kết quả tích cực, tuy nhiên điều ngược lại đang xảy ra ở 2 nhóm Mid và Small Cap, tức số cổ phiểu giảm giá lại nhiều hơn. Tổng thể sàn HOSE có gần 50% số cổ phiếu giảm giá, còn số tăng giá chưa đến 40%.

Nhóm VN30 vẫn có 21 cổ phiếu tăng giá vào cuối phiên sáng nay, so với 7 mã giảm giá. Nói chung không có nhiều trường hợp “chạy” từ nhóm tăng qua giảm hay ngược lại, mà thay vào đó là diễn biến tích cực thêm hay giảm đi mà thôi. VIC hiện chỉ còn tăng 200 đồng, gần như thấp nhất trong cả phiên sáng. Một số trường hợp khác thoái lui đà tăng kể từ khoảng giữa phiên sáng cho đến lúc này, có thể kể đến như GAS, FPT, BID, VNM… tuy nhiên không ít đại gia khác vẫn duy trì mức tăng ổn định như VCB, VPB, TCB, MWG, SAB… Ở phía giảm cũng không có mấy thay đổi nào đáng kể, vẫn là những gương mặt thân quen.

Chỉ số chính sàn HNX tiếp tục đào sâu bên dưới tham chiếu, chưa có dấu hiệu hồi trở lại. Bắt đầu suy giảm từ khoảng gần 10g, chỉ số này nhanh chóng chọc thủng xuống dưới tham chiếu rồi loay hoay bên dưới cho đến cuối phiên sáng. Số cổ phiếu tăng giá trên sàn này gần như không đổi so với lúc bắt đầu nhưng số lượng mã giảm giá lại nhiều lên hẳn vào cuối phiên. Ở nhóm Large Cap sàn này, vẫn có PVS, PVI, VCS… nhưng 1 số mã trong số này cũng đã giảm đà tăng. Ở chiều giảm, cũng có CEO, IDC, BAB, KSF, SHS, MBS… và cả THD, mã này vốn còn tăng trước 10g.

Có diễn biến tương tự như VN-Index, chỉ số UPCoM-Index cũng được khá nhiều Large Cap hỗ trợ, trong đó nổi bật có MSR, BSR, KLB, VGI, VTP… những Large Cap còn lại nhìn chung vẫn tích cực, số giảm giá rất ít, cá biệt chỉ có MVN giảm gần 5%.

Nổi lên như là 1 lực đỡ lớn cho VN-Index, nhóm cổ phiếu ngân hàng đến giờ vẫn đa số tăng giá, với mức tăng bình quân gần 1,5%. Cá biệt trong số này vẫn có những mã tăng khá hơn như VPB hay KLB. MSB, STB hoặc cuối phiên có thêm OCB là những trường hợp giảm giá khá bất ngờ, đáng lưu ý là khối ngoại bán ròng ở những mã này.

Nhóm cổ phiếu dầu khí nhà PVN đang bay gần hết màu xanh vào cuối phiên sáng nay. So với hồi đầu, hoặc gần giữa phiên sáng, thì đến lúc trưa chỉ còn 1 số tên tuổi tăng giá nhẹ, bao gồm GAS, PVS, PVI, BSR, PVC… Không ít mã khác đã lùi về tham chiếu, hoặc chuyển qua giảm giá như POW, PVT, CNG, PGD, DPM, DCM

Nhóm cổ phiếu chứng khoán sáng nay đa số lại rơi vào sắc đỏ. Có vẻ như nhóm này rất nhạy cảm với biến động của thị trường, có tin tốt là tím ngay, nhưng có “ai hô” kháng cự, điều chỉnh… là không ít mã dễ bị bán tháo. VDS sáng nay ra tin bị phạt liên quan đến trái phiếu, nhưng chỉ giảm giá chưa đến 1%. Không ít cổ phiếu các công ty khá, có lẽ cũng có dịch vụ về trái phiếu, hiện giảm giá nhiều hơn, trong đó có nhiều mã top đầu thị trường.

GIL đã giảm sàn, dư bán sàn hơn 1.3 triệu đơn vị, nhưng lượng khớp cũng vượt xa cả ngày hôm qua. Cổ phiếu này có lẽ đang nổi nhất nhóm dệt may, với thông tin đòi kiện ông lớn Amazon. Chờ được vạ thì má đã sưng, mức giảm giá sáng nay đang đe dọa khả năng rơi rụng trở lại của GIL, sau chuỗi ngày hồi phục từ giữa tháng 11 đến nay. Trong nhóm dệt may, chỉ có vài cổ phiếu khác giảm giá trên 2% như ADS, GMC, TCM hay VGG.

10h30: Chỉ số 2 sàn trái chiều

Diễn biến trên VN-Index và nhiều cổ phiếu lớn trên sàn HOSE đang khá lạc quan trong nửa đầu phiên sáng nay. Chỉ số sau vỏn vẹn vài phút đầu giằng co, đã nhanh chóng tăng tốc, và từ 10h trở đi thường xuyên treo trên cao ít nhất 10 điểm so với tham chiếu.

Chỉ số VN30 cũng đang dẫn tiên phong cho VN-Index và những cổ phiếu lớn sàn HOSE. Nhóm VN30 hiện có 22 cổ phiếu tăng giá, so với chỉ 6 giảm giá. Các đầu tàu của nhóm này, cũng như của cả sàn HOSE như VIC, TCB, CTG, GBID, VCB, VPB, SAB… đều đang tăng giá tích cực hơn hẳn đầu phiên. Ngược lại trong nhóm giảm giá, tiếp tục xuất hiện những cái tên “thường trú” như  NVL, PDR, và 1 số đại gia khác là VJC, VHM hay STB.

Chỉ số chính sàn HNX đang đi ngược, tức bất ngờ suy giảm ngay gần 10h, và đến lúc này đã chọc thủng xuống dưới tham chiếu. Diễn biến quá nhanh quá nguy hiểm này có lẽ đến từ những Large Cap như CEO, KSF, IDC, SHS... hay cả PVS, dù mã này vẫn còn tăng giá chứ chưa đổi màu. Sàn HNX nói chung chỉ có chừng trên dưới 50 cổ phiếu tăng giá, mà nhiều hơn 1 chút là giảm giá, còn lại đa số vẫn đứng ở tham chiếu (không ít trong số đó rất kém hoặc không có giao dịch).

Sàn UPCoM đang có khá nhiều Large Cap tăng giá từ 2% trở lên, nổi bật như MSR, VTP, VGI… hay vẫn trụ ở mức khá cao như BSR, KLB, VEA… Tuy nhiên những mã như BSR, MSR lại đang có dấu hiệu thoái lui sau 10g cho đến thời điểm này, qua đó cũng khiến chỉ số sàn UPCoM có dấu hiệu lui theo.

Nhóm ngân hàng đang có diễn biến tốt hơn nhiều so với đầu phiên. VCB hiện tăng giá hơn 1.5%, nhiều đại gia khác cũng tăng tương tự hoặc hơn, thậm chí tăng mạnh như VPB (+5.8%). Chỉ có số ít đáng tiếc như MSB giảm giá nhẹ. Khối ngoại giao dịch khá nhiều ở nhóm này, nhìn chung có cả mua lẫn bán, trong đó nổi lên ở SHB, HDB hay STB.

VIC vẫn tăng khá tốt, nhưng nhóm cổ phiếu BĐS nhà ở đang chuyển màu đỏ ngày càng nhiều, trong đó giảm khá sâu có CEO, PDR, SJS, DIGDXS, cổ phiếu được ca ngợi 1 thời không xa, giờ chỉ còn giá dưới 7 ngàn, nhưng đến lúc này còn giảm thêm 3%.

Dù khớp gần 1,4 triệu cổ phiếu chỉ trong nửa đầu phiên sáng nay, gần bằng cả ngày hôm qua, nhưng HVN vẫn tím trần với dư mua hơn 1 triệu đơn vị nữa ở mức giá cao nhất. vị thế của HVN lại đang ngược với VJC, ACV và hầu hết các cổ phiếu dịch vụ khác trong ngành hàng không vào giữa phiên sáng nay.

Mở cửa: VN-Index giằng co dù Fed khiến Dow Jones và nhiều sàn châu Á đỏ

Fed nâng lãi suất đúng như dự đoán của nhiều nhà kinh tế, tăng “mềm” hơn so với lần tăng liền trước đó, nhưng cả 3 chỉ số quan trọng trên sàn Mỹ đêm qua lại giảm nhẹ. Căn nguyên được cho là từ quan điểm của Fed, họ chỉ xem xét ngừng việc tăng lãi suất từ cuối năm 2023. Sáng nay, các chỉ số lớn ở các sàn châu Á cũng giảm dưới 1% (trừ Hang Seng). Điều này có lẽ đang gây áp lực lên VN-Index ngay từ đầu phiên sáng nay.

VN-Index mở cửa giảm chưa đến 1%, thậm chí sau 1-2 phút lại giật ngay lên trên tham chiếu. Khởi đầu như vậy có thể cho thấy thị trường phiên hôm nay sẽ khó dự báo, bởi vừa chịu ảnh hưởng từ thông tin bên ngoài (Fed), vừa là phiên đáo hạn phái sinh, nhưng xu hướng chung vẫn đang là tăng.

Diễn biến tương tự ở chỉ số nhóm VN30, tại đây số lượng cổ phiếu tăng – giảm giá hết sức cân bằng, và bên tăng giá được dẫn dắt bởi VPB (+1.5%) và VIC (+1%). HDB đầu phiên từng dự kiến khớp ở giá trần, nhưng đến ATO chỉ còn tăng không đáng kể. Ở chiều giảm giá, NVL từng có lúc dự kiến giảm hơn 2%, nhưng qua ATO cũng chỉ giảm có vài trăm đồng mà thôi.

Diễn biến trên sàn phái sinh có vẻ vẫn lạc quan, dù chỉ có 4 hợp đồng, nhưng cả 4 đều tăng giá, và 2 mã ngắn hạn nhất đều có gap dương so với chỉ số cơ sở.

Dù tăng không hẳn mạnh, nhưng nhiều cổ phiếu dầu khí nhà PVN vẫn mở cửa trong sắc xanh, và nhiều mã đang tăng liền 3 phiên, hoặc hơn tính cả sáng nay. Trong số này, PVS, PVD, PVC hay BSR vẫn là tâm điểm của cả nhóm, với lượng giao dịch lớn hơn hẳn so với những cổ phiếu còn lại. GAS sáng nay dù mở cửa giảm 500 đồng, nhưng sau đó cũng tăng trở lại 300 đồng.

HDB bất ngờ chất hơn triệu lệnh mua ATO khiến giá khớp dự kiến tăng trần từ rất sớm. Đây cũng là cổ phiếu duy nhất trong nhóm ngân hàng có lệnh tăng đột biến. Tuy nhiên sau đó vài phút, lệnh bán cũng được đẩy vào nhiều hơn, dù không hiện trên bảng giá (không thuộc 3 mức giá bán tốt nhất) nhưng giá khớp HDB đã không còn tím trần.

Nhóm cổ phiếu BĐS nhà ở, nhất là các tên tuồi lớn đa số tăng giá nhẹ sáng nay, tiếp tục duy trì vị thế giằng co trong những phiên gần đây. VIC mở cửa tăng 300 đồng, nhưng sau đó 1 phút đã tăng ngay gần 1,000 đồng. NVL khớp ATO giảm 100 đồng, nhưng sau đó tăng lại ngay gần như lập tức. Tương tự là PDR. 1 số mã khác cũng đang tăng giá từ 1-2% như HDC, NTL, SCR, LDG

Với thông tin mới nhất, HPG đã tiếp tục tăng gần 1.5% ngay đầu phiên sáng nay, cố gắng bứt phá khỏi chuỗi ngày đi ngang trong nửa đầu tháng 12 này. 2 đại giá khác của ngành tôn thép là HSGNKG cũng tăng giá nhẹ.

Với thông tin kiện Amazon, GIL giảm ngay hơn 4% sáng nay. Rõ ràng khó khăn đang hiện diện trong hoạt động kinh doanh của GIL. Trong nhóm dệt may, VGG còn bất ngờ hơn, giảm tới 9.4%. Tuy nhiên đa số tên tuổi khác đang giằng con ngay vạch đích, thậm chí có vài mã tăng giá khích lệ như BDG hay TNG, GMC

Hoàng Nam

FILI

Các tin tức khác

>   Thị trường chứng quyền 15/12/2022: Tâm lý thận trọng gia tăng (14/12/2022)

>   Vietstock Daily 15/12/2022: Trạng thái giằng co tiếp diễn (14/12/2022)

>   Chứng khoán phái sinh Ngày 15/12/2022: Chờ tín hiệu ngày đáo hạn phái sinh (14/12/2022)

>   Phân tích kỹ thuật phiên chiều 14/12: Tâm lý thận trọng tiếp diễn (14/12/2022)

>   Nhịp đập Thị trường 14/12: Phiên chiều ảm đạm (14/12/2022)

>   Chứng khoán phái sinh Ngày 14/12/2022: Tâm lý tích cực trở lại (13/12/2022)

>   Thị trường chứng quyền 14/12/2022: Phân hóa mạnh sau phiên lao dốc (13/12/2022)

>   Vietstock Daily 14/12/2022: Tăng trong thận trọng (13/12/2022)

>   Nhịp đập Thị trường 13/12: Nhóm chứng khoán bật tăng mạnh (13/12/2022)

>   Vietstock Daily 13/12/2022: Tâm lý bi quan trở lại (12/12/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật