Nhìn lại 1 năm “đình đám” của tỷ giá
Năm 2022 ghi dấu ấn đồng USD tăng giá rất mạnh trên thị trường tài chính toàn cầu, do động thái tăng lãi suất nhanh và mạnh của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Kéo theo đó là tỷ giá USD/VND cũng chịu áp lực tăng cao.
Fed tăng lãi suất quyết liệt, đồng USD bay cao
Từ tháng 2/2022, áp lực lạm phát trên toàn cầu gia tăng do xung đột giữa Ukraine - Nga, tạo ra cú sốc lớn trên thị trường hàng hóa đi kèm với gián đoạn chuỗi cung ứng, khiến mặt bằng giá cả hàng hóa duy trì ở mức cao.
Lạm phát của Mỹ cao nhất 4 thập niên trở thành ngọn lửa châm ngòi cho giá USD lập đỉnh trong năm 2022, lên mức cao nhất trong vòng 20 năm.
Nguồn: Tác giả tổng hợp
|
Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) toàn phần trong tháng 6 của Mỹ đã tăng 9.1% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức lạm phát cao nhất của Mỹ kể từ tháng 12/1981. Phần lớn mức tăng lạm phát trong tháng 6 là do giá năng lượng - tăng 7.5% sau 1 tháng và tăng 41.6% trong giai đoạn 12 tháng.
Nguồn: Tác giả tổng hợp
|
Trước sức nóng của lạm phát, Fed quyết định mạnh tay tăng lãi suất 0.75 điểm phần trăm liên tiếp 4 lần trong năm qua - động thái cứng rắn nhất của Fed kể từ thời kỳ của Paul Volcker vào đầu những năm 1980. Tính trong cả năm 2022, Fed đã tăng lãi suất từ 0.25% lên 4.5%, tương đương tăng 4.25 điểm phần trăm.
Dù việc tăng lãi suất của Fed sẽ gây ra nhiều hệ quả như sẽ kéo theo sự sụt giảm tăng trưởng kinh tế, tăng tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ và nhiều hệ quả tiêu cực khác lên các nền kinh tế; nhưng cũng đồng thời khiến lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn trên 2 năm ghi nhận mức tăng trên 4%, qua đó thu hút các nhà đầu tư muốn tìm kiếm lợi nhuận cao hơn những kênh đầu tư khác trên thế giới. Điều này làm tăng nhu cầu đối với chứng khoán định giá bằng đồng USD, từ đó giúp đẩy giá trị của đồng USD lên cao.
Mặt khác, các nhà đầu tư vẫn tìm đến đồng USD như một kênh trú ẩn an toàn thay vì đồng Euro bởi kỳ vọng kém tích cực về triển vọng kinh tế khu vực EU - nền kinh tế chịu ảnh hưởng trực tiếp từ xung đột Nga - Ukraine.
Diễn biến chỉ số USD-Index trong hơn 55 năm qua
Nguồn: tradingview
|
Tỷ giá USD/VND phá đỉnh
Đồng USD lên giá và duy trì sức mạnh tương đối so với đồng tiền khác và VNĐ cũng không phải là ngoại lệ. Trong khi đó, nguồn cung ngoại tệ có diễn biến không quá thuận lợi so với các năm trước, đặt trong bối cảnh Việt Nam nhập khẩu hàng hóa nguyên liệu trong giai đoạn giá cả tăng cao. Vì thế, tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đồng USD đạt mức cao nhất từ trước tới nay, đạt mức 23,703 đồng/USD trong phiên 25/10/2022. Cùng với đó là tỷ giá niêm yết tại Vietcombank vọt lên mức 24,692 đồng/USD (mua vào) và 24,872 đồng/USD (bán ra). Đây cũng là giá USD cao nhất mà Vietcombank niêm yết kể từ năm 2000 đến nay.
|
So với đầu năm, tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đồng USD cũng tăng mạnh thêm 486 đồng/USD, tương đương tỷ lệ 2.1%, lên mức 23,631 đồng tính đến phiên 23/12/2022. Theo sau là tỷ giá niêm yết tại Vietcombank tăng 790 đồng ở chiều mua và 830 đồng/USD ở chiều bán, tỷ lệ tăng lần lượt tương đương 3.5% và 3.6%, lên mức 23,400 đồng/USD (mua vào) và 23,750 đồng/USD (bán ra) tính đến phiên 23/12/2022.
Giá bán USD tăng mạnh, nới biên độ
Trước sức nóng của đồng bạc xanh trên thị trường quốc tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã quyết liệt hành động để “cân” tỷ giá.
Nguồn: Tác giả tổng hợp
|
Trong năm qua, NHNN đã có 6 lần điều chỉnh biểu niêm yết giá bán USD giao ngay với mức tăng mạnh, sắp chạm ngưỡng 25,000 đồng/USD.
Các lần điều chỉnh giá bán USD của NHNN trong năm 2022
Nguồn: Tác giả tổng hợp
|
Hồi tháng 5/2022, NHNN đã điều chỉnh tăng tỷ giá USD chiều bán thêm 200 đồng, lên 23,250 đồng/USD. Tiếp đến là các đợt tăng giá bán USD liên tục với các mức tăng từ 300 - 490 đồng. Sau lần tăng mạnh nhất 490 đồng vào phiên 24/10, giá bán USD đã tăng lên mức 24,870 đồng/USD.
Tính chung từ đầu năm đến nay, giá bán USD từ Sở Giao dịch NHNN đã tăng tổng cộng 1,720 đồng/USD, tương đương mức tăng 7.4%.
Bên cạnh việc tăng mạnh giá bán USD tại Sở Giao dịch, nhà điều hành còn quyết định điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay USD/VND từ mức ±3% lên ±5% từ ngày 17/10. Đây là lần điều chỉnh biên độ đầu tiên của NHNN sau 7 năm.
Có thể thấy, NHNN đưa ra giá bán USD cao hơn để giảm sức hấp dẫn của việc nắm giữ đồng USD, nhằm tăng nguồn cung USD trên thị trường ngoại hối, từ đó giúp làm giảm sức nóng của đồng tiền này.
Sau giai đoạn tăng mạnh giá bán USD, từ ngày 16/12, nhà điều hành đã giảm giá về còn 23,780 đồng/USD và duy trì mức giá này cho đến nay, khi giá USD trên thị trường quốc tế lao dốc, về mức thấp nhất 6 tháng trở lại đây. Theo đó, USD-Index giảm về còn 104.8 điểm, tương đương giảm hơn 8% so với mức đỉnh 114.19 điểm ngày 27/09/2022.
Trở lại kênh mua USD sau 3 tháng bỏ ngỏ
Ngày 07/09/2022, Sở Giao dịch NHNN điều chỉnh biểu niêm yết giá bán USD giao ngay từ 23,400 đồng/USD lên mức 23,700 đồng/USD. Đồng thời, nhà điều hành bắt đầu ngừng niêm yết tỷ giá mua can thiệp.
Từ thời điểm đó đến nay, trong khi giá bán USD tại Sở Giao dịch NHNN biến động mạnh (tăng lên đỉnh 24,870 đồng/USD rồi giảm về 24,830 đồng/USD) thì giá mua vào USD vẫn bị NHNN bỏ trống.
Sau hơn 3 tháng “để ngỏ” tỷ giá mua can thiệp USD, nhà điều hành đã quay trở lại kênh giao dịch mua ngoại tệ với tỷ giá tham khảo ở mức 23,450 đồng/USD, tăng 900 đồng/USD so với thời điểm trước khi NHNN ngừng niêm yết giá mua vào USD. Cụ thể, lần gần nhất NHNN niêm yết giá mua vào đồng bạc xanh tại Sở Giao dịch đã diễn ra từ ngày 06/09 với mức 22,550 đồng/USD.
Có thể lý giải quyết định quay trở lại kênh giao dịch mua USD của NHNN là do thị trường ngoại hối đang dần ổn định, khi sức mạnh đồng bạc xanh đã suy yếu trên thị trường quốc tế. Một lý do nữa là vào thời điểm cuối năm, nguồn ngoại tệ khá dồi dào từ xuất khẩu, kiều hối, giải ngân vốn đầu tư nước ngoài… giúp các ngân hàng dư thừa thanh khoản ngoại tệ. Trong khi đó, lãi suất trên thị trường ở mức cao khiến việc nắm giữ USD trong giai đoạn này không có lợi.
Tỷ giá USD/VND vẫn có thể tăng?
Trong báo cáo triển vọng kinh tế và thị trường ngoại hối Việt Nam 2023, Trung tâm Giải pháp và Giao dịch Shinhan (Shinhan Bank) dự báo năm 2023, tỷ giá USD/VND dự kiến sẽ tăng do các yếu tố bên ngoài như suy thoái kinh tế toàn cầu và bất ổn chính trị gia tăng.
“Tuy nhiên, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm tốc độ tăng lãi suất và nỗi lo lạm phát giảm bớt, USD/VND sẽ dần ổn định và có xu hướng giảm. Dù vậy, với suy thoái kinh tế toàn cầu, khối lượng giao dịch giảm, rủi ro thị trường bất động sản gia tăng do các quy định chặt chẽ hơn và lãi suất tăng... tỷ giá USD/VND vẫn có thể tăng”, nhóm phân tích Shinhan Bank đánh giá.
Tương tự, chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng VND sẽ vẫn còn dư địa giảm giá so với đồng USD cho năm nay, thậm chí sang năm 2023. Các chuyên gia dự báo mức giảm giá của VND sẽ là 3-4%.
“Giai đoạn này, diễn biến thị trường ngoại hối sẽ tiếp tục phụ thuộc lớn vào diễn biến thị trường thế giới”, VCBS nhận định.
Khang Di
FILI
|