Thứ Sáu, 30/12/2022 14:00

Một năm “sớm nở tối tàn” của vàng, kỳ vọng gì cho 2023?

Bất ổn địa chính trị đi kèm nỗi lo lạm phát tăng cao từ đầu năm đẩy giá vàng vượt mốc 2,000 USD/oz, nhưng sau đó sự đi lên của đồng USD và nhu cầu sụt giảm đã kéo giá vàng một đường đi xuống.

Vàng thế giới “sớm nở tối tàn”

Giá vàng thế giới năm 2022 có xu hướng leo dốc trong 3 tháng đầu năm. Phiên 08/03, giá vàng giao ngay tăng 1% lên 2,014.4 USD/oz, cũng là mức cao nhất kể từ tháng 8/2020.

Giá vàng leo thang phản ánh tâm lý lo ngại của nhà đầu tư và tìm về nơi trú ẩn an toàn. Tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine liên tục leo thang cộng với nỗi lo lạm phát đã không ngừng đẩy giá vàng tăng nhanh.

Tuy nhiên, sau đó giá vàng thế giới đã không tăng tiếp như kỳ vọng và bắt đầu trượt dài khi có nhiều nhân tố khác tác động tới thị trường vàng.

Các ngân hàng trung ương trên thế giới tăng mạnh lãi suất với nỗ lực kìm hãm lạm phát, nhất là sau khi xung đột giữa Nga - Ukraine khiến giá cả thực phẩm và năng lượng leo thang. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2018 sau phiên họp 17/03 để kiềm chế lạm phát. Tính cho cả năm 2022, Fed đã có 7 lần tăng lãi suất, trong đó, 4 lần liên tục đều nâng với mức 75 điểm cơ bản trong các phiên họp chính sách vào tháng 6, tháng 7, tháng 9 và tháng 11. Lần gần nhất, tại cuộc họp tháng 12, tăng thêm 50 điểm cơ bản và nâng phạm vi mục tiêu lên 4.25%-4.5%, mức cao nhất trong 15 năm.

Những động thái này đã đẩy đồng USD lên mức cao nhất trong 2 thập niên, khiến đồng USD trở thành kênh trú ẩn an toàn cho nhà đầu tư đang tìm cách phòng tránh suy thoái. Khi giá trị đồng bạc xanh tăng lên, cũng ảnh hưởng nặng nề đến thị trường chứng khoán và vàng - những thị trường được định giá bằng USD.

Một yếu tố khác nữa là ảnh hưởng của chu kỳ tăng lãi suất mạnh của Fed đối với trái phiếu Chính phủ Mỹ. Lợi suất trái phiếu của Mỹ - vốn biến động ngược chiều với giá vàng - đã tăng vọt khi Fed thắt chặt chính sách tiền tệ. Lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm hiện ở mức 3.77%, tăng mạnh từ khoảng mức 1.5% của đầu năm.

Động thái trên của Fed khiến giá vàng thế giới quay đầu giảm mạnh và chạm đáy trong năm vào phiên 26/09 tại 1,621.46 USD/oz.

Sau khi tạo đáy, giá vàng thế giới bắt đầu chu kỳ hồi phục khi căng thẳng giữa Nga - Ukraine hạ nhiệt, làm giảm sức hấp dẫn của đồng USD. Hiển nhiên khi đồng USD suy yếu, vàng trở nên ít đắt đỏ hơn đối với những người mua nước ngoài.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 29/12/2022, hợp đồng vàng giao ngay tiến 0.7% lên 1,817.30 USD/oz. Hợp đồng vàng tương lai cộng 0.6% lên 1,826 USD/oz.

David Meger, Giám đốc giao dịch kim loại tại High Ridge Futures, nhận định: “Chúng tôi tin rằng xu hướng tiếp tục tăng cao hơn, với việc thị trường tập trung vào ý kiến cho rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sắp kết thúc đợt nâng lãi suất vào đầu năm 2023”.

Diễn biến giá vàng thế giới từ đầu năm đến 30/12
Nguồn: Investing.com

Giá vàng trong nước chênh lệch so với thế giới

Trong năm 2022, hầu như giá vàng trong nước diễn biến cùng chiều với giá vàng thế giới. Từ đầu năm, giá vàng trong nước bắt đầu leo thang và đạt đỉnh vào phiên 09/03 sau khi vàng thế giới vượt mốc 2,000 USD/oz, với giá mua vào/bán ra tương đương 70.5 - 72.32 triệu đồng/lượng.

Sau đó, giá vàng trong nước đổ đèo về mức giá 67.3 - 69.02 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào/ bán ra vào phiên 15/03. Suốt thời gian sau đó, dù giá vàng thế giới có lao dốc, giá vàng trong nước vẫn duy trì đi ngang.

Tính đến sáng 30/12/2022, giá vàng miếng SJC tại Eximbank mua vào - bán ra với giá 66.0 - 66.7 triệu đồng/lượng; Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC mua vào - bán ra với giá 65.9 - 66.7 triệu đồng/lượng.

Giá vàng miếng trong nước cao hơn giá vàng thế giới khoảng 13 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, chênh lệch giá mua vào - bán ra giữ ở mức khoảng 1 triệu đồng/lượng, khiến vàng trong nước bớt hấp dẫn nhà đầu tư.

Việc giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới đã không còn lạ từ nhiều năm nay. Các chuyên gia lý giải theo Nghị định số 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng thì vàng miếng do Nhà nước độc quyền sản xuất, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là đơn vị được Chính phủ giao tổ chức và quản lý hoạt động sản xuất vàng miếng. Đồng thời, chỉ có Nhà nước mới được xuất - nhập khẩu vàng nguyên liệu, cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho doanh nghiệp. NHNN hiện chỉ cấp phép nhập khẩu cho một vài doanh nghiệp, vì thế nguồn cung vàng trong nước bị hạn chế. Thêm vào đó, tình trạng lạm phát gia tăng ở nhiều quốc gia và sản xuất đình trệ, vàng trở thành kênh trú ẩn an toàn cho dòng tiền của các nhà đầu tư. Cuối cùng, chính việc giá vàng biến động liên tục khiến kênh đầu tư vàng khá hấp dẫn, được nhiều người dân mua để kiếm lời. Đây cũng là lý do tại sao giá vàng tăng cao nhưng vẫn có rất nhiều người mua.

Về phía NHNN, bà Nguyễn Thị Hồng - Thống đốc NHNN cho biết, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới cũng như chênh lệch giữa vàng miếng SJC và các loại vàng miếng khác là phù hợp. Ngoài ra, Nghị định 24 góp phần ổn định tâm lý của người dân, duy trì giá trị VNĐ thông qua việc kiểm soát chặt lạm phát nên người dân chuyển hóa một lượng lớn vàng vật chất sang tiền VNĐ và dùng nó để tạo ra nguồn lực đầu tư, tái đầu tư cho nền kinh tế.

Biểu đồ giá vàng SJC trong nước từ đầu năm đến phiên 30/12/2022
Nguồn: Tygia.vn

Giá vàng khó đoán định trong năm 2023

Ông Eric Strand - nhà quản lý danh mục đầu tư và người tạo ra sàn giao dịch khai thác vàng AuAG ESG được niêm yết tại châu Âu - cho biết, triển vọng năm 2023 có thể chỉ là khởi đầu của một đợt tăng giá mới đối với vàng, vượt qua mức 2,100 USD/oz (tương đương 60.25 triệu đồng/lượng). Nhu cầu vàng của các nhà đầu tư đã yếu đi trong hầu hết năm 2022 khi Fed bắt đầu chu kỳ thắt chặt mạnh mẽ nhất trong 40 năm nhằm nỗ lực hạ nhiệt lạm phát, đạt mức cao nhất trong 40 năm.

Tuy nhiên, thị trường vàng đã thay đổi mối quan tâm của nhà đầu tư khi dường như Fed sắp kết thúc chính sách tiền tệ mạnh mẽ của mình. Các ngân hàng trung ương sẽ xoay trục trong việc tăng lãi suất và trở nên ôn hòa hơn trong năm 2023. Điều này sẽ kích hoạt một động thái bùng nổ đối với vàng trong nhiều năm tới.

Còn tại cuộc khảo sát của Kitco News về xu hướng giá vàng trong tuần tới với 20 nhà phân tích Phố Wall tham gia thì có 9 người, tương ứng 45%, dự báo giá vàng sẽ tăng. Ngược lại có 6 người, tương đương 30%, đưa ra quan điểm kim loại quý sẽ giảm; còn 5 nhà phân tích, chiếm 25%, cho rằng vàng sẽ đi ngang.

Trong khi đó, ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc tư vấn đầu tư Maybank Investment Bank - dự báo năm tới giá vàng sẽ tăng và sau đó đi ngang. Tuy nhiên, mức tăng sẽ không đạt cao như mức đỉnh của năm 2022. Nếu so với các kênh đầu tư khác, vàng vẫn kém hấp dẫn hơn trong thời gian tới.

Ý kiến trái chiều, ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích CTCK Yuanta lại cho rằng, năm sau Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất và không còn là chu kỳ tăng trưởng nóng của đồng USD và khi đồng tiền này suy yếu sẽ là cơ hội cho các kênh đầu tư khác. Ông Minh dự đoán vàng có thể sẽ là kênh đầu tư hưởng lợi lớn trong xu hướng này và sẽ là một trong những kênh tăng trưởng tốt trong năm 2023.

Cát Lam

FILI

Các tin tức khác

>   Giá vàng ngày 30.12.2022: SJC 'neo' gần 67 triệu đồng mỗi lượng (30/12/2022)

>   Giá vàng sẽ ra sao vào năm tới? (30/12/2022)

>   Vàng thế giới tăng khi đồng USD suy yếu (30/12/2022)

>   Lý do hết thời 'sốt' vàng miếng (30/12/2022)

>   Việt Nam tiêu thụ gần 50 tấn vàng trang sức mỗi năm (29/12/2022)

>   Vừa mua vàng buông tay, người dân lỗ ngay 1 triệu đồng/lượng (29/12/2022)

>   Vàng thế giới giảm khi đồng USD tăng (29/12/2022)

>   Giá vàng ngày 28.12.2022: Quốc tế tăng vẫn rẻ hơn vàng SJC 14,5 triệu đồng/lượng (28/12/2022)

>   Vàng thế giới lên cao nhất trong 6 tháng (28/12/2022)

>   Giá vàng ngày 27.12.2022: Người mua có thể lỗ ngay 700.000 - 800.000 đồng/lượng (27/12/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật