Thứ Tư, 21/12/2022 09:03

Làn sóng tăng lãi suất ở châu Á có thể gần đạt đỉnh

Các ngân hàng trung ương ở châu Á đã dành nguyên năm 2022 để đối phó với lạm phát bằng cách tăng lãi suất, và họ được cho là sẽ chuyển trọng tâm chính sách vào năm tới trong bối cảnh giá cả đang tăng chậm lại và các nền kinh tế bắt đầu cảm nhận được nguy cơ suy thoái toàn cầu.

Ít áp lực để mạnh tay lãi suất

Hầu hết ngân hàng trung ương ở châu Á đều kém quyết liệt hơn Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) với 7 lần tăng lãi suất trong năm nay, do lạm phát ở khu vực này không quá nghiêm trọng.

Mặc dù việc đồng đô la Mỹ tăng giá đã thúc đẩy giới đầu tư chuyển tiền sang Mỹ cũng như gây áp lực lên các đồng tiền của châu Á, song giới hoạch định chính sách tiền tệ của khu vực này đã phản ứng bằng một loạt đợt tăng lãi suất, hạ giá nội tệ và can thiệp trên thị trường. Cán cân tài khoản vãng lai theo đó được cải thiện, các nước giảm phụ thuộc vào nợ nước ngoài trong khi dự trữ ngoại hối lớn cũng giúp họ vượt qua được áp lực.

Lạm phát đã bắt đầu giảm bớt ở hầu hết nền kinh tế châu Á, từ Hàn Quốc, Trung Quốc đến Thái Lan, Ấn Độ. Nhưng hiện nay, lại xuất hiện những dấu hiệu cho thấy tăng trưởng kinh tế suy yếu, được thể hiện qua sự sụt giảm mạnh trong xuất khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc vào tháng 11/2022.

Các ngân hàng trung ương tại châu Á tăng lãi suất trong một năm qua

Một điều may mắn cho khu vực này là việc Trung Quốc đang mở cửa kinh tế trở lại sau gần 3 năm thực hiện chiến dịch Zero COVID. Điều này cũng có thể gây áp lực lên giá cả hàng hoá. Tuy nhiên, một cuộc suy thoái ở Mỹ và châu Âu, như một số chuyên gia dự báo, có nghĩa là nhu cầu đối với hàng hoá sẽ suy yếu, giúp kiềm chế lạm phát.

“Đúng, Trung Quốc có thể phục hồi, nhưng chúng tôi nghĩ rằng ban đầu nó sẽ là một chặng đường gập ghềnh. Đồng thời, các nền kinh tế lớn khác, bao gồm Mỹ và khu vực đồng tiền chung châu Âu, đang rơi vào suy thoái, vì vậy, tình thế sẽ cân bằng”, Rob Subbaraman, giám đốc nghiên cứu vĩ mô toàn cầu của Nomura, nhận định. Nhóm nghiên cứu của ngân hàng này cho rằng áp lực đối với giá hàng hoá sẽ suy yếu, ít nhất là trong nửa đầu năm 2023.

Đồng đô la Mỹ được cho là đã đạt đỉnh sau khi tăng lên mức cao nhất kể từ năm 1985 xét về tỷ giá hối đoái hiệu quả thực, theo tính toán của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế.

Các chuyên gia kinh tế tại Morgan Stanley cũng cho biết: “Chúng tôi cho rằng đồng USD đã đạt đỉnh, và sẽ sụt giảm trong suốt năm 2023”.

Điều này có nghĩa là các ngân hàng trung ương ở châu Á sẽ không phải tăng lãi suất quá mạnh chỉ để hỗ trợ đồng nội tệ của họ trong năm tới.

Charu Chanana, chuyên gia về chiến lược thị trường tại Saxo Markets, cho biết: “Câu chuyện lãi suất hầu như đã được thị trường hấp thụ. Đối với thị trường ngoại hối, tâm lý đang chuyển sang lo ngại về suy thoái kinh tế”.

Fed đã giảm tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ trong phiên họp tháng 12/2022 vừa qua. Hiện tại, cơ quan này được cho là sẽ tạm dừng thắt chặt một khi tăng lãi suất lên khoảng 5 – 5.25% vào đầu năm tới, tương đương với tổng mức tăng lãi suất là 5% chỉ trong một năm.

Tuy nhiên, giới đầu tư vẫn lo ngại lạm phát sẽ kéo dài. Hầu hết thị trường cổ phiếu đều giảm kể từ 16/12 sau khi các ngân hàng trung ương, bao gồm ở châu Âu và Anh, quyết định tăng lãi suất và dùng giọng điệu quyết liệt với chính sách tiền tệ.

Ai sẽ tiên phong hạ lãi suất?

Mọi người sẽ chỉ cảm nhận được tác động đầy đủ của những đợt tăng lãi suất tại Mỹ vào năm 2023 do việc truyền tải chính sách có độ trễ từ 6 – 8 tháng, theo nhóm chuyên gia kinh tế tại Moody's Investors Service. Nếu lạm phát được kiểm soát, một số chuyên gia dự đoán Fed sẽ có động thái hạ lãi suất vào cuối năm tới, với đợt cắt giảm đầu tiên có thể xảy ra trong giai đoạn tháng 9 – tháng 12/2023. Moody's cho rằng Fed sẽ hạ lãi suất 0.25 – 0.5% sớm nhất vào tháng 11/2023.

Tại châu Á, giới đầu tư sẽ theo dõi chặt chẽ việc các ngân hàng trung ương theo sát kế hoạch của Fed như thế nào. Hiện tại, giới hoạch định chính sách của từng nước đang hành động với tốc độ khác nhau.

Lãi suất tại châu Á đã đạt đỉnh?

Hàn Quốc có thể là một trong những quốc gia đầu tiên chuyển hướng chính sách tiền tệ. Đây là một trong những quốc gia châu Á phụ thuộc nhiều nhất vào xuất khẩu cũng như bị ảnh hưởng nhiều nhất khi Mỹ suy thoái. Nước này cũng từng bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ trước các quốc gia khác, với đợt tăng đầu tiên là vào tháng 08/2021 nhằm ngăn chặn đồng won mất giá so với đồng USD và hạ nhiệt thị trường bất động sản quá “nóng” khi đó.

Tuy nhiên, tổng mức tăng 2.75% kể từ tháng 08/2021 đến nay – mức tăng lớn thứ hai ở châu Á, sau Philippines – là một cú sốc đối với khối tư nhân vốn sử dụng đòn bẩy cao của quốc gia này.

Theo Viện Tài chính Quốc tế, khu vực hộ gia đình của Hàn Quốc đang mắc nợ nhiều nhất thế giới, với tỷ lệ nợ/GDP là 102%. Hơn 80% khoản vay thế chấp có lãi suất thay đổi. Hiện nay, quốc gia này cũng đang xảy ra cuộc khủng hoảng thanh khoản trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp Hàn Quốc.

Ai sẽ là người tiên phong giảm lãi suất?

Giới phân tích cho rằng ngân hàng trung ương Hàn Quốc đã bắt đầu cảnh giác với việc tăng lãi suất quá mạnh. Fitch Solutions đánh giá: “Chúng tôi tin rằng việc tín dụng cạn kiệt và tăng trưởng kinh tế suy yếu sẽ khiến ngân hàng trung ương Hàn Quốc có lý do để hành động thận trọng hơn”. Theo họ, chu kỳ thắt chặt chính sách của Hàn Quốc đã gần đạt đỉnh.

Thái Lan là một quốc gia khác có khả năng sắp kết thúc chu kỳ tăng lãi suất. Nhóm chuyên gia kinh tế của Nomura cho biết lạm phát tiêu dùng tại quốc gia Đông Nam Á này đã đạt đỉnh vào tháng 08/2022, ở 7.9%, và dự kiến quay trở lại mục tiêu của ngân hàng trung ương là từ 1 – 5% vào tháng 05/2023.

Họ dự báo ngân hàng trung ương Thái Lan sẽ tăng lãi suất lần cuối 0.25% lên 1.5% vào tháng 01/2023.

Giống như Hàn Quốc, Thái Lan có khu vực hộ gia đình mắc nợ rất lớn, với tỷ lệ nợ/GDP là 87%, theo Viện Tài chính Quốc tế. Đây cũng là nền kinh tế phụ thuộc vào hàng xuất khẩu, đặc biệt là ô tô. Nhóm chuyên gia kinh tế của Nomura cho rằng nợ hộ gia đình ở Thái Lan tập trung nhiều vào thẻ tín dụng và các khoản vay cá nhân, vốn là những khoản vay phải trả lãi cao. Ngành du lịch của nước này đang phục hồi nhanh chóng, song sẽ không đủ để đảo ngược dự báo tăng trưởng kinh tế yếu ớt.

Ngay cả Ấn Độ cũng sẽ không thoát khỏi xu thế tăng trưởng trì trệ của kinh tế thế giới, dù họ được coi là nền kinh tế định hướng nội địa và hưởng lợi chính từ làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc.

Lạm phát cao tại đây có thể vẫn dai dẳng cho tới quý 1/2023, song việc tăng trưởng kinh tế chậm lại và giá hàng hoá “hạ nhiệt” có thể kéo lạm phát đi xuống, theo nhóm chuyên gia kinh tế của Nomura. Họ cho rằng chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ của Ấn Độ đang ở giai đoạn cuối.

Trong khi đó, các ngân hàng trung ương ở Indonesia và Philippines có thể tiếp tục theo dõi tình hình lạm phát cho đến hết năm 2023, vì giá cả dự báo sẽ không trở về khung mục tiêu 2 – 4% của họ trước năm 2024. Ngân hàng trung ương Philippines đã sử dụng giọng điệu ôn hoà hơn trong phiên họp chính sách gần nhất, cùng với dự đoán lạm phát sẽ đạt đỉnh trong tháng 12/2022 sau khi lên cao nhất 14 năm (8%) trong tháng trước.

Ở Trung Quốc, ngân hàng trung ương được cho là sẽ vẫn giữ lập trường chính sách của riêng họ. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã hạ lãi suất 0.1% trong mỗi phiên họp vào tháng 1 và tháng 08/2022, đồng thời giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc hai lần vào tháng 4 và tháng 12/2022 xuống 7.8% từ 8.4%.

Ông Chanana của Saxo Markets cho biết: “Ngân hàng trung ương Trung Quốc sẽ duy trì lập trường nới lỏng chính sách trong năm tới, trái ngược với những gì các cơ quan đồng cấp trên toàn cầu đang làm, bởi vì họ tập trung rất nhiều vào việc phục hồi tăng trưởng. Song họ không thể thực hiện nới lỏng trên diện rộng vì điều đó sẽ khiến đồng nhân dân tệ mất giá mạnh. Họ sẽ xem xét các biện pháp có mục tiêu hơn”.

Kim Dung (Theo Nikkei Asia)

FILI

Các tin tức khác

>   BOJ bất ngờ nới biên độ lợi suất mục tiêu của trái phiếu chính phủ (21/12/2022)

>   Vàng thế giới vượt ngưỡng 1,800 USD/oz (21/12/2022)

>   Dầu tăng nhẹ do lo ngại nhu cầu ở Mỹ (21/12/2022)

>   Nỗi ám ảnh từ cuộc Đại suy thoái quay trở lại (20/12/2022)

>   Anh công bố mẫu tiền giấy mới (20/12/2022)

>   Nước Anh đánh mất “ngôi vương” trên thị trường tài chính châu Âu (20/12/2022)

>   Vàng thế giới tiếp tục giảm (20/12/2022)

>   Dầu lên sát mốc 80 USD/thùng (20/12/2022)

>   Dự báo lộ trình nâng lãi suất của các ngân hàng trung ương trong năm 2023 (19/12/2022)

>   Trái phiếu bất động sản Trung Quốc bất ngờ tăng mạnh (19/12/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật