Gian nan xử lý tài sản bảo đảm trên hành trình thu hồi nợ vay
Hoạt động cho vay của các ngân hàng thương mại luôn tiềm ẩn rủi ro khi khách hàng không trả được nợ và lãi vì nhiều lý do. Lúc này, việc thu hồi nợ sẽ phụ thuộc vào tài sản bảo đảm (TSBĐ) của khách hàng hoặc bên thứ ba, nhưng thực tế không phải tất cả TSBĐ được thế chấp tại ngân hàng có thể xử lý theo đúng quy định.
Hành lang pháp lý hỗ trợ các tổ chức tín dụng đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu hiện đã có, cụ thể các quy định pháp luật giúp khẳng định quyền của chủ nợ trong việc xử lý TSBĐ để thu hồi nợ. Tuy nhiên trên thực tế, các tổ chức tín dụng vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc xử lý TSBĐ để thu hồi nợ, từ khâu thu giữ cho tới khâu phát mại. Theo phản ánh của các ngân hàng, việc thu giữ TSBĐ hiện phụ thuộc khá nhiều vào thiện chí của bên vay. Tuy nhiên, không ít trường hợp con nợ chây ì không chịu bàn giao tài sản bảo đảm, thậm chí còn tạo ra tranh chấp giả trên tài sản này để cản trở việc thi hành án.
Tài sản bảo đảm chưa chắc “đảm bảo”
Tại hội thảo do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức gần đây, một đại diện của ngân hàng Vietcombank cho biết, vướng mắc phổ biến nhất trong quá trình xử lý TSBĐ thông qua thi hành án với các tổ chức tín dụng (TCTD) là thời gian thi hành án để xử lý tài sản còn chậm trễ, kéo dài do sự bất hợp tác của bên chủ tài sản trong tất cả các bước của quá trình thi hành án.
Tình trạng này diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương như Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Đăk Lăk, Cần Thơ khiến thời gian thi hành án thường kéo dài từ 20 tháng trở lên. Thậm chí, có trường hợp khách hàng là Công ty cổ phần thương mại dược phẩm Nhật Tân (Hà Nội) với thời gian thi hành án kéo dài tới 10 năm nhưng vẫn chưa xong.
Ngoài ra, một số chủ tài sản liên tục tạo tranh chấp giả về quyền sở hữu tài sản đảm bảo qua việc khởi kiện ra tòa để kéo dài thời gian xử lý TSĐB.
Thực trạng này, theo đại diện Vietcombank, khiến quyền lợi hợp pháp của các TCTD không được bảo đảm. Ngoài ra, thời gian thi hành án kéo dài cũng gây tốn kém chi phí, giảm giá trị thu hồi nợ, làm tăng nguy cơ gây ra tổn thất cho TCTD và xã hội.
Trước đó, tại một hội thảo diễn ra cuối năm 2021, ông Vũ Minh Phương – Phó trưởng phòng công nợ thuộc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) – cho biết, ngân hàng mới chỉ áp dụng biện pháp thu giữ TSĐB là khu đất trống hoặc động sản để xử lý nợ xấu theo quy định tại Nghị quyết 42.
Với bất động sản nhà là ở mà chủ tài sản đang sinh sống, ngân hàng chưa thể áp biện pháp này do khách hàng, chủ tài sản bất hợp tác trong việc xử lý tài sản bảo đảm.
Nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng có xu hướng gia tăng sau khi Thông tư 14 về phân loại nợ hết hạn vào ngày 30-6-2022. Ảnh minh họa: Lê Vũ
|
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quang Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) thuộc Bộ Tư pháp, cho rằng việc xử lý TSBĐ của các TCTD thông qua THADS rất phức tạp do các vụ việc phải đưa ra tòa xét xử, thi hành án là những vụ việc mà các bên không thể tự giải quyết. Đáng lưu ý, nhiều vụ việc phát sinh tình huống nguồn gốc tài sản phức tạp, không đầy đủ rõ ràng hoặc có sự tranh chấp giữa các bên.
Cụ thể, sự việc giữa Công ty Tín Phát và BIDV phát sinh trường hợp không xác định được vị trí tài sản khi chấp hành viên kiểm tra hiện trạng tài sản, do thửa đất nằm trong cùng thửa đất với chủ sở hữu trước. Ngân hàng cũng không cung cấp được thông tin, không xác định được vị trí vì không kiểm tra hiện trạng thực tế tài sản tại thời điểm vay. Còn giá trị cho vay cũng cao rất nhiều so với giá trị thực tế của tài sản.
Ngoài ra, TSĐB thi hành án đa số là bất động sản với khả năng thanh khoản kém. Thậm chí, nhiều không đủ điều kiện pháp lý, bị sai lệch dẫn đến khi xử lý phải xác minh, họp bàn, trao đổi mất nhiều thời gian, kéo dài việc tổ chức thi hành án, theo ông Thái.
Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật của một số bộ phận người dân còn hạn chế, lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để kéo dài, chống đối, cản trở việc thi hành án.
Tổng kết, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cho rằng đặc điểm của thị trường tín dụng Việt Nam là cho vay có TSBĐ, trong đó phần lớn là thế chấp nhà đất. Và khó khăn vướng mắc lớn nhất khi phải xử lý phát mại tài sản là nhà đất thế chấp.
Theo đó, việc thu giữ được tài sản thế chấp chỉ có thể thực hiện khi người đang giữ tài sản đồng ý giao do Điều 301 về “Giao tài sản bảo đảm để xử lý” của Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định trường hợp người đang giữ tài sản không giao tài sản thì bên nhận bảo đảm có quyền yêu cầu tòa án giải quyết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.
Ngoài ra, TCTD có thể vi phạm nguyên tắc bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của “tổ chức, cá nhân có liên quan”, gồm cả bên có tài sản thế chấp, theo quy định tại khoản 1, điều 3 về “Nguyên tắc xử lý nợ xấu” của Nghị quyết số 42 nếu tận dụng quyền thu giữ.
Cũng theo ông Đức, một trong năm điều kiện để thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm là “tại hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về việc bên bảo đảm đồng ý cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi xảy ra trường hợp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật” theo quy định tại điểm b, khoản 2, điều 7 về “Quyền thu giữ tài sản bảo đảm” của Nghị quyết số 42.
Nhưng hầu hết các hợp đồng bảo đảm được xử lý theo nghị quyết trên (phải ký trước ngày nghị quyết có hiệu lực vào ngày 15-8-2017) không có thỏa thuận này.
Thông tin về về tiến độ thi hành án liên quan tới 76 TCTD, công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính, ông Đặng Văn Huy, Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 1, Tổng cục THADS thuộc Bộ Tư pháp, cho biết các cơ quan thi hành án dân sự đang tiến hành tổ chức thi hành án với 37.058 việc trong năm 2022, số tiền trên 137.311 tỉ đồng. Con số này lần lượt chiếm tỷ trọng 4,31% về việc và 41,14% về tiền so với tổng số việc và tiền phải thi hành của toàn hệ thống.
Nhưng hiện cơ quan thi hành án mới hoàn thành xong 6.215 việc, đạt 27,66% tính trên tổng số việc có điều kiện thi hành án. Số việc chuyển kỳ sau là 30.843 việc, tương ứng với số tiền là xấp xỉ 114.767 tỉ đồng, gồm cả số việc chưa có điều kiện thi hành án.
Gỡ nút thắt liên quan đến tài sản bảo đảm
Để nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo NHNN với vai trò là đầu mối phối hợp với các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố tăng cường phối hợp giải quyết một số vấn đề, gồm: Hoàn thiện cơ chế tiếp cận thông tin về tình trạng TSBĐ; Áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến nghĩa vụ giao TSBĐ hoặc quyền xử lý TSBĐ tại Tòa án; Thực hiện thứ tự ưu tiên thanh toán nghĩa vụ về thuế với số tiền thu được từ xử lý TSBĐ của khoản nợ xấu sau khi trừ chi phí bảo quản, thu giữ và chi phí xử lý TSBĐ; Nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn thẩm định giá khoản nợ; Việc hoàn trả TSBĐ của khoản nợ xấu là vật chứng trong vụ án hình sự theo đề nghị của bên nhận bảo đảm là TCTD. Đồng thời, phân định rõ trách nhiệm của các đơn vị trong việc triển khai Nghị quyết số 42/2017/QH14.
Còn ông Trương Thanh Đức khuyến nghị sửa Luật Nhà ở và bỏ quy định bắt buộc về thế chấp nhà đất phải có điều kiện phải ghi nhận tài sản trên giấy chứng nhận. Trước mắt, cần công bố Án lệ về việc thừa nhận thế chấp nhà ở cùng với quyền sử dụng đất trong trường hợp nhà ở chưa được ghi nhận trong sổ đỏ.
Khuyến nghị của ông Đức được đưa ra sau khi phát sinh nhiều trường hợp nhận thế chấp nhà đất để cho vay, nhưng nhà ở lại chưa được ghi nhận trên “giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất” (sổ đỏ).
Theo ông Đức, còn rất nhiều nhà ở, nhất là ở khu vực nông thôn, sổ đỏ mới chỉ ghi nhận quyền sử dụng đất, mà chưa ghi nhận quyền sở hữu về nhà ở. Trường hợp này dễ dẫn đến rủi ro, thậm chí là bế tắc về pháp lý nếu xảy ra việc tranh chấp hay thiếu sự hợp tác, thiện chí của bên thế chấp.
Ngoài ra, chuyên gia này cũng cho rằng cần sửa Luật Đầu tư theo hướng cho phép hoạt động dịch vụ đòi nợ, ít nhất là với TCTD.
“Luật Đầu tư năm 2020 cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ sẽ càng làm tăng thêm nguy cơ bội ước, chậm trễ cũng như thái độ chây ỳ, trì hoãn trong việc trả nợ. Việc cấm này là không hợp lý, vì bản thân dịch vụ đòi nợ là cần thiết, có lợi và vô hại. Còn sự nguy hại cần cấm chỉ là những thứ chung quanh, như đòi nợ thuê bất hợp pháp và lợi dụng, phạm pháp trong hoạt động đòi nợ thuê”, ông Đức cho biết.
Còn một đại diện Vietcombank đề xuất Tổng cục THADS và các cơ quan có thẩm quyền xem xét, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi pháp luật liên quan đến công tác thi hành án theo hướng rút ngắn thời gian thực hiện các bước trong quá trình thi hành bản án. Chẳng hạn, cơ quan thi hành án chỉ cần thực hiện một lần việc cưỡng chế khi kê biên để có tài sản “sạch”, từ đó tạo thuận lợi cho việc bán đấu giá tài sản cũng như bàn giao tài sản cho người trúng đấu giá; đồng thời hạn chế sự phụ thuộc vào mức độ hợp tác của bên phải thi hành án trong khi bản án đã có hiệu lực pháp luật.
Báo cáo tổng kết Nghị quyết 42/2017/QH14 của NHNN cho biết quá trình xử lý nợ xấu còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu liên quan đến khâu xử lý TSBĐ. Nguyên nhân của vướng mắc này đến từ nhiều yếu tố như:
Nhiều khách hàng chây ỳ trả nợ, không hợp tác trong việc xử lý TSBĐ, ảnh hưởng đến việc hoàn thiện hồ sơ thủ tục pháp lý khi xử lý TSBĐ;
Quy trình, thủ tục tố tụng và thi hành án kéo dài gây tốn kém về mặt chi phí, giá trị TSBĐ bị giảm sút, đặc biệt là các TSBĐ là dây chuyền máy móc thiết bị, dẫn đến việc xử lý TSBĐ không đủ thanh toán cho các nghĩa vụ nợ phát sinh của khách hàng;
Nhiều tài sản thế chấp vướng mắc về điều kiện giao dịch, việc xác định giá trị tài sản chưa phù hợp với thực tế và thị trường nên việc xử lý bán tài sản khó khăn, TSBĐ của bên thứ 3 khó xử lý;
Thiếu cơ chế ưu đãi, thu hút nhà đầu tư có năng lực mua lại các công trình dự án bất động sản lớn đang triển khai dở dang (như việc tạo cơ chế thông thoáng, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến bán, chuyển nhượng các TSBĐ là các bất động sản, dự án đang đầu tư dở dang).
Vân Phong
TBKTSG
|