Cục Hàng không sửa dự thảo quy hoạch, bổ sung 2 sân bay
Số lượng sân bay dân dụng toàn quốc đến năm 2050 sẽ tăng lên 33 sau khi Cục Hàng không thống nhất bổ sung thêm sân bay Thành Sơn (Ninh Thuận) và Biên Hòa (Đồng Nai).
Cục Hàng không Việt Nam vừa báo cáo Bộ GTVT kết quả cập nhật, hoàn thiện dự thảo Quy hoạch sân bay toàn quốc đến năm 2030, tầm nhìn 2050.
Sau khi cập nhật kết quả nghiên cứu của tư vấn lập quy hoạch là Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI), Cục Hàng không thống nhất bổ sung sân bay Thành Sơn (Ninh Thuận) và Biên Hoà (Đồng Nai) vào quy hoạch sân bay đến năm 2030.
Sân bay Thành Sơn còn được gọi là căn cứ không quân Phan Rang, vốn là sân bay quân sự được quân đội Mỹ xây dựng từ năm 1960, hiện nay là sân bay căn cứ của trung đoàn 937.
Sân bay Thành Sơn hiện là căn cứ không quân, dự kiến phải xây dựng nhà ga hành khách, nâng cấp đường băng để có thể khai thác dân dụng. Ảnh: Google Maps.
|
Qua khảo sát, TEDI nhận định sân bay này đáp ứng các điều kiện về khả năng tổ chức vùng trời, tiềm năng phát triển du lịch... Đặc biệt, với vị trí cách quần đảo Trường Sa 600 km, sân bay còn có vai trò chiến lược trong bảo vệ vùng trời, biển đảo Tổ quốc.
Để có thể phục vụ bay thương mại, TEDI đánh giá sân bay phải được nâng cấp đường băng, đài không lưu, xây mới toàn bộ nhà ga hành khách. Dự kiến, công suất sân bay Thành Sơn đến năm 2030 là 1,5 triệu khách và tới 2050 là 3 triệu khách.
Nếu việc quy hoạch sân bay ở Ninh Thuận mang mục đích an ninh - quốc phòng và phát triển kinh tế cho tỉnh nghèo thì trường hợp của sân bay Biên Hòa có phần đặc biệt hơn. Tư vấn vẫn đề xuất đưa sân bay này vào quy hoạch dù tỉnh Đồng Nai nằm không xa sân bay Tân Sơn Nhất và sắp tới còn có thêm sân bay Long Thành.
Sân bay Biên Hòa hiện không thể mở rộng quỹ đất do quá trình đô thị hóa của TP Biên Hòa. Ảnh: Google Maps.
|
TEDI cho biết việc khai thác dân dụng sân bay Biên Hòa sẽ phải tính toán, phân bổ lại sản lượng vận tải của 2 sân bay lân cận là Long Thành và Tân Sơn Nhất. Dự kiến, sân bay Biên Hòa sẽ phục vụ hành khách của Đồng Nai, Bình Phước, Bình Dương và một phần TP.HCM với sản lượng 10 triệu khách/năm.
Một điểm đáng chú ý của sân bay Biên Hòa là vấn đề nhiễm độc dioxin tại một số khu đất trong sân bay. Dự án xử lý dioxin đã được khởi công từ năm 2019, dự kiến hoàn thành vào 2025. TEDI lưu ý việc đầu tư công trình dân dụng phải đảm bảo nằm trong khu đất sạch.
Cũng tương tự như sân bay Thành Sơn, các hạng mục hạ tầng tại sân bay Biên Hòa hiện đã xuống cấp, cần cải tạo, bổ sung thêm công trình phục vụ hàng không dân dụng. Ngoài ra, sân bay này cũng không thể mở rộng thêm quỹ đất do nằm giữa thành phố Biên Hòa, chi phí giải phóng mặt bằng rất lớn.
Trước thực tế còn nhiều địa phương kiến nghị bổ sung thêm sân bay của tỉnh mình vào quy hoạch, Cục Hàng không chưa xác nhận, tuy nhiên đồng ý bổ sung vào dự thảo quy hoạch nội dung nghiên cứu 9 sân bay khác tại các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Khánh Hoà, Kon Tum, Đắk Nông và Tây Ninh.
Đồng thời, Cục chấp thuận điều chỉnh cấp sân bay Phù Cát (Bình Định) từ 4C lên 4E theo tiêu chuẩn ICAO.
Trước đó, Bộ GTVT và Cục Hàng không đã hoàn thành biên soạn và trình lên Thủ tướng dự thảo quy hoạch sân bay toàn quốc giai đoạn 2030, tầm nhìn 2050. Theo đó, danh sách sân bay trong nước đến năm 2030 là 28 sân bay và đến năm 2050 là 31 sân bay.
Cả nước hiện nay có 22 sân bay được khai thác dân dụng. 6 sân bay dự kiến xây mới từ nay đến 2030 gồm: Long Thành, Phan Thiết, Quảng Trị, Sa Pa, Lai Châu, Nà Sản. Đến năm 2050, thêm 3 sân bay được xây mới gồm: Cao Bằng, Hải Phòng và sân bay thứ 2 vùng thủ đô (dự kiến đặt ở đông nam Hà Nội).
Với việc bổ sung thêm sân bay Thành Sơn và Biên Hòa, số lượng sân bay dân dụng toàn quốc theo quy hoạch đến năm 2050 sẽ được nâng từ 31 lên 33 sân bay.
|
Ngọc Tân
ZING
|