Cẩn trọng với chiêu bán nhà đất "ngộp"
Trên thị trường có nhiều thông tin doanh nghiệp rao bán dự án bất động sản giảm giá để thu hồi vốn, trả lãi vay, song trong đó không ít chiêu trò thu thập thông tin khách hàng, câu khách đến dự án khác.
"Tôi cần tiền gấp, bán lỗ khu homestay có view cực đẹp, sẵn nhà, hồ cá, cảnh quan, điện nước đầy đủ, tổng diện tích 1 ha. Giá chỉ từ 5 tỉ đồng, nay giảm còn hơn 3 tỉ đồng. Anh, chị nào cần mua thật thì liên hệ...".
"Đất nền thổ cư sổ đỏ, ở khu ven TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng đang cần bán gấp với giá 1,5 tỉ đồng; trước đây phải 1,8 tỉ đồng"...
Nhiều nhà đầu tư, chủ nhà đất rao bán sản phẩm giá rẻ song người mua cần cẩn trọng. Ảnh: TẤN THẠNH
|
Những mẩu quảng cáo, rao bán nhà đất như trên xuất hiện khá nhiều trên các trang mua bán bất động sản. Hầu hết người bán cho biết lý do giảm giá vì đây là những dự án "ngộp", người bán cần tiền gấp để trả nợ trong bối cảnh thanh khoản ảm đạm, lãi suất tăng cao. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều thông tin rao bán bất động sản "ngộp" chỉ là chiêu trò tiếp cận khách hàng để dụ đến những dự án khác.
Liên hệ theo số điện thoại ở một mẩu tin rao bán đất nền thổ cư giá chỉ 2,8 tỉ đồng ở quận Thủ Đức (TP HCM), anh T., người đang có nhu cầu mua nhà ở TP HCM, được người bán hẹn đến gặp ở một địa điểm tại TP Thủ Đức. Nhưng sau đó, người này 2-3 lần chuyển địa điểm sang nơi khác. Cuối cùng, hai bên gặp mặt ở quận Bình Tân (TP HCM), cách khu vực rao bán nhà khá xa. "Đến điểm hẹn, tôi nhìn thấy khá nhiều người mặc đồng phục áo trắng. Họ tư vấn tôi mua đất ở một vị trí khác với giá tốt hơn và khả năng sinh lời hấp dẫn hơn. Họ cũng đề nghị tôi cùng nhiều khách mua nhà khác lên xe để đưa đi xem đất ở dự án của họ" - anh T. kể.
Chị N.T.T (ngụ tỉnh Bình Dương) đang có nhu cầu mua bất động sản ở TP HCM để đầu tư. Theo lời giới thiệu, chị liên hệ qua Zalo với chủ nhà trong hẻm ở quận 3 (TP HCM) với giá 5,1 tỉ đồng. Khi đặt vấn đề đến xem nhà, chị được người môi giới cho biết chủ nhà đã đi tỉnh, nếu muốn mua thì đặt cọc... 500 triệu đồng. Khi chủ nhà về sẽ làm thủ tục công chứng, sang tên... "Tôi đề nghị được xem nhà trước khi đặt cọc, họ không đồng ý và sau đó cắt liên lạc" - chị T. phản ánh.
Ông Tạ Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Công ty Quỹ Đất Lớn, cho hay đa phần bất động sản giảm giá không thuộc khu vực TP HCM mà nằm ở các địa phương lân cận. Mức giảm giá thật chỉ khoảng 20%-25%, bao gồm cả khuyến mãi, tăng diện tích, cơ sở hạ tầng... Chẳng hạn, tại dự án của công ty này ở TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, mỗi nền thổ cư có sổ trước đây có giá khoảng 1,8 tỉ đồng thì nay ngoài giảm giá, khách còn được hưởng thụ hạ tầng, cảnh quan được đầu tư thêm.
Theo chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang, doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh cần có dòng tiền để đầu tư hoặc trả lãi vay thường rao bán tài sản giá trị cao, khoảng vài chục đến hàng trăm tỉ đồng. Những sản phẩm này không thể bán cho khách hàng cá nhân mà hướng tới tổ chức, đơn vị có đủ tiềm lực tài chính.
Còn những sản phẩm được giới thiệu là bất động sản "ngộp", cần bán rẻ hoặc thanh lý... sẽ hướng đến nhà đầu tư cá nhân. "Nhà đất "ngộp" thật hiện nằm khá nhiều ở các tỉnh. Người mua nên so sánh giá hiện nay với thời điểm một năm trước để đánh giá trước khi quyết định mua" - ông Quang khuyến cáo.
Ông Đỗ Hoàng Dương, Tổng Giám đốc Công ty Bất động sản Lê Gia Phát, cho rằng bên cạnh những thông tin rao bán bất động sản giảm giá thật, có không ít người lợi dụng chiêu trò này để gom thông tin, dữ liệu của người có nhu cầu đầu tư bất động sản, từ đó tìm cách dẫn dắt họ tham gia vào các dự án ở tỉnh. "Chỉ cần "lùa" được 30-40 người trong số 100 người hẹn gặp là đã thành công. Không ít khách hàng bị lừa chỉ vì nhìn vào cái lợi trước mắt, vừa mất tiền vừa vướng vào kiện tụng rất tốn thời gian" - ông Dương cảnh báo.
Ảnh hưởng từ thị trường trái phiếu
Ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch CLB Bất động sản Việt Nam, cho rằng những khó khăn trên thị trường bất động sản dẫn đến hiện tượng bán rẻ để giải phóng hàng tồn xảy ra có một phần nguyên nhân từ vấn đề tồn tại trên thị trường trái phiếu. Tuy nhiên, người mua nhà đất cần chú ý vấn đề pháp lý để tránh "tiền mất tật mang" khi tiếp cận những sản phẩm bất động sản không phải hàng "ngộp" thật.
|
SƠN NHUNG
Người lao động
|