Các quan chức EU áp giá trần 60 USD/thùng với dầu Nga
Trong ngày 02/12, Liên minh châu Âu (EU) nhất trí áp giá trần 60 USD/thùng với dầu Nga sau vài ngày đàm phán căng thẳng.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi nhóm các quốc gia phát triển G7 đồng ý áp giá trần với dầu thô nhập từ Nga và từ đó hạn chế nguồn thu cho quốc gia này. Tuy nhiên, các thông tin chi tiết về cách vận hành của lệnh áp giá trần này trong thực tế vẫn đang được thảo luận.
Nga – vốn đang trong cuộc chiến với Ukraine – cảnh báo rằng việc áp giá trần có thể gây rối loạn thị trường năng lượng và đẩy giá nhiên liệu này lên cao hơn.
Mức giá trần sẽ được rà soát thường xuyên để theo dõi tác động của nó tới thị trường, nhưng nên thấp hơn “ít nhất 5% so với giá trung bình trên thị trường”, trích từ một tài liệu từ EU.
Trước đó, Nga cảnh báo không cung cấp dầu và khí đốt cho các nước áp giá trần với mặt hàng này. Tổng thống Nga Vladimir Putin nhận định đây là "hành động trái với các nguyên tắc quan hệ thị trường và rất có khả năng dẫn đến hậu quả nghiêm trọng với thị trường năng lượng toàn cầu".
Dầu thô Ural, mặt hàng xuất khẩu chính của Nga, có giá bán không cố định và được giao dịch ở mức khoảng 65 USD/thùng trước khi các đại sứ EU gặp nhau để thảo luận về giá trần.
Ba Lan ban đầu đưa ra mức giá trần 30 USD/ thùng, song đại sứ Sados cho biết giá thị trường dự kiến tăng và 60 USD/thùng là điểm khởi đầu hợp lý.
Giá trần sẽ là cơ sở cho lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 5/12, cấm các công ty vận chuyển hoặc cung cấp bảo hiểm cho các lô hàng dầu Nga được bán trên mức giá cố định. Dầu mỏ Nga vận chuyển qua đường biển chiếm 2/3 lượng nhập khẩu mặt hàng này của EU, số còn lại được chuyển qua đường ống.
Các chuyên viên phân tích năng lượng đã cảnh báo rằng nhóm G7 sẽ cần sự ủng hộ từ những người mua khác nếu lệnh áp giá trần có hiệu lực. Chẳng hạn, Trung Quốc và Ấn Độ đã tăng mua dầu của Nga sau cuộc xâm lược Ukraine để hưởng lợi từ mức chiết khấu do Moscow đưa ra.
Kadri Simson, ủy viên châu Âu phụ trách về năng lượng, nói với CNBC vào tháng 9/2022 rằng Trung Quốc và Ấn Độ nên ủng hộ biện pháp này. “Thật không công bằng khi trả doanh thu vượt mức cho Nga,” Simson nói vào thời điểm đó.
Nhưng dường như chẳng có dấu hiệu nào cho thấy các quốc gia này sẽ tuân thủ theo mức giá trần. Bộ trưởng Xăng dầu Ấn Độ, Shri Hardeep S Puri, nói với CNBC vào tháng 9 rằng ông có “nghĩa vụ đạo đức” đối với người tiêu dùng nước mình. “Chúng tôi sẽ mua dầu từ Nga, chúng tôi sẽ mua từ bất cứ đâu,” ông nói thêm.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FILI
|