Ba dự án từng nằm danh sách thua lỗ kéo dài của Vinachem báo lãi lớn
Ba đơn vị bị từng nằm trong danh sách thua lỗ kéo dài của ngành công thương thuộc Tập đoàn Hóa chất gồm Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc và DAP số 2 ghi nhận lãi lớn trong 2022.
Lãi lớn nhờ phân bón giá cao
Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam (Vinachem) vừa công bố số liệu sản xuất kinh doanh năm 2022 với doanh thu và lợi nhuận tăng ấn tượng trong bối cảnh giá phân bón neo cao. Lợi nhuận hợp nhất ước đạt 6.015 tỷ đồng, tăng 3.883 tỷ đồng so với năm 2021.
Trong đó, đáng chú ý là các đơn vị bị "giám sát đặc biệt" của Vinachem (các dự án thua lỗ kéo dài của ngành công thương - thuộc Đề án 1468), gồm Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc và DAP số 2-Vinachem (DAP2), ước lãi ấn tượng, lên đến 2.645 tỷ đồng, so với tình trạng lãi thấp hoặc lỗ lớn trong năm 2021 và các năm trước đó.
CTCP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (HDB) có lợi nhuận trước thuế năm 2022 ước đạt 1.701 tỷ đồng, tăng gấp hơn 193 lần so với kế hoạch đặt ra cho năm 2022 và tăng 270 lần so với mức thực hiện trong năm 2021.
Trước đó, Đạm Hà Bắc thua lỗ nặng trong tất cả 5 năm 2016-2020, tổng cộng lên tới khoảng 4.000 tỷ đồng.
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam vượt chỉ tiêu kế hoạch năm 2022. (Ảnh: Vinachem)
|
Còn Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình ước đạt lợi nhuận trước thuế năm 2022 là 928 tỷ đồng, cao gấp gần 13 lần so với kế hoạch năm 2022 và tích cực hơn rất nhiều so với lợi nhuận âm 57,4 tỷ đồng trong năm ngoái
CTCP DAP số 2- Vinachem cũng ghi ước lợi nhuận trước thuế 2022 ở mức 15 tỷ đồng, so với kế hoạch lỗ (-315 tỷ đồng) trong năm 2022 và mức lỗ -126 tỷ đồng trong năm 2021.
Sở dĩ Vinachem và nhiều công ty con, công ty liên kết ghi nhận lợi nhuận tăng mạnh trong năm 2022 nhờ tình hình dịch bệnh Covid trong nước đã cơ bản được kiểm soát, kinh tế Việt Nam và kinh tế thế giới bắt đầu bước vào giai đoạn phục hồi, nhu cầu tiêu dùng đã tăng cao trở lại.
Bên cạnh đó, xuất khẩu nông lâm sản gia tăng. Đặc biệt, giá một số sản phẩm phân bón là chủ lực của tập đoàn (urê, DAP, NPK…) vẫn giữ được ổn định ở mức cao.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, xung đột Nga - Ukraine kéo dài, áp lực lạm phát cao, thị trường xuất khẩu thu hẹp, giá nguyên vật liệu đầu vào bất ổn, chi phí vận tải vẫn ở mức cao.
Trung Quốc thực hiện chính sách “Zero Covid” trong thời gian dài làm gián đoạn chuỗi cung ứng do chính sách phong tỏa từng phần ảnh hưởng đến nguồn nhập nguyên liệu, làm chậm trễ thời gian giao hàng từ đó ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất trong nước.
Vẫn mắc hợp đồng EPC
Trong năm 2022, Vinachem đã hoàn thiện Đề án tái cơ cấu đối với Dự án Đạm Ninh Bình, Dự án cải tạo mở rộng nhà máy Đạm Hà Bắc, Dự án DAP số 2-Lào Cai trình Ủy ban Quản lý Vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và đến ngày 14/ 11/2022, Ban cán sự Đảng ủy Ủy ban Quản lý Vốn đã trình Bộ Chính trị xem xét.
Theo Vinachem, hiện Đạm Hà Bắc còn vướng mắc tranh chấp đối với hợp đồng EPC và đang tiếp tục tích cực thực hiện đàm phán với nhà thầu.
Trước đó, Đạm Hà Bắc đã mở rộng sản xuất từ 2015 và vận hành nhà máy ổn định. Tuy nhiên, chi phí tài chính rất lớn, với các khoản vay ngân hàng có lãi suất cao và phải chịu lãi phạt, nợ chồng nợ.
Với Đạm Ninh Bình, sau khi kết thúc đàm phán kỹ thuật hồi năm 2020, Vinachem đã có nhiều văn bản gửi Nhà thầu HQC của Trung Quốc đề nghị tiếp tục tổ chức cuộc họp cấp tổng giám đốc giữa 2 bên. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên 2 bên vẫn chưa tiến hành cuộc họp đàm phán này. Tập đoàn và Nhà thầu HQC tiếp tục trao đổi bằng văn bản cho các nội dung tồn tại nhưng không nội dung tồn tại nào được thống nhất và hai bên đều bảo lưu quan điểm của mình.
Trong năm 2023, Vinachem sẽ tập trung để phối hợp với các tổ chức tín dụng triển khai thực hiện cơ cấu nợ vay đầu tư của các đơn vị sau khi được Bộ Chính trị thông qua nhằm giải quyết, tháo gỡ khó khăn, đưa doanh nghiệp sớm ra khỏi tình trạng giám sát đặc biệt, để các đơn vị này từng bước sản xuất kinh doanh có hiệu quả, không bị lỗ và đảm bảo khả năng trả nợ.
Ngọc Cương
Vietnamnet
|