Thứ Bảy, 31/12/2022 09:00

10 sự kiện chứng khoán nổi bật nhất năm 2022

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã trải qua một năm đầy biến động. Tưởng như sẽ nối dài đà thăng hoa của năm 2021, nhưng cuối cùng, những thông tin và sự kiện bất lợi đã khiến mọi thành quả có được đổ bể.

Cuối năm 2021, VN-Index đánh dấu cột mốc lịch sử khi lần đầu vượt qua mốc 1,500 điểm, tại phiên ngày 25/11/2021. Sang năm 2022, VN-Index tiếp tục có một khởi đầu đẹp khi nối dài đà thăng hoa để lên 1,536.45 điểm ngay trong những phiên đầu tiên - cũng là mức đỉnh lớn nhất lịch sử.

Nhưng hóa ra, sự khởi đầu này chỉ là khoảng trời bình yên trước khi giông bão ập tới. Hàng loạt thông tin bất lợi gây ảnh hưởng đến tâm lý thị trường, dẫn đến hệ quả là những pha bán tháo, cổ phiếu sập sàn khiến VN-Index rớt gần 33% - mức giảm chỉ thua năm 2001 và 2007.

Hãy cùng điểm qua một số sự kiện nổi bật trong năm qua, trong đó có những sự kiện đã khiến TTCK chao đảo.

Ngày 29/03, thị trường hứng chịu một cơn địa chấn trước thông tin ông Trịnh Văn Quyết - cựu Chủ tịch CTCP Tập đoàn FLC (HOSE: FLC) bị tạm giam và khởi tố hình sự về hành vi thao túng TTCK.

Ông Quyết bị xác định đã thao túng giá chứng khoán và bán chui 74.8 triệu cp FLC. Đây là các hành vi được xếp vào diện “thao túng thị trường”, “che giấu thông tin hoạt động chứng khoán”, gây thiệt hại cho nhiều nhà đầu tư.

Vụ bắt giữ ông Trịnh Văn Quyết là hành động tiêu biểu từ cơ quan chức năng để làm trong sạch thị trường chứng khoán

Chỉ 1 ngày sau khi ông Quyết bị bắt, các mã cổ phiếu thuộc “họ FLC” lập tức giảm sàn. Phiên ngày 30/03, giá cổ phiếu FLC còn 11,800 đồng/cp, ROS còn 7,590 đồng/cp, HAI còn 5,470 đồng/cp, KLF còn 5,400 đồng/cp, ART còn 8,800 đồng/cp, AMD còn 5,760 đồng/cp. Lượng dư bán sàn tới hơn 220 triệu cổ phiếu, chỉ khớp lệnh được mỗi mã vài triệu đơn vị.

Tuy nhiên, những tội danh của ông Quyết đã không dừng lại ở đó. Tối 27/08, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) đã ra quyết định khởi tố bổ sung đối với ông Quyết để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, liên quan đến hành vi tăng vốn khống tại CTCP Xây dựng FLC Faros (ROS) - từ 1.5 tỷ đồng lên tới 4.3 ngàn tỷ đồng.

Sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt, một vụ án chấn động khác nổ ra. Ngày 05/04/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh và các tổ chức, đơn vị có liên quan; đồng thời ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam với ông Đỗ Anh Dũng (Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh) và 6 bị can (trong đó có con trai ông Dũng) là đồng phạm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Ông Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch Tân Hoàng Minh

Kết quả điều tra xác định: Trong thời gian từ tháng 7/2021 - 3/2022, ông Đỗ Anh Dũng và các cá nhân tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã có hành vi gian dối, sử dụng 03 công ty thành viên gồm Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt, CTCP Đầu tư và Dịch vụ Khách sạn Soleil, CTCP Cung điện Mùa Đông và các công ty liên quan phát hành 09 đợt trái phiếu trái quy định pháp luật (đã bị UBCKNN hủy bỏ từ ngày 03/04). Tổng trị giá 9 lô trái phiếu là 10,300 tỷ đồng, huy động tiền của nhà đầu tư nhưng lại không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu.

Do các sai phạm, Tân Hoàng Minh bị buộc phải trả lại tiền trái phiếu cho nhà đầu tư, thậm chí phải ngưng kinh doanh toàn bộ các chi nhánh trên toàn quốc kể từ ngày 01/07 nhằm tập trung nguồn lực tài chính để sớm hoàn tất nghĩa vụ, nhưng câu chuyện đến nay vẫn chưa có kết quả. Nhiều công ty chứng khoán cũng đã bị xử phạt vì liên quan đến những lô trái phiếu của ông lớn này.

Là một trong những doanh nghiệp bất động sản hàng đầu thị trường, vụ việc xảy ra với Tân Hoàng Minh đã kéo theo nhiều hệ lụy liên quan đến thị trường trái phiếu.

Ngày 20/04, thị trường tiếp tục đón nhận hung tin liên quan đến hành vi thao túng TTCK. Theo quyết định của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, ông Đỗ Thành Nhân - Chủ tịch CTCP Louis Holdings, thành viên HĐQT CTCP Louis Capital (HOSE: TGG) bị khởi tố vì tội danh “Thao túng thị trường chứng khoán” xảy ra tại CTCP Chứng khoán Trí Việt (HOSE: TVB), CTCP Louis Holdings, CTCP Louis Capital, CTCP Louis Land.

Cùng với ông Nhân, có 3 bị can khác bị bắt giữ, bao gồm cả ông Đỗ Đức Nam - Tổng Giám đốc TVB.

Đến ngày 12/12, thêm một bị can khác liên quan đến vụ án lộ diện, là ông Phạm Thanh Tùng - khi đó là Chủ tịch HĐQT TVB. Ông Tùng bị khởi tố với tội danh “Thao túng thị trường chứng khoán”.

Ngày 16/12, vụ án thao túng chứng khoán này tiếp tục xuất hiện 2 cái tên mới là Thành viên HĐQT Angimex (HOSE: AGM) Vũ Ngọc Long và thành viên HĐQT TGG Ngô Thục Vũ. Tổng cộng, có 8 bị can bị cơ quan chức năng khởi tố vì vụ việc này.

Giữa năm 2022, ITA (CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo) trở thành cái tên tốn nhiều giấy mực của báo chí trước thông tin doanh nghiệp bị buộc phải phá sản.

Được biết, ITA bị Tòa án nhân dân TPHCM ra quyết định mở thủ tục phá sản từ năm 2018. Nhưng đến nay, tức 4 năm sau quyết định trên, ITA vẫn không công khai thông tin phá sản. Đồng thời, ITA cũng không hợp tác với các bên liên quan để thanh lý tài sản được Tòa án chỉ định, dẫn đến việc giải quyết phá sản bị trì trệ.

Chủ tịch ITA - bà Đặng Thị Hoàng Yến (hay Maya Dangelas) đã đệ đơn kêu cứu trước thông tin này.

Bà Yến cho rằng, việc buộc phá sản ITA lộ rõ sự “vô lý đến kinh ngạc”, khi ITA có tổng giá trị tài sản hơn 13 ngàn tỷ đồng mà chỉ vì khoản lùm xùm chiếm chưa tới 0.2% đã bị buộc phải công bố phá sản.

Ngày 03/10, Chủ tịch Công ty là bà Đặng Thị Hoàng Yến đã khởi kiện Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xây dựng Quốc Linh - đơn vị yêu cầu ITA mở thủ tục phá sản, ra Tòa án Liên bang Mỹ.

Song song vụ việc này, nhiều thông tin bất lợi dồn dập đến với ITA như việc bị thanh tra thuế, BCTC nhận ý kiến ngoại trừ từ đơn vị kiểm toán.

Cổ phiếu ITA cũng liên tục giảm sàn mỗi khi có tin tức như vậy. Hiện tại, mã ITA đang nằm trong diện bị cảnh báo trên HOSE.

Thời điểm cuối tháng 09, đầu tháng 10/2022, thị trường thêm một phen rúng động khi bà Trương Mỹ Lan - Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTPGroup) bị khởi tố, bắt tạm giam cùng với 3 bị can khác là bà Trương Huệ Vân (cháu gái bà Lan) - Tổng Giám đốc VTPGroup; bà Nguyễn Phương Hồng (sinh năm 1984), Trợ lý VTPGroup; ông Hồ Bửu Phương - nguyên Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán Tân Việt (TVSI), nguyên Phó Tổng Giám đốc phụ trách tài chính VTPGroup.

Bà Lan cùng các bị can bị khởi tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại CTCP Tập đoàn đầu tư An Đông, liên quan đến hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu sai quy định để chiếm đoạt hàng ngàn tỷ đồng của nhà đầu tư trong giai đoạn 2018 - 2019. Một số ngân hàng và công ty chứng khoán được xác định có liên quan mật thiết đến vụ việc, trong đó cá biệt là TVSI và ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) - ngân hàng lớn thứ 5 thị trường về quy mô tổng tài sản.

Câu chuyện tại VTPGroup được đánh giá là một trong các vụ án “đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, chưa từng có” - theo lời Phó trưởng ban Nội Chính T.Ư Nguyễn Thái Học. Vụ án đã tác động rất lớn đến niềm tin của nhà đầu tư lẫn thị trường, khiến trái phiếu doanh nghiệp đóng băng, tạo ra làn sóng bán tháo ồ ạt và làm VN-Index chạm xuống đáy thấp nhất năm vào ngày 16/11/2022 - ở mức 873.78 điểm.

Theo VBMA, thống kê phát hành trái phiếu doanh nghiệp tính đến hết tháng 11/2022, có tổng cộng 2 đợt phát hành ra quốc tế trị giá 625 triệu USD, 23 đợt phát hành ra công chúng với giá trị gần 10.6 ngàn tỷ đồng (chiếm 4% tổng giá trị phát hành) và 420 đợt phát hành riêng lẻ trị giá xấp xỉ gần 243 ngàn tỷ đồng (chiếm 96% tổng giá trị phát hành). Trong đó, tính đến thời điểm cuối tháng 11/2022, nhóm doanh nghiệp bất động sản đứng ở vị trí thứ hai về tổng lượng phát hành trái phiếu với gần 52 ngàn tỷ đồng, chiếm khoảng 20.4% tổng giá trị phát hành.

Trong khi đó, áp lực đáo hạn trái phiếu thì đang chực chờ, giống như một quả bom chỉ đợi ngày kích hoạt. Thống kê từ VBMA chỉ ra rằng, đến năm 2023, sẽ có khoảng 309 ngàn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn.

Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV, nhận định: với quy mô phát hành lớn trong giai đoạn 2018 - 2021 và thời hạn khoảng 4 năm thì sẽ có một khối lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp sẽ đáo hạn trong giai đoạn 2023 - 2025 (hơn 700 ngàn tỷ đồng, chưa tính tiền lãi).

Rủi ro vỡ nợ trái phiếu đã tác động tiêu cực tới thị trường cổ phiếu. Xu hướng giảm của VN-Index tiếp tục leo thang kể từ đầu tháng 09/2022, đặc biệt là sau thời điểm vụ án Vạn Thịnh Phát xảy ra. Xét về hiệu suất, VN-Index là chỉ số có hiệu suất đầu tư kém tích cực nhất năm 2022, với mức giảm 33% kể từ đầu năm và có diễn biến giá xếp sau tất cả các thị trường chứng khoán Đông Nam Á khác, bao gồm Indonesia, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Philippines.

Trong hai tháng cuối năm 2022, thị trường lại tiếp tục biến động trước chuỗi bán giải chấp hàng loạt cổ phiếu, tập trung nhiều nhất vào các cổ phiếu bất động sản.

Thị giá cổ phiếu bất động sản giảm mạnh do hệ lụy của áp lực đáo hạn trái phiếu tăng lên và những thông tin bắt bớ một số lãnh đạo tập đoàn lớn như Vạn Thịnh Phát, Tân Hoàng Minh đã ảnh hưởng lớn đến tâm lý nhà đầu tư.

Điều này, sau đó, đã gây ra tình trạng tài khoản lãnh đạo doanh nghiệp như PDR, NVL, HPX… bị các CTCK bán giải chấp để thu hồi vốn vay, qua đó gây ra hiện tượng giảm sàn diện rộng và kéo VN-Index về mức thấp nhất là 873 điểm. Như HPX, Chủ tịch Đỗ Quý Hải từ cuối tháng 11 đến hết phiên 23/12 đã bị bán giải chấp gần 58 triệu cp, tương đương 19% tỷ lệ cổ phiếu đang lưu hành. Tương tự là DIG, khi cha con Chủ tịch Nguyễn Thiện Tuấn cùng lãnh đạo công ty liên tục bị bán giải chấp từ ngày 27/10, với số lượng khoảng hơn 53 triệu cp

Ngày 16/09, Chính phủ ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 153/2020/NĐ-CP về chào bán trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ. Theo đó, mệnh giá trái phiếu được nâng lên thành tối thiểu 100 triệu đồng/trái phiếu, chỉ dành cho nhà đầu tư chuyên nghiệp mua tối thiểu 2 tỷ đồng, cùng nhiều thông tin sửa đổi khác được đánh giá là “sẽ giải quyết được những vướng mắc, bất cập về trái phiếu hiện nay” - theo lời tiến sĩ Đinh Thế Hiển (Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng).

Tuy nhiên, Nghị định 65, sau khi có hiệu lực đã gây ra những khó khăn nhất định trong việc huy động vốn cho các doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh niềm tin vào thị trường đang bị lung lay dữ dội. Trước tình hình đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ Dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế. Theo đó, nhiều quy định liên quan đến nâng chuẩn nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, xếp hạng tín nhiệm với trái phiếu... sẽ lùi thời điểm thực hiện sang năm 2024 thay vì áp dụng ngay.

Năm 2022 đánh dấu nhiều thay đổi về chính sách và quy định giao dịch trên TTCK.

Từ ngày 17/05, HOSE đã công bố dữ liệu tự doanh và với HNX là từ ngày 20/05.

Tiếp đến, vào tháng 08/2022, VSD chính thức áp dụng quy chế mới về giao dịch T+, trong đó thời gian hoàn tất thanh toán chứng khoán được điều chỉnh từ 15h30-16h00 lên 11h00-11h30 ngày T+2 (trường hợp có phát sinh thành viên lưu ký mất khả năng thanh toán tiền thì thời gian hoàn tất thanh toán chậm nhất là 12h00).

Quy chế mới giúp nhà đầu tư có thể bán chứng khoán mua ngày T+0 ngay trong phiên giao dịch chiều ngày T+2 thay vì chờ đến ngày T+3 như trước đây.

Sau đó, vào ngày 12/09/2022, HOSE chính thức triển khai giao dịch chứng khoán lô lẻ (1 - 99 cổ phiếu). HOSE đánh giá việc áp dụng giao dịch chứng khoán lô lẻ sẽ tạo điều kiện cho nhà đầu tư chủ động trong việc đặt lệnh mua - bán, như dễ dàng bán những chứng khoán lô lẻ còn lại trong tài khoản hoặc mua thêm chứng khoán lô lẻ cho tròn một lô giao dịch (lô chẵn), giảm bớt sự phụ thuộc vào các công ty chứng khoán.

Trong phiên giao dịch lô lẻ đầu tiên, tổng lệnh đặt giao dịch lô lẻ là 190,671 lệnh, chiếm khoảng 22% tổng lệnh đặt toàn thị trường. Tỷ lệ khớp lệnh của giao dịch lô lẻ là 37.44% với khối lượng hơn 1.3 triệu chứng khoán.

Vào sáng ngày thứ Sáu (24/06/2022), MSCI đã công bố kết quả phân loại thị trường định kỳ dành cho 84 TTCK trên thế giới, trong đó Việt Nam vẫn chưa lọt vào danh sách xem xét để được nâng hạng từ thị trường cận biên (frontier market) sang thị trường mới nổi (emerging market).

Đánh giá của MSCI về thị trường Việt Nam đang thay đổi theo hướng tiêu cực hơn. Trong đánh giá năm nay, MSCI nhấn mạnh tới vấn đề room ngoại trên thị trường Việt Nam, cho rằng “các vấn đề về room nước ngoài đang tác động tới hơn 10% cổ phiếu trên TTCK Việt Nam”. Đáng chú ý hơn, 9 tiêu chí định lượng về thị trường của Việt Nam bị gắn nhãn “-“, tức chưa đáp ứng được yêu cầu của MSCI.

Trong khi đó, trong đợt đánh giá tháng 9/2022, Việt Nam vẫn chưa được FTSE nâng hạng lên thị trường mới nổi hạng 2 (Secondary Emerging market) dù đã được thêm vào danh sách theo dõi từ năm 2018. Theo FTSE, để được nâng hạng, Việt Nam cần phải cải thiện quá trình đăng ký tài khoản mới, đồng thời phải đưa ra một cơ chế hiệu quả để tạo điều kiện cho hoạt động giao dịch giữa các nhà đầu tư nước ngoài ở các cổ phiếu đã cạn room hoặc sắp cạn room nước ngoài.

Hồng Đức

Thiết kế: Tuấn Trần

FILI

Các tin tức khác

>   LMC: Thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp: bổ sung ngành, nghề kinh doanh (30/12/2022)

>   ANV: Thông báo về việc giải trình, thay đổi hồ sơ tài liệu báo cáo phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động năm 2022 (30/12/2022)

>   Phân tích kỹ thuật phiên chiều 30/12: Xu hướng bi quan vẫn chưa hoàn toàn kết thúc (30/12/2022)

>   SGT: Quyết định của HĐQT về việc vay vốn CTCP Khu công nghiệp Sài Gòn - Nhơn Hội (30/12/2022)

>   BVS: BVSC CBTT Quyết định sửa đổi lập Phòng Giao dịch Thành Công (30/12/2022)

>   HNX: Bản công bố thông tin của CTCP Tập đoàn Green+ (GPC) (30/12/2022)

>   Nhịp đập Thị trường 30/12: Gục ngã trong phiên ATC (30/12/2022)

>   Cổ phiếu VMT sẽ chào sàn UPCoM ngày 06/01/2023 (30/12/2022)

>   FUEIP100: Thông báo về danh mục chứng khoán cơ cấu hoán đổi ngày 30/12/2022 (30/12/2022)

>   FUESSVFL: Thông báo về danh mục chứng khoán cơ cấu hoán đổi ngày 30/12/2022 (30/12/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật