Chủ Nhật, 06/11/2022 17:00

Vì sao doanh nghiệp không ngần ngại khai khống vốn điều lệ?

Có không ít doanh nghiệp không ngần ngại “thổi phồng” số vốn điều lệ lên vì mục đích mở rộng quan hệ kinh doanh, tìm kiếm lợi nhuận dù biết hành vi vi phạm luật này có thể khiến họ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo Luật Doanh nghiệp 2020, vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp căn cứ vào hình thức góp vốn và loại hình doanh nghiệp. Thực trạng hiện nay có không ít doanh nghiệp không ngần ngại “thổi phồng” số vốn điều lệ lên vì mục đích mở rộng quan hệ kinh doanh, tìm kiếm lợi nhuận.

Việc khai khống vốn điều lệ dĩ nhiên là hành vi vi phạm điều cấm của Luật Doanh nghiệp, theo đó, việc này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đầu tư hay nếu nặng hơn, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Dù vậy, nhiều doanh nghiệp vẫn bất chấp luật pháp để thực hiện hành vi này.

Vì đâu?

Hành vi khai khống vốn điều lệ có thể xuất phát từ nhiều lý do, nhưng một lý do hàng đầu là nhằm tìm kiếm lợi nhuận trong kinh doanh. Vốn điều lệ của doanh nghiệp là thông tin cơ sở cho đối tác, khách hàng khi xem xét hợp tác kinh doanh với doanh nghiệp.

Thực tế, trên thị trường vẫn tồn tại một quan niệm, rằng vốn điều lệ của một doanh nghiệp càng lớn thì đồng nghĩa với địa vị kinh tế trên thị trường của doanh nghiệp đó càng cao. Do vậy, khi con số vốn điều lệ được thổi phồng, doanh nghiệp có cơ hội lớn hơn trong tìm kiếm hợp đồng làm ăn, hoặc thông qua đó, thu hút thêm nhiều khách hàng và nhà đầu tư.

Trong khi đó, rủi ro bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định đối với hành vi khai khống vốn lại không đáng kể so với kỳ vọng lợi nhuận kiếm được từ việc khai khống này. Hành vi khai khống vốn điều lệ có thể bị xử phạt hành chính theo 5 mức phạt tiền mà mức phạt tối đa cũng chỉ ở mức 100 triệu đồng(1).

Bên cạnh đó, việc mức khai khống (giá trị vượt quá số vốn thực tế) cỡ trăm triệu đồng lại có mức phạt không chênh lệch nhiều so với khai khống cả trăm tỉ đồng cũng là sự bất cập và không đủ sức răn đe, nên doanh nghiệp “sẵn sàng” khai khống con số “khủng” và xem mức phạt vi phạm hành chính là khoản rủi ro được chấp nhận trong kinh doanh.

Hiện nay, các doanh nghiệp có số vốn dưới 100 tỉ đồng “ẩn” mình trong hàng trăm ngàn doanh nghiệp đăng ký mới mỗi năm, cũng là một thách thức đối với năng lực rà soát, kiểm tra, xử phạt vi phạm của các cơ quan chức năng.

Vai trò của cơ quan quản lý nhà nước tới đâu?

Theo Nghị định 122/2021/NĐ-CP, hành vi khai khống vốn điều lệ được xếp vào loại hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện, có thời hiệu xử lý 01 năm. Thời điểm để xác định bắt đầu thời hiệu đối với hành vi vi phạm đang thực hiện là thời điểm phát hiện hành vi vi phạm. Nhưng nếu hành vi vi phạm đã kết thúc thì thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm được xem là thời điểm bắt đầu.

Quy định này được áp dụng tại thời điểm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền kiểm tra và phát hiện giá trị vốn điều lệ thực tế tại doanh nghiệp chênh lệch (thấp hơn) nhiều so với số vốn đã kê khai. Do đó, ngay cả khi doanh nghiệp đã điều chỉnh lại vốn điều lệ theo yêu cầu của pháp luật nhưng vẫn còn trong thời hạn 01 năm xử phạt thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền vẫn có thể ra quyết định xử phạt đối với hành vi khai khống vốn điều lệ.

Rõ ràng, việc quy định xử phạt như vậy đã tạo điều kiện về thời gian cho nhà chức trách làm các công việc rà soát, giám sát và nhắc nhở doanh nghiệp tuân thủ luật pháp cũng như trung thực trong kê khai vốn điều lệ.

Nhưng như đã đề cập, phải chăng chính vì số lượng doanh nghiệp hoạt động và đăng ký thành lập mỗi năm không hề nhỏ mà khiến cho các cơ quan chức năng không “mặn mà” với một khối lượng lớn công việc rà soát, kiểm tra, xử phạt vi phạm (?).

Có nên hình sự hóa?

Hiện có nhiều ý kiến cho rằng hành vi khai khống vốn điều lệ(2) cần được xem xét là có dấu hiệu phạm tội hình sự. Theo luồng quan điểm ủng hộ thì hành vi này có dấu hiệu của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được quy định trong Bộ luật Hình sự, được hiểu là: (i) có hành vi sau khi kêu gọi các nhà đầu tư, người góp vốn, mua trái phiếu doanh nghiệp nhưng chủ sở hữu doanh nghiệp lại không góp đủ số vốn trên thực tế; (ii) bằng các thủ đoạn gian dối tinh vi chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư, người mua trái phiếu, cổ phiếu của doanh nghiệp và đã sử dụng vào mục đích bất hợp pháp; (iii) dẫn đến việc không có khả năng trả lại tài sản, hoặc dùng thủ đoạn gian dối để không trả lại tài sản.

Tuy nhiên, theo quan điểm của người viết bài này, về bản chất, vốn điều lệ được xem là cam kết của chủ sở hữu doanh nghiệp bằng số vốn điều lệ đăng ký, chịu trách nhiệm đối với các bên thứ ba khi phát sinh các trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Việc hình sự hóa hành vi khai khống vốn điều lệ là chưa hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh luật pháp hiện nay.

Thứ nhất, như đã đề cập, phần lớn doanh nghiệp dựa vào số vốn điều lệ là cho mục đích tìm kiếm, giao kết hợp đồng làm ăn vì mục tiêu lợi nhuận, hơn là xuất phát từ ý nghĩ ban đầu khi khai khống vốn là để tạo tín nhiệm nhắm tới mục tiêu chiếm đoạt tài sản.

Nếu xét yếu tố cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo pháp luật hình sự thì xem chừng hành vi khai khống vốn điều lệ chưa đáp ứng yếu tố chủ quan để cấu thành tội này. Hơn nữa, khi muốn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bất kỳ tội danh nào thì nghĩa vụ chứng minh thuộc về cơ quan điều tra có thẩm quyền. Có thể thấy, việc chứng minh doanh nghiệp có chủ ý chiếm đoạt tài sản là điều hết sức khó khăn, nhiều khi là bất khả thi.

Thứ hai, theo quy định của pháp luật hình sự, các tội danh như lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hay lừa đảo chiếm đoạt tài sản chỉ đề cập trách nhiệm hình sự của cá nhân (theo đó, cá nhân có thể bị xử phạt tiền và phạt tù với mức phạt lên đến 20 năm tù). Trong khi đó, hành vi khai khống vốn điều lệ là là hành vi của pháp nhân.

Ngoài ra, việc xem hành vi vi phạm hành chính như hành vi khai khống vốn điều lệ là một trong những dấu hiệu định tội trong pháp luật hình sự có thể gây ra sự thiếu minh bạch và tăng tính tùy tiện trong việc điều tra kết tội của phía cơ quan điều tra.

Tóm lại, các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cần xem xét, phối hợp để sớm đưa ra sự điều chỉnh các hình thức chế tài vừa thống nhất về nội dung trong hệ thống pháp luật lại vừa có thể xử lý “xứng tầm” với thực trạng khai khống vốn đang dẫn tới nhiều hệ lụy không hề nhỏ như đã thấy trong thời gian vừa qua.

Trong đó, một vai trò rất quan trọng thuộc về hoạt động rà soát, kiểm tra việc khai vốn điều lệ của doanh nghiệp từ phía các cơ quan chức năng. Việc này phải được thực hiện thường xuyên và nghiêm minh thì mới nâng được tính răn đe của luật pháp.

Phan Huy Quyền

TBKTSG

Các tin tức khác

>   SEA: Báo cáo SeABank đã nhận được văn bản của UBCKNN về báo cáo kết quả phát hành ESOP năm 2022 (04/11/2022)

>   Novaland hủy ngày đăng ký cuối cùng phát hành cổ phiếu tăng vốn  (04/11/2022)

>   KHG: Thông báo giao dịch cổ phiếu của người nội bộ tham gia ESOP Trần Văn Thành (03/11/2022)

>   VSC dừng chào bán riêng lẻ 40 triệu cp (03/11/2022)

>   CMG: Thông báo giao dịch cổ phiếu của người nội bộ (ESOP) Nguyễn Trung Chính, Nguyễn Phước Hải (02/11/2022)

>   CMG: Thông báo giao dịch cổ phiếu của người nội bộ (ESOP) Ngô Trọng Hiếu, Nguyễn Minh Tuệ (02/11/2022)

>   CMG: Thông báo giao dịch cổ phiếu ESOP của Người nội bộ Hồ Thanh Tùng, Lê Thanh Sơn (01/11/2022)

>   HDB: HDB - NQ HDQT Điều chỉnh thời gian hạn chế ESOP (31/10/2022)

>   Chứng khoán VPBank muốn tăng vốn lên 15,000 tỷ đồng (28/10/2022)

>   GEE chào mua công khai để tăng sở hữu ở THI và CAV lên 100% (27/10/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật