Tự doanh công ty chứng khoán khởi sắc trong quý 3, trái phiếu chiếm tỷ trọng lớn
Tự doanh công ty chứng khoán (CTCK) có sự hồi phục trong quý 3/2022 sau một quý lỗ tới 1.4 ngàn tỷ đồng. Danh mục tài sản của các CTCK lãi tự doanh lớn mang một mẫu số chung: trái phiếu.
Tự doanh hồi phục trong quý 3, nhiều cái tên mới trong top lợi nhuận
Quý 3/2022, tự doanh của CTCK báo lãi gần 660 tỷ đồng. So với quý trước, kết quả này khá tích cực. Quý 2/2022, khối tự doanh lỗ tới 1.4 ngàn tỷ đồng. Nếu so với cùng kỳ thì con số lãi vẫn thấp hơn nhiều khi cùng kỳ lãi tới hơn 2.2 ngàn tỷ đồng.
Kết quả này chủ yếu là do tình hình thị trường chứng khoán trong giai đoạn quý 3 hồi phục đáng kể từ đáy.
Thị trường chứng khoán có giai đoạn hồi phục từ đáy trong quý 3/2022
|
Tự doanh của Chứng khoán SSI dẫn đầu về lợi nhuận quý 3 với mức lãi 265.6 tỷ đồng. Trong quý này, khối tự doanh của SSI thể hiện tốt hơn cả cùng kỳ và quý trước, tăng lần lượt 155% và 85%.
Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) xếp thứ hai về lợi nhuận tự doanh. Tuy nhiên, lãi tự doanh của Công ty sụt giảm so với cả cùng kỳ và quý liền trước.
Top lợi nhuận tự doanh CTCK quý 3 có sự góp mặt của một số cái tên mới. Chứng khoán VPBank (VPBanksc) ghi nhận lãi tự doanh tới gần 160 tỷ đồng. Từ sau khi được VPBank mua lại Chứng khoán ASCS đầu năm 2022, hoạt động kinh doanh của Chứng khoán VPBank khởi sắc nhiều. Quý 2 và quý 3/2022, VPBanksc báo lãi sau thuế 69.3 tỷ đồng và 176.5 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Chứng khoán ABBS, Chứng khoán KAFI cũng lọt vào top tự doanh lãi lớn nhất quý 3/2022.
Top 15 CTCK lãi tự doanh lớn nhất quý 3/2022
Đvt: Tỷ đồng
|
Dù vậy, mảng tự doanh vẫn chưa có quý thể hiện tốt nhất. Quý 3, có tới 30 CTCK ghi lỗ ở hoạt động tự doanh - khá hơn con số 43 công ty báo lỗ quý trước, nhưng vẫn cao hơn nhiều con số 20 công ty lỗ cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy tình hình thị trường quý 3 vẫn không phải môi trường tích cực đối với tự doanh CTCK.
Top 15 CTCK lỗ tự doanh quý 3/2022
Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance
|
Trái phiếu chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục tự doanh
Giá trị danh mục tài sản tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ (FVTPL) của khối CTCK có dấu hiệu chững lại sau giai đoạn tăng liên tục từ quý 1/2020. Tới quý 3/2022, tổng giá trị FVTPL đạt hơn 93.5 tỷ đồng, tăng nhẹ gần 1% so với cuối quý trước. So với gần 3 năm qua , giá trị tài sản FVTPL của các CTCK gấp 3 lần.
Danh mục tài sản sẵn sàng để bán (AFS) vẫn duy trì xu hướng tăng nhưng tốc độ tăng khá chậm. Ngược lại, tài sản nắm giữ tới ngày đáo hạn (HTM) của khối CTCK sụt giảm đáng kể so với quý trước.
Xét về cơ cấu, tài sản FVTPL vẫn chiếm phần lớn cơ cấu tài sản tài chính do các CTCK nắm giữ với tỷ lệ 62% (30/09/2022). Trong khi đó, cơ cấu tài sản HTM và AFS có xu hướng thu hẹp so với trước đó.
Tổng giá trị tài sản tài chính của CTCK
Đvt: Tỷ đồng
|
Cơ cấu tài sản tài chính của CTCK
Nguồn: VietstockFinance
|
Đi vào danh mục FVTPL của các CTCK top đầu lợi nhuận tự doanh thì điểm chung là tỷ trọng trái phiếu lớn.
Ở Chứng khoán SSI, cuối quý 3, chứng chỉ tiền gửi chiếm tỷ trọng lớn nhất trong khối tài sản FVTPL của SSI với giá trị gần 13 ngàn tỷ đồng. Xếp thứ hai là trái phiếu chưa niêm yết, giá gốc 7.3 ngàn tỷ đồng.
Danh mục cổ phiếu chiếm tỷ trọng thứ 3 với giá trị 750 tỷ đồng. Trong đó, HPG, MWG, SGN và chứng chỉ quỹ FUESSV50 là những khoản đầu tư đáng chú ý.
Đối với TCBS, tài sản tài chính của Công ty được ghi nhận toàn bộ ở dạng AFS. Tổng giá trị trái phiếu có giá trị gần 7 ngàn tỷ đồng, có tỷ trọng lớn nhất toàn danh mục. Xếp thứ hai là hơn 1 ngàn tỷ đồng cổ phiếu chưa niêm yết.
Trái phiếu cũng là khoản chủ đạo trong danh mục của nhiều CTCK. Điển hình như VPBanksc, Chứng khoán HDBS, Chứng khoán Smart Invest, Chứng khoán An Bình (ABBS), Chứng khoán Tân Việt (TVSI), Chứng khoán KS…
Trong khi đó, ở một số công ty như Chứng khoán TP.HCM (HCM), Chứng khoán Bản Việt (VCI), Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BSI), Chứng khoán VIX, cổ phiếu vẫn chiếm tỷ trọng đáng kể trong danh mục.
Tỷ trọng danh mục tài sản FVTPL của top CTCK báo lãi tự doanh lớn nhất
Nguồn: VietstockFinance
|
Chí Kiên
FILI
|