Chủ Nhật, 27/11/2022 21:00

TPHCM kiến nghị Chính phủ đưa giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất và bất động sản vượt qua khó khăn

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương các nội dung cụ thể để thúc đẩy giải ngân đầu tư công, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội Thành phố.

TPHCM kiến nghị Chính phủ hỗ trợ, thúc đẩy giải ngân đầu tư công - Ảnh 1.

Thủ tướng Pham Minh Chính chủ trì cuộc làm việc với TPHCM- Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chiều 27/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có buổi làm việc với TPHCM về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, giải ngân vốn đầu tư công và tiến độ triển khai các công trình trọng điểm.

Báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và giải ngân vốn đầu tư công, tiến độ triển khai các công trình trọng điểm năm 2022 trên địa bàn, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết mặc dù gặp nhiều biến động, khó khăn, thách thức hơn so với thời điểm xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội Thành phố năm 2022 nhưng nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Trung ương cùng sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp, đến nay, việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn đạt nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực. 

Kinh tế có mức tăng trưởng khá cao, hơn 9% so với cùng kỳ và vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch năm 2022 là 6 - 6.5%).

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 17.3% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 49.5 tỷ USD, tăng 10.3% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 66.2 tỷ USD, tăng 10% so cùng kỳ; thu ngân sách ước đạt 457,500 tỷ đồng, đạt 118.35% dự toán được giao và tăng 17.05% so với cùng kỳ.

Đến nay, dự kiến có 15/19 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2022 của Thành phố cơ bản đạt và vượt kế hoạch; có 2/19 chỉ tiêu dự kiến không đạt và có 2/19 chỉ tiêu chưa đủ cơ sở tính toán và đánh giá.

Về kết quả giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn, ông Phan Văn Mãi cho hay, đến hết ngày 25/11/2022, tổng số vốn đã giải ngân đạt 12,666/37,464 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 34%, thấp nhất cả nước.

Các đơn vị chủ đầu tư đăng ký giải ngân vốn đến hết niên độ kế hoạch đầu tư công năm 2022 là 28,754/37,464 tỷ đồng, đạt tỉ lệ 76.7% tổng số vốn giao.

Thành phố đã triển khai các yêu cầu, giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nhằm đạt được tỷ lệ giải ngân cao nhất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. 

Trong đó, tập trung chỉ đạo sâu sát công tác giải ngân kế hoạch vốn, bằng nhiều giải pháp thông qua việc ban hành Chương trình hành động về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, thành lập 3 Tổ công tác để tăng cường các giải pháp hỗ trợ cho các nhóm dự án có số vốn được giao lớn trong trong năm 2022; chỉ đạo thực hiện các nội dung công việc nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

TPHCM kiến nghị Chính phủ hỗ trợ, thúc đẩy giải ngân đầu tư công - Ảnh 2.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trình bày các đề xuất, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Các kiến nghị, đề xuất

Về việc triển khai các dự án trọng điểm quốc gia, trọng điểm trên địa bàn Thành phố, theo Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi, đối với dự án Tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên: Đã triển khai 04/05 gói thầu xây lắp và thiết bị. 

Dự án dự kiến hoàn thành năm 2023 chào mừng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản.

Đối với Dự án Tuyến đường sắt đô thị số 2 Bến Thành-Tham Lương, theo ông Mãi, hiện tỷ lệ bàn giao mặt bằng đến nay đạt 85.45% (501/586 trường hợp). Trong đó, 4/6 quận đã hoàn thành giải phóng mặt bằng. 

Hiện còn lại 85 trường hợp trên địa bàn 2 quận (Quận 3, Tân Bình) chưa bàn giao mặt bằng. Dự kiến đến quý 2/2023, hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng của Dự án.

Đến nay, Thành phố đã cơ bản hoàn thành công tác thẩm định, phê duyệt thiết kế dự toán bồi thường và đang tiến hành đấu thầu xây lắp di dời công trình điện; dự kiến khởi công xây dựng cuối năm 2022, hoàn thành vào cuối năm 2024 để sẵn sàng bàn giao mặt bằng cho các nhà thầu chính (thi công đoạn đi ngầm, trên cao) vào năm 2025.

Với dự án này, ông Phan Văn Mãi kiến nghị Chính phủ trao đổi với phía Đức tiếp tục có chỉ đạo các cơ quan hữu quan tái cam kết và thúc đẩy thu xếp tài chính thông qua việc gia hạn các khoản vay 1, 2 đã ký với Ngân hàng Tái thiết Đức đến năm 2030 và các khoản vay bổ sung như đã cam kết.

Đối với dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 trên địa bàn TPHCM, đến nay, Thành phố đã hoàn thành các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao trong các buổi họp Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm quốc gia về lĩnh vực giao thông hằng tháng.

Ban Chỉ huy dự án đã tổ chức giao ban, đi thực địa hằng tuần trực tiếp đến các địa bàn để rà soát tiến độ và kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; hiện đang hoàn tất các thủ tục để phê duyệt hai dự án thành phần (xây lắp và bồi thường) trước 30/11/2022; đẩy nhanh tiến độ thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và phấn đấu bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp khởi công trước ngày 30/6/2023 và cơ bản bàn giao toàn bộ diện tích còn lại trước ngày 31/12/ 2023.

Đối với dự án này, UBND Thành phố kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu giao bổ sung vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho Thành phố (ngoài nguồn vốn 142.557 tỷ đồng đã giao) để bổ sung cho dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TPHCM trên địa bàn Thành phố là 19,449 tỷ đồng (theo đúng Nghị quyết số 57/2022/QH15 ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Quốc hội)

Ngoài ra, tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TPHCM cũng kiến nghị Chính phủ khẩn trương đánh giá và có giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất và bất động sản nhằm tạo công ăn việc làm cho người lao động.

Cũng theo ông Phan Văn Mãi, thị trường xăng dầu hiện nay đã được cải thiện, tuy nhiên chưa bền vững, còn tiềm ẩn những bất ổn. Do vậy, Thành phố tiếp tục kiến nghị Chính phủ chỉ đạo sửa đổi các quy định của pháp luật để hệ thống cung ứng xăng dầu vận hành theo hướng đảm bảo lợi ích hài hòa của các khâu trong chuỗi phân phối, trong đó, chú trọng mở room tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp nhập khẩu; ghi nhận đầy đủ và kịp thời các khoản chi phí trong hình thành giá cơ sở; có tính toán tỷ lệ chiết khấu hợp lý để đảm bảo an ninh chuỗi bán lẻ xăng dầu và đồng thời phải tính toán lại  công tác tổ chức dự trữ xăng dầu quốc gia vì đây là mặt hàng có tính chiến lược quan trọng.

Thành phố cũng kiến nghị Chính phủ có giải pháp cụ thể và hành động quyết liệt ổn định tình hình sau vụ việc của Ngân hàng SCB, nhất là hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có thông tin đầy đủ để người mua trái phiếu an tâm hơn.

Anh Thơ

Báo Chính phủ

Các tin tức khác

>   Vũ trụ ảo sẽ mang lại cho nền kinh tế Việt Nam 9-17 tỷ USD mỗi năm (26/11/2022)

>   Không có vướng mắc liên quan đến việc dừng cấp phép cho IPP Air Cargo (25/11/2022)

>   Vụ Công ty AIC: Tiếp tục điều tra hành vi của nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Đồng Nai (25/11/2022)

>   Chủ tịch Quốc hội tiếp lãnh đạo một số tập đoàn lớn của Philippines (25/11/2022)

>   4 KCN diện tích 1,770 ha tại Long An được chấp thuận đầu tư (24/11/2022)

>   Hãng vận tải hàng không Đức mở đường bay thẳng đến Hà Nội (24/11/2022)

>   Truy tố cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai và Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn (24/11/2022)

>   Doanh nghiệp cần khơi thông dòng vốn để chống đỡ khó khăn (24/11/2022)

>   Phát triển kinh tế vùng Đông Nam Bộ: Gỡ ''điểm nghẽn'' logistics (23/11/2022)

>   Tập đoàn 911 đưa 24 triệu cổ phiếu lên sàn với giá tham chiếu 10,000 đồng/cp (23/11/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật