Thu cao kỷ lục, người đóng thuế thu nhập cá nhân 'ngóng' được hỗ trợ
Số thuế thu nhập cá nhân ngày càng gia tăng cao kỷ lục, đóng góp lớn trong tổng thu ngân sách nhà nước. Trong khi đó, hàng triệu người làm công ăn lương đang chờ đợi sắc thuế này sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh kinh tế cũng như đời sống người dân.
Ngưỡng thuế lạc hậu, số tiền đóng tăng cao
Anh Quang Sơn (ngụ Q.3, TP.HCM) cho biết do sức khỏe không tốt nên anh xin thôi việc và làm cộng tác viên cho báo kiếm sống. Vừa rồi nhận được tiền nhuận bút 31 triệu đồng thì bị trừ thuế thu nhập cá nhân (TNCN) ngay hơn 3 triệu đồng. Phần thuế trừ 10% trên thu nhập nhận được là quá cao trong bối cảnh giá cả tiêu dùng ngày càng tăng, không kiểm soát được.
“Lúc trước dịch Covid-19 đi hớt tóc 30.000 đồng, giờ phải 45.000 đồng; giá tô phở tăng từ 35.000 lên 50.000 đồng mà chất lượng thì đi xuống, thịt ít đi; giá xăng thì nhảy múa… Đó là chưa kể tiền thuốc hằng tháng trên 5 triệu đồng mà giá thuốc thì cứ tăng, có loại tăng 30%; rồi cũng phải trích một khoản hỗ trợ những người thân trong gia đình... 31 triệu tưởng to chứ với vật giá bây giờ và các khoản phải chi tiêu với một người bệnh như tôi thì không đủ”, anh Sơn nói và bày tỏ sự chán nản về việc càng cố gắng làm để có thu nhập chi trả đời sống thì lại càng phải đóng nhiều thuế. Điều đó đôi khi làm triệt tiêu nhu cầu làm việc của anh.
Theo quy định hiện nay, thu nhập vãng lai từ 2 triệu đồng trở lên sẽ đóng tạm số thuế 10% trên thu nhập. Ngưỡng thuế quá thấp, quá lạc hậu nhưng duy trì từ cả chục năm nay chưa sửa nên người dân phải nộp thuế nhiều hơn gây bức xúc cho họ.
|
Cần sớm có chính sách hỗ trợ người nộp thuế thu nhập cá nhân. Ngọc Thắng
|
Chị Thanh Ngọc (ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) lại rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Doanh nghiệp của chị Thanh Ngọc cắt giảm nhân sự để tiết giảm chi phí lương. Những người còn lại làm cả công việc của số nhân sự đã nghỉ nên có thêm một khoản thu nhập. Công việc tăng, thu nhập tăng là điều dễ hiểu, nhưng cũng đồng nghĩa với việc đóng thuế nhiều hơn trước. Theo chị Ngọc, việc kinh doanh của công ty khó khăn nên nhiều khi tâm trạng “ăn không dám ăn, mặc không dám mặc”, đó là chưa kể gánh nặng đóng tiền trả lãi ngân hàng mua nhà hằng tháng đang gia tăng.
“Thế nên khi nộp thuế cảm thấy không thoải mái chút nào. Hằng năm, nhà nước điều chỉnh mức lương tối thiểu để đảm bảo cuộc sống của người lao động. Thế nhưng, lương càng tăng lên đồng nghĩa số thuế phải đóng cũng tăng cao. So với năm 2013, lương tối thiểu hiện nay tăng gấp đôi, trong khi mức giảm trừ nộp thuế TNCN chỉ tăng lên khoảng 20%. Thật vô lý”, chị Thanh nói.
Số thu thuế đạt mức cao kỷ lục
Theo báo cáo đầu tháng 11 của Bộ Tài chính về số thu ngân sách từ tháng 1 - 10.2022, số thu thuế TNCN đã vượt 118,1% dự toán ngân sách. Như vậy, dự toán cả năm 2022, thuế TNCN là 118.075 tỉ đồng, nhưng chỉ 10 tháng đầu năm đã thu vượt 21.371 tỉ đồng, lên 139.446 tỉ đồng. Đây là số thu thuế cao nhất từ 10 năm trở lại đây. Đồng thời tăng gấp 3 lần so với số thu năm 2013 (thời điểm điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh từ 4 triệu đồng/người/tháng lên 9 triệu đồng/người/tháng) và tăng hơn 30.000 tỉ đồng sau khi điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh vào năm 2020 từ 9 triệu đồng/người/tháng lên 11 triệu đồng/người/tháng.
Xét trên tổng thu nội địa, thuế TNCN đang ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu nội địa, chiếm hơn 12,3%. Lũy kế 10 tháng đầu năm, số thu nội địa đạt 1,157 triệu tỉ đồng, bằng 98,4% dự toán. Tốc độ tăng thu thuế TNCN ngày càng cao qua các năm, đặc biệt trong 2 năm ảnh hưởng dịch Covid-19 nặng nề là 2021 và 2022, số thu của sắc thuế này vẫn liên tục ghi nhận những mức kỷ lục cao nhất từ trước đến nay.
Ông Nguyễn Ngọc Tú, giảng viên Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội - người đã quan sát thuế TNCN từ thời điểm còn là Pháp lệnh thuế cho người có thu nhập cao đến khi thành luật Thuế TNCN, nhận xét: Sắc thuế này ngày càng đóng góp lớn vào ngân sách nhà nước. Trước năm 2000, thuế này chỉ chiếm khoảng 0,5 - 1,5% tổng thu ngân sách nhà nước nhưng nay đã lên hơn 12%. Đáng nói, số thu tăng lên một phần đến từ những bất cập của luật Thuế TNCN còn tồn tại. Từ ngưỡng thuế với người nộp thuế, mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc, thuế với thu nhập vãng lai...
“Từ khoảng 5 năm trở lại đây, luật Thuế TNCN bộc lộ nhiều bất cập nhưng chưa được đề cập sửa một cách thấu đáo nên càng gây thêm gánh nặng cho người nộp thuế. Trong 3 năm qua, hết dịch Covid-19 bùng phát đến giá cả hàng hóa gia tăng, đã ảnh hưởng đến cuộc sống người nộp thuế rất nhiều”, ông Tú nói và cho rằng trong bối cảnh cuối năm nay và sang năm 2023 được đánh giá tình hình kinh tế sẽ còn gặp nhiều khó khăn thì nhà nước cần nghiên cứu hỗ trợ người nộp thuế.
Để đảm bảo công bằng như các doanh nghiệp, hộ kinh doanh khác được hỗ trợ về chính sách thuế, ông Tú kiến nghị có 2 giải pháp hỗ trợ có thể làm nhanh được. Đó là hoàn lại số tiền thuế mà người nộp thuế đã đóng hoặc giảm 50% số thuế trong thời gian 6 - 12 tháng. Giải pháp hoàn thuế có thể sẽ gặp khó khăn khi ngân sách nhà nước eo hẹp nhưng giảm thuế có thể thực hiện được ngay. Còn một giải pháp khác là tăng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế từ 11 lên 20 triệu đồng/tháng, còn người phụ thuộc tăng từ 4,4 lên 10 triệu đồng/tháng.
Theo Tổng cục Thống kê, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ tiếp tục phục hồi và tăng cao với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. Tính chung từ tháng 1 - 10.2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 4,643 triệu tỉ đồng, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù vậy, quy mô tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 tháng chỉ đạt 83,2% quy mô của chỉ tiêu này nếu ước tính trong điều kiện bình thường không xảy ra dịch Covid-19 từ năm 2020 đến nay.
Để vực dậy nhu cầu tiêu dùng trong nước, theo ông Nguyễn Ngọc Tú, giảm thuế TNCN để người nộp thuế có thêm thu nhập kích cầu nội địa. Đừng lo số thu ngân sách sẽ giảm đi khi áp dụng chính sách giảm thuế vì khi người dân có được thu nhập, họ có thể chi tiêu cho việc đi lại, ăn uống… Từ đó doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại, nguồn thu ngân sách từ thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp cũng vì thế tăng lên.
Giảm thuế, giãn thuế, hoàn thuế không những là nguồn động viên, chia sẻ với người nộp thuế mà nó còn góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho năm 2023.
Ông Nguyễn Ngọc Tú
|
Thanh Xuân
Thanh niên
|