Thứ Hai, 14/11/2022 08:31

Thị trường lao dốc, môi giới bất động sản lo 'không có Tết'

Thị trường lao dốc khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản đang phải gồng lương trả nợ cho nhân viên do dự án phải tạm ngừng vì thiếu vốn, còn môi giới nhà đất thì như ngồi trên chảo lửa vì không có việc làm, không có tiền sắm Tết.

Môi giới "đói nhăn răng"

Đã 4 tháng qua, văn phòng môi giới bất động sản đặt trong chiếc container ở Bắc Giang của anh H (45 tuổi) hầu như không có ai lui tới, khiến cỏ dại mọc chắn cả cửa vào. Anh H cho biết, thời kì "sốt đất" vào cuối năm 2021, đầu năm 2022, văn phòng của anh và một số văn phòng môi giới đất đai khác hầu như luôn tấp nập người ra kẻ vào, các quán trà đá xung quanh nhờ thế mà cũng ăn nên làm ra. Nhưng ngay khi các ngân hàng điều chỉnh chính sách cho vay, tuyên bố hạn chế room với bất động sản, nền kinh tế có dấu hiệu lạm phát thì những điều kể trên không còn.

Đồng tình cảnh với anh H, ông L (60 tuổi, Hà Nội) chia sẻ, trước đây ông chuyên chạy xe ôm để đưa khách đi xem đất phân lô ở khu vực Láng – Hòa Lạc, rồi vài lần được chủ đất “bo" cho số tiền lớn vì dẫn khách mua đất thành công, ông L chuyển hẳn sang nghề môi giới đất.

Nhiều xe ôm chuyển nghề sang làm môi giới đất, nhưng hiện tại lại đang lao đao vì không có thu nhập.

“Có độ cuối năm, chủ đất sau khi giao dịch thành công, thường cao hứng thưởng công cho tôi vài triệu đồng môi giới, dẫn khách. Có ngày hai ba lần như thế nên Tết đó tôi ấm no lắm. Nhưng giờ thì khác rồi, vài tháng nay không hề có ai gọi điện nhờ tôi dẫn đi xem đất, có chăng là vài người mua đất ở, nhưng họ nghe chủ nhà báo giá xong cũng chạy mất dép. Khả năng Tết này không no ấm được như mọi năm rồi”, ông L giãi bày.

Không chỉ môi giới, mà nhiều doanh nghiệp bất động sản cũng đang phải gồng lương trả nợ cho nhân viên, trong khi dự án thì phải tạm ngừng triển khai do thiếu vốn. Thậm chí, các doanh nghiệp này đang chuẩn bị phương án cắt giảm nhân sự.

Tương tự, một số công ty môi giới cho biết, vài tháng nay phải chia nhỏ lương thành nhiều đợt trả dần cho nhân viên do nguồn vốn không còn nhiều. Trước đó, công ty đang phân phối vài dự án nhà phố lớn, nhưng từ khi siết tín dụng vay, việc bán hàng khó khăn, giao dịch lác đác. Để xoay dòng tiền duy trì bộ máy hoạt động, công ty này phải chấp nhận đi vay ngoài với lãi suất cao. Sắp tới doanh nghiệp tính đến chuyện tạm thời cắt giảm lương và có thể sẽ phải giảm nhân sự.

Không nên "bóp nghẹt" tín dụng bất động sản đại trà

Các chuyên gia nhận định, thanh khoản lao dốc, dòng tiền thiếu hụt, loay hoay tìm kiếm kênh huy động vốn đang khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản khốn đốn chạy lo chi phí duy trì hoạt động.

Trong khi đó, Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA) cho biết, doanh nghiệp địa ốc đang rất khó khăn và đứng trước khả năng có thể rơi vào suy thoái. Một số tập đoàn, doanh nghiệp đang đối mặt nguy cơ “nghỉ ngơi” khi không có giao dịch, thanh khoản giảm sâu. Gánh nặng vận hành buộc các công ty phải bán bớt tài sản, dự án, chấp nhận chiết khấu giảm sâu từ 40-50% giá trị hợp đồng để tìm khách mua.

Cùng với đó, tình trạng thu hẹp quy mô kinh doanh, dừng hoặc hoãn hoạt động thi công dự án, không triển khai dự án mới và ngưng phát hành cổ phiếu đang gia tăng… Không ít doanh nghiệp phải tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động, thậm chí có tập đoàn giảm đến 50% lực lượng lao động.

Trước tình hình này, ông Lê Hoàng Châu kiến nghị Chính phủ sớm tháo gỡ khó khăn cho các dự án BĐS, nhà ở thương mại đã tạm nộp tiền sử dụng đất để đảm bảo tính thanh khoản cho thị trường. Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà được tiếp cận nguồn vốn tín dụng để tăng thanh khoản.

HoREA kiến nghị Chính phủ sớm tháo gỡ khó khăn cho các dự án BĐS, nhà ở thương mại đã tạm nộp tiền sử dụng đất để đảm bảo tính thanh khoản cho thị trường.

Đồng thời, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư, người mua nhà và nhà đầu tư có thể được tiếp cận nguồn vốn tín dụng đối với các dự án của các chủ đầu tư có uy tín thương hiệu và đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, nhất là các dự án nhà ở giá vừa túi tiền và các dự án nhà ở xã hội. Việc tạo điều kiện hay chọn lọc các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) đủ năng lực, uy tín để cho vay là phù hợp tại thời điểm này. Đây là cơ hội để phát triển các dự án, vừa tạo nguồn cung mới cho thị trường, vừa giải quyết tình trạng hàng loạt dự án đang đình trệ vì thiếu vốn.

Còn chuyên gia khác bày tỏ, thị trường hiện nay có nhiều phân khúc khác nhau, dành cho những đối tượng, nhu cầu khác nhau. Nếu "bóp nghẹt" tín dụng một cách đại trà sẽ khiến cả ngành gặp khó. Vì thế, Chính phủ có thể xem xét cung cấp tín dụng cho những doanh nghiệp có năng lực, cho các phân khúc hướng đến nhu cầu ở thực để không đánh đồng thị trường chung,...

Lập Đông

Tiền phong

Các tin tức khác

>   Luật Đất đai: Để doanh nghiệp tự thỏa thuận chuyển nhượng đất làm đô thị có khả thi? (14/11/2022)

>   Hậu 'cơn lốc' sốt đất ở Bảo Lộc (13/11/2022)

>   DXS: Giữ vững thị phần tại các thị trường lớn, 10 tháng đầu năm phân phối hơn 100 dự án (14/11/2022)

>   ''Giải cứu'' bất động sản: Mòn mỏi ngóng vốn hay chịu đau để tái cấu trúc? (11/11/2022)

>   Bắt đầu thanh tra việc quản lý Quỹ phát triển đất Hà Nội và TPHCM (11/11/2022)

>   Rộ trào lưu 'phơi' sổ đỏ vỉa hè để quay TikTok bán đất (11/11/2022)

>   Thị trường bất động sản hiện nay có nhiều điểm tương đồng với giai đoạn “tiền khủng hoảng” (10/11/2022)

>   'Ế ẩm' nhưng giá bất động sản nghỉ dưỡng vẫn cao (10/11/2022)

>   Doanh nghiệp bất động sản đề xuất 9 giải pháp cấp bách với Thủ tướng (10/11/2022)

>   GS Đặng Hùng Võ: Luật Đất đai phải công bằng mới thu hút đầu tư (09/11/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật