Quý 3 của khối CTCK: Chưa qua “giông bão”
Quý 3/2022, thị trường chứng khoán (TTCK) tiếp tục chứng kiến những biến động mạnh làm ảnh hưởng không tốt đến kết quả kinh doanh của khối công ty chứng khoán (CTCK). Trong bối cảnh đó, kết quả hoạt động tự doanh, hoạt động môi giới và lợi nhuận của CTCK đều sụt giảm so với cùng kỳ.
Vẫn chưa thể hái “trái ngọt”
Dữ liệu từ VietstockFinance cho thấy, 70 CTCK trên cả 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM đã cán mốc 15,529 tỷ đồng doanh thu hoạt động, giảm 17% so với quý trước và giảm 20% so với cùng kỳ năm trước.
Bóc tách cơ cấu doanh thu, ở mảng môi giới, doanh thu của các công ty đạt 3,257 tỷ đồng, giảm 21% so với quý 2/2022 và giảm 39% so với cùng kỳ năm 2021.
Kết quả hoạt động của các CTCK trong quý 3/2022. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance
|
Trong khi đó, lãi từ các khoản cho vay và phải thu đem về 4,345 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ song đã giảm 7% so với quý trước. Đây là quý thứ 2 liên tiếp các CTCK ghi nhận sự sụt giảm về nguồn thu này.
Tuy nhiên, điều khá bất ngờ là dư nợ cho vay toàn thị trường đã tăng trở lại trong quý 3 sau khi sụt giảm mạnh vào quý trước đó. Theo dữ liệu của Vietstock, dư nợ cho vay của khối CTCK tính tới cuối quý 3/2022 đạt hơn 168 tỷ đồng, tăng 9% so với quý trước nhưng vẫn giảm gần 17% so với mức đỉnh lịch sử vào quý 1/2022 (khoảng 202 ngàn tỷ đồng).
Hoạt động cho vay của khối CTCK giai đoạn 2019-2022. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance
|
Điểm nhấn đáng chú ý trong quý 3 đến từ lãi tự doanh của khối CTCK: đạt gần 709 tỷ đồng, trong khi quý trước lỗ 1,375 tỷ đồng. Tuy nhiên con số này vẫn rất khiêm tốn so với 2,226 tỷ đồng trong quý 3/2021, tương ứng tỷ lệ giảm 68% so với cùng kỳ.
Sau cùng, lãi sau thuế của 70 CTCK đạt mức 2,814 tỷ đồng, tăng 77% so với quý trước, song đi lùi 55% so với cùng kỳ.
Lãi sau thuế của khối CTCK giai đoạn 2019-2022. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance
|
Về bảng xếp hạng các CTCK có lợi nhuận cao nhất, Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu toàn khối quý thứ 3 liên tiếp khi đạt 579 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức lợi nhuận này đều giảm so với cùng kỳ và quý trước đó, lần lượt giảm 28% và 13%.
Top 3 công ty lãi lớn nhất trên thị trường còn có Chứng khoán SSI (SSI) và Chứng khoán VPS (VPS), lần lượt đạt 309 tỷ đồng (giảm 55% so với cùng kỳ) và 264 tỷ đồng (tăng trưởng 10%).
Đáng chú ý, với tình hình doanh thu đi xuống ở hầu hết mảng kinh doanh, lãi sau thuế giảm 84% so với cùng kỳ, về còn 93 tỷ đồng; Chứng khoán VNDirect (VND) rơi khỏi top 3 bảng xếp hạng, xuống vị trí thứ 11 về lợi nhuận quý 3.
Trước đó, trong quý 2 và 6 tháng đầu năm nay, VNDirect đều đứng thứ hai về lợi nhuận trên thị trường.
Top 20 CTCK lãi lớn nhất quý 3/2022. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance
|
Chứng khoán VPBank (VPBanksc) bất ngờ vươn lên vị trí thứ 4 trên bảng xếp hạng lợi nhuận với lãi sau thuế quý 3 đạt 177 tỷ đồng. Cùng kỳ năm trước, Công ty lỗ 320 triệu đồng khi còn hoạt động mô hình cũ là Chứng khoán ASC.
Phần còn lại của top dẫn đầu lợi nhuận quý 3 đều là những tên tuổi quen thuộc như Chứng khoán HSC, Chứng khoán MiraeAsset, Chứng khoán VCI, Chứng khoán MBS…
Các CTCK tăng trưởng trong quý 3/2022. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance
|
Xét về tăng trưởng, Chứng khoán DSC dẫn đầu nhóm các CTCK có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất trong quý 3 với mức tăng ấn tượng 200% so với cùng kỳ.
Cụ thể, DSC báo lãi sau thuế gần 9 tỷ đồng, cùng kỳ lãi gần 3 tỷ đồng. Theo giải trình của Công ty, nguyên nhân chủ yếu do doanh thu hoạt động tăng mạnh (410%) so với cùng kỳ, từ hơn 8 tỷ đồng lên hơn 42 tỷ đồng. Trong đó, mảng tự doanh DSC lãi hơn 18 tỷ đồng (gấp 2.4 lần).
Đáng chú ý, “ngôi vương” tăng trưởng của quý trước là Chứng khoán SmartInvest bất ngờ văng khỏi bảng xếp hạng. Trước đó, quý 2/2022, cái tên mới nổi này báo lãi 119 tỷ đồng, tăng 4,191% so với cùng kỳ.
Thua lỗ vì hoạt động tự doanh
Bên cạnh những chỉ số khả quan, tình trạng thua lỗ ở khối CTCK cũng đã được hé lộ. Kỳ này, thị trường ghi nhận 13 CTCK báo lỗ với tổng số lỗ 343 tỷ đồng; cải thiện đáng kể so với mức lỗ 1,900 tỷ đồng của 27 công ty trong quý 2/2022. Phần lớn kết quả tiêu cực này là do mảng tự doanh.
Các CTCK báo lỗ quý 3/2022. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance
|
Chứng khoán Everest (EVS) trở thành đơn vị kinh doanh kém sắc nhất trong toàn khối. Công ty lỗ sau thuế 146 tỷ đồng, xấu hơn rất nhiều so với mức lãi 27 tỷ đồng cùng kỳ.
Tự doanh là tội đồ chính của Công ty. Quý 3, lãi từ các tài sản tài chính qua lãi/lỗ (FVTPL) giảm mạnh 81% so với cùng kỳ, xuống gần 40.5 tỷ đồng. Trong khi đó, lỗ từ các tài sản tài chính FVTPL gần 225 tỷ đồng, tăng 25%. Cộng thêm chi phí hoạt động tự doanh gần như không biến động nhiều. Kết quả, mảng tự doanh EVS lỗ hơn 185 tỷ đồng.
Tại ngày 30/09/2022, EVS có khoản đầu tư nổi bật nhất là 14.4 triệu cp NVB và hơn 4.9 triệu cp ACB với giá mua lần lượt hơn 273.3 tỷ đồng và 123.8 tỷ đồng.
Lô cổ phiếu NVB có giá trị thị trường 263 tỷ đồng và lô cổ phiếu ACB có giá trị thị trường 109.3 tỷ đồng. Như vậy, khoản đầu tư vào NVB đang lỗ hơn 10 tỷ đồng và vào ACB đang lỗ 14.5 tỷ đồng.
Không nằm ngoài cuộc, Chứng khoán FPT (FTS) cũng báo lỗ gần 154 tỷ đồng tại mảng tự doanh do doanh thu từ chênh lệch đánh giá lại tài sản tài chính giảm mạnh (chủ yếu là khoản đầu tư vào mã MSH của May Sông Hồng giảm). Kết quả, Công ty lỗ sau thuế quý 3 hơn 60 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 296 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh thu hoạt động môi giới kỳ này của Công ty cũng giảm 50%, xuống còn gần 76.4 tỷ đồng.
Tương tự Chứng khoán Phố Wall (WSS) cũng trải qua một kỳ kinh doanh quý ảm đạm với mức lỗ sau thuế hơn 50 tỷ đồng, do tác động chính từ hoạt động tự doanh, chủ yếu do đầu tư cổ phiếu UPCoM.
Các công ty khác như Chứng khoán APG, Chứng khoán TVB… cũng lỗ nặng do tự doanh.
Ngoài các CTCK trên, nhóm các CTCK báo lỗ còn có Chứng khoán Phú Hưng (PHS), Chứng khoán Beta, Chứng khoán Đại Việt, Chứng khoán Alpha, Chứng khoán SaigonBank Berjaya, Chứng khoán RHB Việt Nam và Chứng khoán EuroCapital…
Thế Mạnh
FILI
|