Nhiều tháng không có giao dịch, môi giới đất nền chật vật chuyển nghề
Thị trường đất nền giao dịch ảm đạm những tháng qua khiến môi giới phải tìm nhiều cách xoay xở, thậm chí đổi nghề, quay lại công việc cũ.
Nhìn thấy bạn bè thành công từ nghề môi giới, đầu năm nay anh Hoàng Ân, một kỹ sư xây dựng cầu đường ở Đồng Nai cũng tập tành để kiếm thêm thu nhập.
"Thời điểm tôi vào nghề hồi đầu năm, thị trường khá nhộn nhịp nên tôi giao dịch liền được mấy lô. Nhưng đến 3 tháng trở lại đây thì không 'chốt' được lô nào nữa, chủ yếu toàn đăng ảo với chốt ảo", anh Ân nói với Zing.
Môi giới mất việc, chuyển nghề
Không chỉ môi giới "tay ngang" mà những người làm nghề lâu năm cũng đang chịu sức ép lớn. Anh Minh Tiến, một môi giới lành nghề ở khu vực Dầu Giây (Đồng Nai) cho biết dù hầu hết khách hàng là người có nhu cầu ở thực nhưng cũng chỉ đang xem xét chứ chưa tiến tới giao dịch.
"Lúc trước, mỗi quý tôi bán được 7-8 lô. Riêng trong quý III vừa rồi, tôi chỉ giao dịch được 2 nền, giảm đến 70% so với trước đây. Không giống như các anh em khác, tôi chỉ làm mỗi công việc môi giới. Tình hình như thế này không biết khi nào mới hồi phục, chắc tôi phải tìm một nghề nào đó để có thể mưu sinh", anh chia sẻ.
Chung tình cảnh, anh Ân, một môi giới đất nền khác ở phía Nam, cho hay bên cạnh các thông tin tiêu cực, nguyên nhân chính khiến giao dịch khó thành công thời gian qua là những vấn đề về tài chính như nhà đầu tư khó tiếp cận vốn vay, hoặc nếu vay được thì lãi suất cũng quá cao.
"Nhiều trường hợp nhà đầu tư đã đặt cọc nhưng sau này không vay được tiền, chủ đất nào dễ chịu thì vui vẻ trả lại cọc, còn những người cũng đang gặp khó khăn thì họ lấy luôn. Có khách hàng của tôi muốn mua lô đất 1 tỷ đồng, đã cọc 10%, tức 100 triệu đồng, nhưng cuối cùng không vay được tiền nên đành mất luôn khoản cọc này", anh nói.
Thời gian qua, nhiều môi giới gặp khó khăn trong quá trình chốt giao dịch. Ảnh: Quỳnh Danh.
|
Tình trạng ảm đạm hiện nay khiến nhiều sàn giao dịch đất nền suốt mấy tháng qua không có giao dịch, hoặc lượng giao dịch quá ít, không đủ bù đắp chi phí vận hành. Theo một khảo sát mới đây của chuyên trang Batdongsan, khá nhiều sàn nhỏ lẻ đã giải thể, các sàn quy mô cỡ trung và lớn trên cũng buộc phải cắt giảm nhân sự.
Kể cả với những môi giới còn giữ được công việc, họ cũng chỉ có thể sống dựa vào mức lương cứng khoảng 5-8 triệu đồng/tháng. Từ tháng 7, một sàn giao dịch bất động sản ở khu vực Hà Đông (Hà Nội) đã phải chủ động cắt giảm 40% nhân sự. Tuy nhiên, đến cuối tháng 7, 1/3 quân số còn lại tiếp tục nộp đơn xin nghỉ để tìm hướng mưu sinh khác.
Dạo một vòng trong các hội nhóm môi giới trên mạng xã hội thời gian gần đây, không khó để bắt gặp tâm sự của những người đang tạm cất lại đồ vest, giày tây để lên mạng bán mỹ phẩm, thực phẩm, hay làm shipper, tài xế xe công nghệ... Một số môi giới còn chuyển sang tìm công việc mới ở các công ty sản xuất để đảm bảo ổn định hơn.
Thời điểm vàng để thanh lọc môi giới
Dù vậy, theo ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Bất động sản Việt An Hòa, đây sẽ là thời điểm vàng để thanh lọc đội ngũ môi giới. Trao đổi với Zing, ông cho biết giai đoạn 2013-2015 cả nước chỉ có khoảng 50.000 môi giới đổ lại. Nhưng dần dần theo các cơn sốt đất, việc kiếm tiền có phần dễ dàng đã kéo theo hàng trăm nghìn người đổ xô đi làm môi giới dù không có chuyên môn hay được đào tạo bài bản.
Thống kê của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy số lượng môi giới hiện đã tăng gấp 6 lần, lên đến khoảng 300.000 người. Tất nhiên, con số thực tế còn nhiều hơn vì hiện nay ai cũng có thể làm môi giới bất động sản, theo ông Phạm Lâm, Phó chủ tịch VARS. Điều đáng nói, chỉ trên dưới 30.000 môi giới có chứng chỉ hành nghề.
Sốt đất ở nhiều địa phương trong các năm qua khiến ai cũng trở thành môi giới. Ảnh: Quỳnh Danh.
|
Trong bối cảnh thị trường khó khăn, giao dịch gần như không có, ông Quang nhìn nhận chỉ những môi giới chuyên nghiệp mới có thể tìm được tài sản tốt để chào bán và thuyết phục nhà đầu tư. Còn những người mới bước vào thị trường trong vòng một năm qua sẽ rất chật vật và có thể phải chuyển nghề.
"Các công ty môi giới đang tái cơ cấu, cắt giảm nhân viên, môi giới tự do cũng bắt đầu tìm việc mới. Đây là tín hiệu tốt của thị trường, đặc biệt khi môi giới ở các vùng xa xôi từng xảy ra sốt đất nay đã quay lại công việc cũ. Người nào từng bỏ nghề giáo viên để đi làm môi giới nay lại về làm giáo viên. Người bán trái cây lại về bán trái cây. Lực lượng môi giới được thanh lọc", ông nói.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS cho rằng các sàn giao dịch thời gian này nên có các hoạt động nhằm xốc lại tinh thần và tập trung đào tạo đội ngũ. Đây sẽ là sự chuẩn bị để khi thị trường hồi phục, doanh nghiệp vẫn có một lực lượng môi giới chất lượng, chuyên nghiệp, hiệu quả.
Hiện tại các sàn phải có chính sách hợp lý để duy trì nhân sự gắn bó, họ có thể đi làm thêm bên ngoài nhưng vẫn nhận trợ cấp và sẵn sàng quay lại khi thị trường hồi phục.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS
"Sau khi thị trường được điều chỉnh sẽ 'bật' lên rất nhanh, khi đó các sàn sẽ cần thu hút lượng quân số rất lớn.
Do đó, hiện tại phải có chính sách hợp lý để duy trì một lượng nhân sự gắn bó, họ có thể đi làm thêm bên ngoài trong giai đoạn này nhưng vẫn nhận trợ cấp của doanh nghiệp và sẵn sàng quay lại khi thị trường hồi phục", ông Đính khuyến nghị.
Với những môi giới còn yêu và muốn gắn bó với nghề, ông cho rằng họ có thể chuyển sang các loại hình bất động sản khác còn giao dịch được, như nhà đất tại các khu dân cư đông đúc. Tuy nhiên, ông thừa nhận thanh khoản với các sản phẩm này hiện cũng không còn cao như trước, bởi chỉ tập trung vào nhóm khách hàng có nhu cầu ở thực.
Trong lúc này, lời khuyên của ông là môi giới nên tìm một công việc tạm thời để mưu sinh, đồng thời tranh thủ thời điểm này để bổ sung kiến thức và hoàn thiện kỹ năng.
"Môi giới cần bình tĩnh, xác định đây chỉ là giai đoạn sụt giảm giao dịch chủ yếu do yếu tố khách quan, còn bản chất thị trường không suy thoái. Do đó, nếu giai đoạn này trau dồi thêm kỹ năng, trình độ thì khi thị trường ổn định trở lại, họ có thể làm việc hiệu quả hơn", ông Đính nói.
Dự báo về thị trường trong thời gian tới, ông Trần Khánh Quang cho rằng khó có sự phục hồi từ nay đến hết quý I/2023, do các yếu tố tài chính như room tín dụng hay lãi suất vay đều chưa được tháo gỡ.
"Tôi nghĩ phải qua Tết mới biết được thị trường khủng hoảng ở mức độ nào, và đến tháng 7/2023 mới biết được có ổn định lại hay chưa, chứ chưa nói đến sự tăng trưởng", ông nêu quan điểm.
Liên Phạm Lan Anh
Zing.vn
|