Góc nhìn 25/11: Rung lắc mạnh vẫn có thể xảy ra
Thị trường được các chuyên gia nhận định đang dần có xu hướng tích cực hơn, tuy nhiên nhà đầu tư vẫn cần kiên nhẫn quan sát để tránh rủi ro thị trường rung lắc mạnh.
Duy trì tỷ trọng tiền mặt cao
CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC): Thị trường đang trong xu hướng giằng co tại vùng 570 với thanh khoản thấp, tuy nhiên hai cây nến Doji với bóng nến trên dài trước đó cho thấy tâm lý thị trường thiếu sự tích cực. BSI khuyến nghị nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng tiền mặt cao trong danh mục.
Thị trường dần chuyển trạng thái tích lũy trong thời gian tới
CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS): Xu hướng của VN-Index vẫn đang nghiêng về downtrend nhiều hơn do vẫn nằm trong kênh giá giảm như vẽ trên hình. Sẽ cần sự bứt phá vượt qua ngưỡng kháng cự quanh 975 điểm (MA20) đồng thời cũng là trendline nối các đỉnh gần nhất để xu hướng của thị trường được cải thiện. Chiều ngược lại, ngưỡng hỗ trợ tâm lý 900 điểm tương ứng với trendline nối các đáy gần nhất sẽ là hỗ trợ trong trường hợp áp lực bán gia tăng trong phiên cuối tuần.
Xét trên tổng thể giao động của thị trường trong thời gian gần đây, SHS kỳ vọng thị trường sẽ dần chuyển trạng thái tích lũy trong thời gian tới khi VN-Index đã về vùng điểm số tương đương thời điểm trước đại dịch COVID (là giai đoạn thị trường tích lũy cạn kiệt tin cậy trước con sóng lớn trong giai đoạn 2020 - 2022) và vùng điểm số hiện tại 900 – 1,000 có thể đem lại hy vọng thị trường sẽ ngừng đà rơi và bắt đầu chu kỳ tích lũy trở lại và hồi phục sau giai đoạn phân phối và downtrend vừa qua.
Những tín hiệu mới củng cố xu hướng tích cực đang dần xuất hiện như khối ngoại đang liên tục mua ròng trở lại, các cổ phiếu dẫn dắt như VCB, BID, VIC, VNM, CTG, GVR... đã bắt đầu có những biến động tích cực hơn so với thị trường, mặt khác khối lượng giao dịch toàn thị trường cũng đang có xu hướng giảm dần chính là tín hiệu của xu hướng tích lũy cạn kiệt chặt chẽ dần, những dấu hiệu đó phát ra tín hiệu sớm rằng các cổ phiếu đầu ngành có thể tích lũy lại và chuyển sang giai đoạn tăng giá tiếp theo sớm hơn thị trường và xu hướng đó sẽ lan tỏa dần ra các cổ phiếu khác để giúp thị trường bước vào tích lũy và hồi phục.
Giai đoạn hiện tại vẫn là giai đoạn thị trường có những biến động mạnh (rơi sâu và có những đợt hồi phục mạnh), thị trường có thể cần trải qua những giai đoạn giao dịch với biên độ hẹp dần trước khi bước vào giai đoạn tăng giá mới. Do đó, nhà đầu tư cũng không nên tham gia vào thị trường tới tỷ trọng lớn trong giai đoạn này và tránh mua đuổi theo hưng phấn trong các phiên tăng bởi giai đoạn phục hồi ban đầu có thể dẫn tới giai đoạn điều chỉnh sóm ngay sau đó.
Đối với danh mục dài hạn, nhà đầu tư nên kiên nhẫn tiếp tục nắm giữ bởi thị trường đã bắt đầu phát ra những tín hiệu hồi phục tích cực, nếu mua mới cổ phiếu nên lựa chọn những cổ phiếu co nền tảng cơ bản tốt, có tiềm năng tăng trưởng hoặc các cổ phiếu đầu ngành và đang có xu hướng hồi phục mạnh mẽ hơn thị trường chung.
Mua trading gối đầu quanh ngưỡng hỗ trợ
CTCK KB (KBSV): Thị trường chứng khoán tăng điểm vào cuối phiên 24/11 với sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán với thanh khoản giảm. KBSV khuyến nghị nhà đầu tư mua trading gối đầu quanh ngưỡng hỗ trợ nhưng cần bán hạ tỷ trọng về mức an toàn nếu vùng hỗ trợ trên bị phá vỡ.
Quán tính tăng điểm
CTCK Asean (Aseansc): Thị trường 24/11 ghi nhận phiên hồi phục nhẹ đầu tiên sau 3 phiên giảm điểm liên tiếp, trong bối cảnh thanh khoản tăng nhẹ nhưng vẫn thấp hơn trung bình 20 phiên. Điều này cho thấy bên mua và bên bán vẫn đang khá giằng co, và tâm lý của nhà đầu tư vẫn còn khá thận trọng.
Tuy nhiên, Aseansc kỳ vọng thị trường sẽ có diễn biến tích cực hơn trong phiên 25/11. Dự báo trong phiên giao dịch 25/11, chỉ số VN-Index sẽ có quán tính tăng điểm trong phiên sáng để kiểm định vùng kháng cự gần 950 – 955 điểm, và xa hơn là vùng kháng cự 960 – 965 điểm. Sự rung lắc có thể diễn ra ở vùng giá cao khiến VN-Index có thể sẽ thu hẹp đà tăng về phía cuối ngày.
Rung lắc mạnh vẫn có thể xảy ra
CTCK Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (VCBS): Khối lượng giao dịch sụt giảm mạnh và lực cầu chỉ xuất hiện vào cuối phiên cho thấy dòng tiền vẫn đang rất thận trọng. Về góc nhìn kỹ thuật, VN-Index vẫn giằng co quanh mốc 940 điểm, hầu hết chỉ báo đều cho tín hiệu trung lập thể hiện sự lưỡng lự trong tâm lý nhà đầu tư.
Nếu tình hình được cải thiện VN-Index sẽ dao động với biên độ hẹp hơn để tìm điểm cân bằng tuy nhiên rủi ro ngắn hạn vẫn tồn tại nên không thể loại trừ trường hợp rung lắc mạnh vẫn có thể xảy ra. VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư hạn chế bắt đáy sớm, chủ động quản trị danh mục để đợi cơ hội giải ngân tốt hơn.
Rủi ro VN-Index về 900 điểm
CTCK Tiên Phong (TPS): Sự thận trọng nối dài khi VN-Index tiếp tục biến động giằng co quanh mốc 950 điểm. Cùng với đó, việc thanh khoản duy trì ở mức thấp (dưới mức trung bình 20 phiên gần nhất) cho thấy dòng tiền và tâm lý nhà đầu tư vẫn chưa hết phân vân về triển vọng thị trường. Hơn nữa, việc thanh khoản tăng đột biến ở NVL đã không còn xuất hiện sau nỗ lực “giải cứu” không thành trước đó đang gây thêm áp lực chỉ số.
Trong phiên 25/11, nếu lực mua không được cải thiện và chỉ số rơi hoàn toàn khỏi mức 950 điểm thì rủi rỏ VN-Index trở lại kiểm định sức mua quanh vùng hỗ trợ 900 điểm sẽ tăng cao. Do đó, nhà đầu tư cần thận trọng và quan sát biến động của chỉ số quanh mốc điểm trên.
Ngưỡng hỗ trợ mạnh 940
CTCK Mirea Asset (Việt Nam): Với việc tăng điểm nhẹ và vẫn giữ được các ngưỡng hỗ trợ đã giúp cho điểm số đánh giá kỹ thuật của VN-Index tiếp tục được duy trì ở mức +2 điểm với trạng thái trong ngắn hạn là trung tính. Hệ số P/E của VN-Index hiện tại đạt 9.9x. Ngưỡng 940 điểm tiếp tục thể hiện là điểm hỗ trợ mạnh.
Thu Minh
FILI
|