Góc nhìn 10/11: Áp lực bán tháo trong ngắn hạn?
SHS dự báo trong xu hướng ngắn hạn, VN-Index chưa thực sự tích cực khi nhiều mã vẫn còn chịu áp lực bán tháo, giải chấp...
Giảm điểm trở lại
CTCK Tân Việt (TVSI): Diễn biến phiên giao dịch hôm nay (09/11) cho thấy dòng tiền chưa có sự cải thiện và tâm lý thị trường hiện vẫn khá bất ổn. Đợt hồi phục trong phiên giao dịch sáng diễn ra trên diện rộng nhưng mức tăng yếu và thanh khoản không cải thiện dẫn tới các quyết định bán quyết liệt trong phiên chiều. Quá trình tạo đáy của thị trường ở giai đoạn hiện tại mặc dù thuận lợi nhờ đà hồi phục chung của thị trường chứng khoán quốc tế, đồng USD hạ nhiệt nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn bởi dòng tiền chưa có sự cải thiện để tạo ra sự yên tâm trong việc chống đỡ lại mỗi khi áp lực bán xuất hiện. Dưới góc độ PTKT cách kết thúc phiên giao dịch hôm 09/11 thường cho thấy khả năng chịu sức ép giảm điểm trở lại trong phiên giao dịch tới (10/11).
Tích lũy trong vùng giá 950 -1,000 điểm
CTCK Mirae Asset: VN-Index điều chỉnh khi gần chạm ngưỡng kháng cự 1,000 điểm. Nhiều khả năng VN-Index sẽ tiếp tục tích lũy trong vùng giá 950 -1,000 điểm. Trường hợp kiểm định ngưỡng kháng cự 1,000 điểm thành công sẽ tiến về kháng cự tiếp theo quanh 1,040-1,050 điểm.
Giằng co tại vùng đáy ngắn hạn
CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC): Diễn biến thị trường vẫn đang giằng co tại vùng đáy ngắn hạn, nhà đầu tư nên giao dịch cẩn trọng và tránh mua đuổi trong những phiên tới.
Vẫn còn chịu áp lực bán tháo
CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS): VN-Index vẫn đang tích lũy trong vùng giá 950-1,000 điểm và đang phục hồi khá tốt ở biên dưới vùng tích lũy quanh 960 điểm. Xu hướng ngắn hạn, VN-Index chưa thực sự tích cực khi nhiều mã vẫn còn chịu áp lực bán tháo, giải chấp... VN-Index chưa thoát khỏi xu hướng giảm giá kéo dài nối các đỉnh giá cao nhất tháng 08,09 và 11/2022 cho đến nay. Ngắn hạn, VN-Index cần giữ được vùng hỗ trợ vùng giá thấp nhất các ngày 25/10/2022 và 04,07/11/2022 tương ứng vùng giá 962.45- 975 điểm và vượt lên vùng giá tâm lý quanh 1,000 điểm thì có thể kỳ vọng thoát khỏi trend-line giảm giá hiện nay.
Tiếp tục điều chỉnh
CTCK KB (KBSV): Sự hình thành của mẫu nến con quay, sau khi thử thách vùng kháng cự gần, cho thấy cung cầu đang tạm thời cân bằng tại vùng giá đóng cửa. Diễn biến này để ngỏ khả năng VN-Index sẽ còn trải qua thêm nhịp điều chỉnh trong phiên kế tiếp (10/11). Tuy nhiên, chừng nào chưa đánh mất vùng hỗ trợ gần 965-970, KBSV có phần nghiêng về khả năng mở rộng thêm đà hồi phục cho chỉ số. Nhà đầu tư được khuyến nghị gia tăng một phần tỷ trọng trading ngắn hạn gối đầu tại vùng hỗ trợ trong phiên, nhưng cần tuân thủ điểm dừng lỗ và hạ tỷ trọng nếu điểm đỡ này bị xuyên thủng sau đó.
Giằng co
CTCK Asean (Aseansc): Aseansc cho rằng khả năng thị trường sẽ cần phải tích lũy thêm trước khi có xu hướng rõ ràng hơn. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng cần quan sát thêm phản ứng của thị trường sau khi thông tin CPI của Mỹ được công bố vào 8 giờ tối mai (10/11). Dự báo trong phiên giao dịch tới (10/11), sự giằng co có thể sẽ diễn ra giữa lực mua tại hỗ trợ 970-980 điểm và lực bán tại kháng cự 990-1,000 điểm, trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày.
Rung lắc
CTCK Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (VCBS): Về góc nhìn kỹ thuật, tại khung đồ thị ngày, 2 chỉ báo MACD và RSI vẫn đang có xu hướng bẻ ngang và chưa thể tạo được phân kỳ dương 3 đoạn cho thấy lực cầu vẫn chưa đủ để giúp cho VN-Index xác nhận bước vào nhịp phục hồi. Tuy nhiên, chỉ báo DI- đã không còn xu hướng dâng lên cao nên có thì kỳ vọng VN-Index sẽ rung lắc để tìm lại điểm cân bằng quanh vùng 970-980. VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư tiếp tục kiên nhẫn quan sát thị trường, đợi chờ chuỗi phiên tích lũy trở lại của VN-Index để xác nhận tín hiệu phục hồi rõ ràng hơn.
Đi ngang và giằng co
CTCK Yuanta Việt Nam (Yuanta): Yuanta cho rằng thị trường có thể tiếp tục đi ngang và giằng co quanh mức hiện tại trong phiên kế tiếp (10/11). Chỉ số VN-Index xuất hiện mô hình nến Doji Star nhưng ở dạng cân bằng với khối lượng giao dịch giảm cho thấy thị trường khó có thể sẽ có xu hướng đột biến trong phiên kế tiếp (10/11) và nhà đầu tư vẫn còn tỏ ra lưỡng lự ở phiên 09/11/2022, thị trường vẫn đang chờ đợi về dữ liệu lạm phát của Mỹ vì điều này có thể ảnh hưởng lên chính sách tiền tệ của Fed trong tháng 12/2022. Đồng thời, rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức cao và vẫn đang trong giai đoạn hồi phục kỹ thuật ngắn hạn.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm. Do đó, Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục đứng ngoài thị trường và chờ điểm xác nhận xu hướng tăng để có vị thể giải ngân an toàn.
Hàn Đông
FILI
|