Foxconn cùng quỹ đầu tư quốc gia Arab Saudi sản xuất xe điện
Công ty công nghệ Hon Hai Precision Industry của Đài Loan (Trung Quốc), được biết đến là Foxconn, đã hợp tác với quỹ tài sản quốc gia của Arab Saudi để sản xuất xe điện, một động thái cho thấy Thái tử Mohammed bin Salman đang muốn đa dạng hoá nền kinh tế của vương quốc này khỏi dầu mỏ.
Thương hiệu xe điện mới, có tên là Ceer, sẽ nhận được giấy phép công nghệ sản xuất linh kiện từ BMW, đồng thời khâu thiết kế và sản xuất sẽ được đặt ở Arab Saudi. Các mẫu xe điện do Ceer sản xuất sẽ dành cho người tiêu dùng ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi, theo thông báo từ Quỹ đầu tư công Arab Saudi. Những chiếc xe điện mang thương hiệu Ceer đầu tiên sẽ ra mắt vào năm 2025.
“Chúng tôi đang khởi động một ngành công nghiệp mới, một hệ sinh thái mới có thể thu hút đầu tư trong và ngoài nước, tạo cơ hội việc làm cho nhân tài trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân và góp phần vào tăng trưởng GDP của Arab Saudi trong thập kỷ tới”, Thái tử Mohammed bin Salman cho biết.
Foxconn sẽ chịu trách nhiệm phát triển linh kiện điện cốt lõi cho mỗi chiếc xe Ceer. “Chúng tôi sẽ tận dụng kiến thức chuyên môn về công nghệ sẵn có để hỗ trợ Ceer trong việc tạo ra một loạt mẫu xe điện mang tính biểu tượng. Chúng tôi muốn đưa xe điện trở thành phương tiện phổ biến và đó là những gì Ceer sẽ đạt được ở Arab Saudi nói riêng và khu vực nói chung”, Chủ tịch Foxconn Young Liu nói.
Thông báo này được đưa ra sau khi Foxconn tiết lộ kế hoạch mở rộng mảng xe điện của họ sang thị trường Thái Lan, Mỹ và Đài Loan (Trung Quốc). Công ty này từng ra mắt hai mẫu xe điện mới hồi tháng 10/2022.
Foxconn, nhà sản xuất thiết bị điện tử theo hợp đồng lớn nhất thế giới và là nhà lắp ráp iPhone và MacBook cho Apple, đã và đang xây dựng một chuỗi cung ứng xe điện hoàn chỉnh, từ pin đến chip, nhằm đa dạng hoá doanh thu.
Quỹ đầu tư quốc gia của Arab Saudi cho biết Ceer dự kiến thu hút hơn 150 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, tạo ra 30,000 việc làm và đóng góp 8 tỷ USD cho GDP vương quốc vào năm 2034. Dự án này được đánh giá phù hợp với chiến lược kinh tế Tầm nhìn 2030 của Arab Saudi nhằm giảm phụ thuộc vào dầu mỏ và đa dạng hoá nền kinh tế.
Kim Dung (Theo Nikkei Asia)
FILI
|