Doanh thu mảng chăn nuôi gấp đôi cùng kỳ, BAF lãi ròng quý 3 gần 158 tỷ đồng
Bức tranh kinh doanh quý 3/2022 của CTCP Nông nghiệp BaF Việt Nam (HOSE: BAF) khá khả quan khi thu về gần 158 tỷ đồng lãi ròng, gấp 3.6 lần cùng kỳ năm trước, nhờ mảng chăn nuôi tăng trưởng và giá heo hơi tăng.
Kết quả kinh doanh hợp nhất quý 3 và 9 tháng năm 2022 của BAF. Đvt: Tỷ đồng
|
Quý 3, BAF ghi nhận doanh thu thuần gần 1,920 tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ. Tốc độ giảm giá vốn mạnh hơn tốc độ giảm doanh thu giúp lợi nhuận gộp đạt gần 216 tỷ đồng, gấp 3 lần quý 3/2021. Biên lợi nhuận gộp được cải thiện từ 1.9% lên 11.2%.
Trong kỳ, chi phí tài chính gấp 2.5 lần cùng kỳ, đạt gần 5.2 tỷ đồng; chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt hơn 24.2 tỷ đồng (gấp 7 lần) và 19.5 tỷ đồng (tăng 38%). Bên cạnh đó, Công ty thu về gần 14.3 tỷ đồng lợi nhuận khác, cùng kỳ lỗ gần 1.2 tỷ đồng, các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Kết quả, BAF lãi ròng gần 158 tỷ đồng trong quý 3, gấp 3.6 lần cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 9 tháng năm 2022, Công ty thu về gần 4,890 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 46% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế hơn 286 tỷ đồng, tăng 17%. Lãi ròng của BAF đạt 295.5 tỷ đồng, tăng 21%.
Xét về cơ cấu doanh thu, mảng bán nông sản giảm 54% còn gần 3,934 tỷ đồng (chiếm 80% tổng doanh thu); doanh thu hoạt động chăn nuôi tăng 95% lên hơn 955 tỷ đồng (chiếm gần 20%).
Cơ cấu doanh tổng doanh thu của BAF 9 tháng năm 2022
Nguồn: BAF
|
Theo giải trình của Công ty, sản lượng và doanh thu mảng kinh doanh chăn nuôi theo mô hình khép kín tăng mạnh hơn 95% so với cùng kỳ, do cơ cấu đàn dần đi vào ổn định và các trại mới đi vào vận hành.
Bên cạnh đó, giá bán heo trung bình quý 3 tăng 21% so với năm trước. Đây là động lực chính cấu thành nên tăng trưởng lợi nhuận. Riêng mảng kinh doanh thương mại nông sản thuần túy sẽ thu hẹp dần theo đúng chủ đích nhằm tối ưu nguồn lực cho hoạt động chính.
Năm 2022, BAF đặt kế hoạch doanh thu đi lùi 43% so với thực hiện năm 2021, mang về 5,950 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 402 tỷ đồng, tăng gần 25%. Như vậy, Công ty đã thực hiện được 71% mục tiêu lợi nhuận năm sau 9 tháng.
Kết quả kinh doanh các năm gần đây và KH năm 2022 của BAF. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance
|
Tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn gấp 17 lần đầu năm
Tính tới 30/09/2022, tổng tài sản của BaF đạt hơn 5,119 tỷ đồng, giảm 6% so với đầu năm. Trong đó, tài sản chủ yếu là hàng tồn kho đạt gần 1,505 tỷ đồng, chiếm 29% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn gần 1,444 tỷ đồng, chiếm 28%; tài sản cố định gần 881 tỷ đồng, chiếm 17% và các khoản mục khác.
Hàng tồn kho của BAF ghi nhận 1,505 tỷ đồng, tăng 38% so với đầu năm, chủ yếu là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang với gần 825 tỷ đồng (+34%) và hàng hóa gần 600 tỷ đồng (+41%).
Về cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả tại thời điểm này hơn 3,378 tỷ đồng, giảm 16%. Tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn đạt hơn 904 tỷ đồng, gấp 5.5 lần đầu năm và chiếm 18% tổng nguồn vốn so với mức 3% đầu năm.
Trong cơ cấu nợ vay, bên cạnh tăng vay nợ từ ngân hàng hơn 249 tỷ đồng (gấp 17 lần), BAF ghi mới dư nợ trái phiếu thường dài hạn 300 tỷ đồng (đầu năm không ghi nhận).
Theo tìm hiểu, BAF vừa phát hành thành công 300 tỷ đồng trái phiếu đợt 1/2022, kỳ hạn 36 tháng, lãi suất 10.5%/năm và định kỳ trả lãi 6 tháng một lần. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo. Ngày kết thúc đợt chào bán là 23/08/2022.
Kết quả chào bán trái phiếu đợt 1/2022 của BAF
Nguồn: BAF
|
Ra mắt thương hiệu “Heo ăn chay BaF Meat”
Ngày 26/10/2022, BAF đã chính thức công bố thương hiệu “Heo ăn chay BaF Meat”. Công thức cám chay của BAF loại bỏ hoàn toàn thành phần chứa gốc đạm động vật và chỉ cung cấp cho đàn heo nuôi nội bộ, không bán thương mại ra thị trường.
Với gần 20 dự án đang xây dựng trên toàn quốc, tới quý 4/2023, dự kiến tổng đàn heo của BAF sẽ lên 1 triệu con, gấp hơn 3 lần số lượng hiện nay. Chiến lược và tầm nhìn đến năm 2030 của Công ty là xây dựng thành công mạng lưới 100 trang trại với đàn 200,000 con và 6 triệu con lợn thương phẩm, vào top 3 công ty chăn nuôi hàng đầu Việt Nam.
BaF cũng sở hữu nhà máy đầu tiên tại Việt Nam đạt cùng lúc 2 chứng nhận Global G.A.P. CFM 3.0 & FSSC 22000 V5.1 - những tiêu chuẩn cao nhất trong hệ thống quản lý sản xuất thức ăn chăn nuôi được công nhận trên toàn cầu.
Lãnh đạo ồ ạt thoái vốn
Ở diễn biến liên quan khác, trong tháng 10/2022, ban lãnh đạo BAF đã ồ ạt thoái vốn. Cụ thể, ông Lê Xuân Thọ, thành viên HĐQT, bán hơn 2 triệu cp BAF để giảm sở hữu từ 2% về còn 0.55% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện ngày 04/10 thông qua thỏa thuận.
Ông Phan Ngọc Ân, thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc, bán gần 6.6 triệu cp BAF, giảm sở hữu từ 6.32% về còn 1.73% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện từ 07-11/10.
Cuối cùng, bà Bùi Hương Giang, thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc, bán hơn 13.8 triệu cp BAF để giảm sở hữu từ 13.25% về 3.6% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện từ 05-18/10.
Sau giao dịch, cả ông Ân và bà Giang đều không còn là cổ đông lớn tại BAF.
Ở chiều ngược lại, CTCP Siba Holdings, tổ chức liên quan ông Trương Sỹ Bá - Chủ tịch HĐQT BAF, vừa mua vào hơn 24.1 triệu cp BAF trong tổng số đăng ký hơn 24.6 triệu cp để nâng sở hữu từ 20.5% lên 37.32% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện từ 03-19/10/2022.
Tạm rút hồ sơ đăng ký chào bán 600 tỷ đồng trái phiếu
Mới đây, HĐQT BAF đã thông qua việc tạm rút hồ sơ đăng ký chào bán trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ năm 2022.
Nguyên nhân vì một số nội dung đã nêu tại phương án không còn phù hợp với tình hình thực tế theo quy định mới của Nghị định 65/2022 sửa đổi, bổ sung một điều của Nghị định 153/2020 về phát hành trái phiếu riêng lẻ.
BAF cho biết sẽ điều chỉnh phương án cho phù hợp và nộp lại hồ sơ trong thời gian sớm nhất.
Trước đó, vào ngày 15/08/2022, Công ty thông qua kế hoạch triển khai phát hành 600 trái phiếu chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo cho Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) - Thành viên Ngân hàng Thế giới (World Bank). Với mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, ước tính BAF có thể thu về 600 tỷ đồng nếu phát hành thành công. Thời gian phát hành dự kiến trong quý 3 và 4/2022.
Trái phiếu từ đợt phát hành có kỳ hạn tối đa 7 năm. Trong 6 năm đầu, lãi suất sẽ cố định ở mức 5.25%/năm. Vào lần đáo hạn thứ nhất của năm cuối cùng, BAF sẽ mua lại một nửa số trái phiếu mà trái chủ đang sở hữu. Khi đó, lãi suất trái phiếu sẽ được nâng lên 10.5%/năm.
Thế Mạnh
FILI
|