Thứ Năm, 10/11/2022 06:40

Doanh nghiệp xăng dầu thiếu nguồn cung: Vật vã ứng phó

Trao đổi với PV, đại diện một doanh nghiệp xăng dầu nhà nước khẳng định, mối lo lớn nhất của doanh nghiệp lúc này là việc để mất vốn nhà nước vì bị lỗ do kinh doanh xăng dầu và tìm được nguồn cung cho thị trường.

Đóng cửa vì hết tiền, thiếu nguồn hàng

Chia sẻ với PV, giám đốc một doanh nghiệp xăng dầu tại Hà Nội, nói rằng, nếu tính theo diễn biến của thị trường quốc tế những ngày qua, với mỗi lít xăng RON95 bán ra, doanh nghiệp bị lỗ khoảng 1.100 đồng trong khi mức lỗ của xăng E5RON92 cũng xấp xỉ 1.000 đồng/lít. Dầu madut bị lỗ ở mức gần 900 đồng/kg còn dầu hỏa lỗ khoảng 150 đồng/lít.

Với hệ thống gần 10 cây xăng liên tục phải bán ra để đảm bảo cung ứng cho thị trường theo yêu cầu của cơ quan quản lý, tính riêng trong tháng 10 vừa qua, doanh nghiệp bị lỗ xấp xỉ 2 tỷ đồng. Vị này cho biết đã làm văn bản gửi Sở Công Thương xin tạm dừng bán hàng thời gian tới nếu các chi phí không được tính đúng tính đủ cho doanh nghiệp bán lẻ sau kỳ điều hành ngày 11/11.

Cây xăng thuộc Công ty TNHH Thương mại xăng dầu Việt Thắng trên đường Hào Nam, Hà Nội đóng cửa, trả giấy phép vì doanh nghiệp lỗ đến mức hết sức chịu đựng Ảnh: Nguyễn Bằng

Không chỉ doanh nghiệp bán lẻ hết chịu nổi vì thua lỗ, một số thương nhân phân phối lớn trong ngành xăng dầu cũng kiệt sức vì mất vốn kéo dài cũng như không thể tìm được nguồn hàng để cung ứng ra thị trường.

Mới đây nhất, Công ty Cổ phần Petro Times (thương nhân phân phối xăng dầu có trụ sở ở quận Lê Chân, TP Hải Phòng) có báo cáo gửi Sở Công Thương TP Hải Phòng về khó khăn trong việc tìm nguồn hàng.

Theo lãnh đạo Công ty Cổ phần Petro Times, doanh nghiệp dù đã đặt các nguồn hàng xăng dầu tại các đầu mối, khu vực miền Bắc, nhưng bản thân các đơn vị này cũng không còn nguồn hàng để cung ứng.

Do đó, doanh nghiệp không có nguồn hàng để bán cho khách hàng và đại lý, cửa hàng xăng dầu trực thuộc của công ty. Không tìm được nguồn cung nên doanh nghiệp cũng không có cách nào duy trì được việc bán hàng ra thị trường.

Kinh doanh khó khăn, không đủ bù đắp chi phí cố định, càng kinh doanh càng lỗ… là một trong những khó khăn được ông Phí Hữu Quang, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại xăng dầu Việt Thắng (huyện Hoài Đức, Hà Nội), nêu ra trong văn bản gửi Sở Công Thương TP Hà Nội về việc chấm dứt kinh doanh tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu Hào Nam (quận Đống Đa, Hà Nội).

Các quy định hiện nay có nhiều bất cập, khiến doanh nghiệp rất khổ sở. Việc thị trường rối loạn vừa qua cũng có phần do thiếu ý kiến của các doanh nghiệp bán lẻ trong xây dựng chính sách. Nếu kiểm soát giá nhưng không để cho doanh nghiệp có đủ chi phí hoạt động thì không có ai thiết tha kinh doanh”

Ông Trần Bảo Sơn, đại diện Công ty Xăng dầu Trung Sơn (Hà Nội)

Theo ông Quang, do tình hình xăng dầu biến động liên tiếp, doanh nghiệp ngày càng khó khăn khi doanh thu từ tháng 5 đến tháng 10 giảm mạnh khiến công ty không đủ bù đắp chi phí.

Đại diện một doanh nghiệp xăng dầu ở khu vực phía Đông TPHCM cho biết, đầu năm 2022, lãnh đạo đơn vị đặt kế hoạch giao sản lượng bán 350 m3/tháng. Sau đó, cơ quan chức năng yêu cầu đảm bảo nguồn cung bán ra thị trường trong giai đoạn hiện nay.

Chỉ trong vài ngày cuối của tháng 9 và sang đến tháng 10, sản lượng của cửa hàng đã đạt 900 m3, tăng gần gấp 3 lần kế hoạch đầu năm. Sản lượng tăng nhưng mức lỗ của doanh nghiệp lớn chưa từng thấy.

Sẽ phải dừng hoạt động là xác nhận của giám đốc một doanh nghiệp xăng dầu ở Yên Bái khi nói về những khó khăn của doanh nghiệp trong việc tìm nguồn hàng hiện nay. Theo vị này, thời gian qua, doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu tại kho Đức Giang chiết khấu bằng 0 đồng/lít, có thời điểm được chiết khấu 20 đồng/lít, 70 đồng/lít nhưng chi phí vận chuyển xăng dầu từ kho Đức Giang đến các đại lý mất tới 700 đồng/lít.

Tính đủ chi phí vận hành, doanh nghiệp bị lỗ khoảng 1.200-1.300 đồng/lít. Doanh nghiệp lỗ trong khi từ tháng 8 đến nay, tình trạng khan hiếm, đứt hàng xảy ra liên tục.

Người dân xếp hàng mua xăng tại cây xăng Petrolimex ở Hà Nội

“Thời điểm cấp hàng nhiều là khoảng 27 m3 xăng dầu/ngày, trong khi nhu cầu thực tế của 5 cửa hàng và 10 đại lý của công ty gấp khoảng 2,5 lần con số đó. Điều này dẫn tới tình trạng khi doanh nghiệp nhập xăng dầu về không biết phân chia sản lượng thế nào cho các cửa hàng, đại lý trong hệ thống. Nếu lấy hàng tại nơi khác, doanh nghiệp còn gặp khó khăn hơn vì kho xa, chi phí cao, thời gian dài khoảng 2-3 ngày sẽ dẫn tới đứt nguồn cung.

Trong trường hợp đứt nguồn cung, không có xăng dầu bán, doanh nghiệp lại chịu áp lực kép khi lực lượng quản lý thị trường, Sở Công Thương liên tục xuống kiểm tra, yêu cầu không được đóng cửa hàng, đóng cửa sẽ thu hồi giấy phép”, vị này nói.

Lo mất vốn nhà nước

Giám đốc một doanh nghiệp xăng dầu ở An Giang cho biết đang trong tình trạng khủng hoảng chưa từng thấy khi tài sản của doanh nghiệp đã bốc hơi trong vòng gần năm qua do liên tục bị thua lỗ. Theo vị này, việc doanh nghiệp bị lỗ, mất sạch vốn kinh doanh xuất phát từ cơ quan quản lý thiếu trách nhiệm, không cập nhật kịp thời các chi phí cho doanh nghiệp.

Để duy trì hoạt động nhằm đảm bảo nguồn cung cho thị trường, thời gian dài vừa qua, công ty đã phải đi vay tiền nhập hàng về bán.

“Thống kê của doanh nghiệp cho thấy, với mức lỗ lên tới gần 200 triệu đồng đến hàng tỷ đồng/cây xăng mỗi tháng, tài sản của doanh nghiệp bốc hơi nhanh chưa từng thấy. Chúng tôi đã phải bán bớt tài sản, bán xe, giảm nhân sự, thậm chí có chỗ nào vay được tiền thì cũng tìm đến vay hết rồi”, vị giám đốc nói.

Trao đổi với PV Tiền Phong, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu nói rằng, không thể nhập được hàng là tình trạng chung ở nhiều địa phương khi đầu mối, thương nhân phân phối cũng gặp khó.

Để mua được hàng, doanh nghiệp bán lẻ phải chịu mức chiết khấu giá xăng âm tới 1.400 đồng/lít, trong khi dầu chịu mức âm 150 đồng mà không có hàng để nhập. Các doanh nghiệp dù đặt cọc nhưng phải chấp nhận được thương nhân phân phối giao hàng sau kỳ điều chỉnh giá ngày 11/11 tới.

“Lỗ rất nặng và chúng tôi cũng hết sức lo ngại về tình hình tài chính từ nay đến cuối năm”… một lãnh đạo doanh nghiệp xăng dầu đầu mối lớn nói với PV Tiền Phong. Theo vị này, các cơ quan như Bộ Công Thương và Bộ Tài chính điều chỉnh các phụ phí quá chậm, chỉ trong một thời gian ngắn riêng khoản phụ phí trong nước khiến doanh nghiệp bị lỗ ít nhất 4 USD/thùng, tương đương 700-800 đồng/lít xăng dầu.

“Với một doanh nghiệp xăng dầu, trong tình hình kinh doanh bình thường, để gỡ khoản lỗ 300 tỷ đồng của riêng quý 3 vừa qua, cần phải mất tới hơn một năm. Còn với biến động thế này, mất bao lâu mới gỡ được số lỗ sẽ cực kỳ khó đoán được”, vị này nói.

Đại diện một doanh nghiệp xăng dầu nhà nước cũng khẳng định, mối lo lớn nhất của doanh nghiệp trong ngành lúc này là việc để mất vốn nhà nước vì do thua lỗ kinh doanh xăng dầu. 

Phạm Tuyên

Tiền phong

Các tin tức khác

>   Dầu giảm khi dự trữ dầu thô tại Mỹ tăng (10/11/2022)

>   Cựu đại tá Biên phòng dẫn mối cho nữ doanh nhân nhập xăng lậu (09/11/2022)

>   Dầu giảm 2% do lo ngại về nhu cầu ở Trung Quốc (09/11/2022)

>   Sau tranh cãi, Bộ Tài chính điều chỉnh phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam (08/11/2022)

>   Hoá đơn năng lượng tại châu Âu lại lên kỷ lục (08/11/2022)

>   Giao quản lý xăng dầu về Bộ Công Thương: Nhiều chuyên gia đồng tình (08/11/2022)

>   Dầu giảm sau các tín hiệu trái chiều về Trung Quốc (08/11/2022)

>   Xét xử đường dây buôn lậu 200 triệu lít xăng: Lời khai của ‘bóng hồng’ tiếp cận cựu đội trưởng chống buôn lậu (07/11/2022)

>   Bộ Công Thương: Không có luật nào cấm mua xăng bằng chai, can... (07/11/2022)

>   Nhiều giải pháp để chấm dứt việc thiếu xăng dầu cục bộ (07/11/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật