Doanh nghiệp giữa cơn bão cắt giảm lao động hàng loạt
Nhiều doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, thậm chí là cho đóng cửa một phần nhà xưởng do đơn hàng xuất khẩu bị sụt giảm mạnh. Thiếu đơn hàng, đứt gãy chuỗi cung ứng về nguyên liệu, lãi suất và tỷ giá hối đoái tăng vọt khiến các nhà sản xuất quay cuồng trong khó khăn, và hệ lụy của tình trạng hoạt động cầm chừng là cắt giảm nhân sự.
Hàng ngàn lao động đã và đang trong nguy cơ mất việc hoặc đứng trước khó khăn bị giảm thu nhập do giảm giờ làm trong bối cảnh cái Tết cận kề.
Cắt giảm lao động không còn là câu chuyện đơn lẻ
Hàng ngàn người lao động đang làm việc tại Công ty TNHH An Giang Samho tỉnh An Giang đang lo lắng trước bối cảnh doanh nghiệp này buộc phải thu hẹp sản xuất do bị sụt giảm mạnh đơn hàng sản xuất dẫn đến phải cắt giảm nhiều lao động.
Theo kế hoạch đến cuối năm nay, Công ty TNHH An Giang Samho sẽ tạm hoãn và cắt giảm hơn phân nửa tổng lượng lao động đang làm việc tại nhà máy ở khu công nghiệp Bình Hòa. Điều này có nghĩa khoảng hơn 5.300 người lao động trong tổng số gần 10.000 lao động tại doanh nghiệp ở tỉnh An Giang này sẽ mất việc làm hoặc tạm dừng công việc tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài này
Theo đó, từ tháng 10 đến tháng 12 tới, công ty gia công và sản xuất giày dép này sẽ tạm hoãn hợp đồng lao động từ 1.700 – 3.200 công nhân mỗi tháng; không tái ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) 646 người lao động hết hạn HĐLĐ trong 2 tháng cuối năm nay. Cùng với đó, doanh nghiệp này cũng chấm dứt HĐLĐ khoảng 2.734 lao động làm việc dưới 12 tháng.
Nguyên nhân của việc thu hẹp sản xuất và cắt giảm lao động này là do đối tác bị ảnh hưởng nặng nề của lạm phát, số lượng đơn hàng sụt giảm mạnh. Đáng chú ý, đến hết tháng 11 này, công ty không còn thực hiện việc gia công sản xuất cho một nhãn hàng giày nổi tiếng thế giới nữa.
Tương tự nhà máy ở tỉnh An Giang, tại nhà máy ở TPHCM của Samho cũng sẽ cắt giảm một lượng lớn người lao động. Cụ thể, Công ty TNHH Việt Nam Samho, dự kiến cắt giảm gần 1.500 lao động do thiếu đơn hàng. Trong số này có gần 1.500 công nhân có hợp đồng lao động thời hạn 1 năm và sẽ hết hạn hợp đồng vào 2 tháng cuối năm. Vì thế Công ty Samho Việt Nam dự kiến sẽ chấm dứt hợp đồng lao động với các công nhân này.
Thu hẹp sản xuất, đối mặt nguy cơ đóng cửa
Một nhà sản xuất giày da xuất khẩu khác là Công ty TNHH Tỷ Hùng ở quận Bình Tân, TPHCM gần đây đã thông báo sẽ chấm dứt hợp đồng với 1.185 lao động trong tổng số 1.822 công nhân đang làm việc. Nhận được thông tin này hàng loạt người lao động tại doanh nghiệp này, đáng chú ý có người gắn bó hơn 10 năm hoặc gần 20 năm, đã hoang mang và hụt hẫng, vì sắp đến mùa cuối năm và Tết Nguyên đán, cũng là thời điểm phải chi tiêu nhiều cho gia đình và khó khăn khi đi xin việc ở nơi mới.
Sản phẩm ngành dệt may là một trong những mặt hàng mà người tiêu dùng ở các nước nhập khẩu sẽ ưu tiên cắt giảm khi kinh tế khó khăn hơn. Ảnh minh họa: TL
|
Báo cáo với cơ quan quản lý người lao động về việc phải cắt giảm lượng lớn lao động này, doanh nghiệp này cho rằng do ảnh hưởng kinh tế thế giới, các đối tác gặp khó khăn, công ty không có đơn hàng sản xuất.
Theo doanh nghiệp này, dù đã tìm nhiều biện pháp nhưng công ty vẫn gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, không thể khôi phục hoạt động như kế hoạch đề ra. Do đó, công ty buộc phải thu hẹp sản xuất và chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động. Theo đó, Công ty Tỷ Hùng sẽ thu hẹp toàn bộ khối sản xuất và một số đơn vị gián tiếp phục vụ sản xuất, chấm dứt hợp đồng lao động với khoảng 1.185 lao động kể từ đầu tháng 12 tới. Trong đó có 936 lao động có hợp đồng vô thời hạn và 249 lao động có hợp đồng 1 năm.
Tình huống tương tự hai doanh nghiệp giày dép nói trên đang dần dần được lặp lại tại các ngành sản xuất khác như may mặc, đồ gỗ, nhựa… Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội May thêu đan TPHCM, cho biết do lạm phát ở các nước trên thế giới tăng cao, thu nhập hiện nay các doanh nghiệp dệt may bị sụt giảm đơn hàng sản xuất rất nhiều.
Đáng chú ý, các doanh nghiệp FDI về may mặc bị sụt giảm đến 30% đơn hàng nên khả năng những doanh nghiệp này phải thu hẹp sản xuất là rất cao. “Từ nay đến cuối năm và sang đầu năm 2023, thị trường xuất khẩu vẫn còn khó khăn, nhất là các thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ và châu Âu”, ông Hồng nói.
Khó khăn về đầu ra khiến các công ty phải tính toán lại hoạt động như thu hẹp sản xuất, “bấm bụng” cắt giảm lao động hoặc giảm giờ làm việc của công nhân… “Trong khi đó, phần lớn công nhân ở ngành may mặc thì mong muốn được làm thêm giờ để tăng thêm thu nhập”, ông Hồng chia sẻ.
Đáng chú ý là doanh nghiệp đồ gỗ đang bị sụt giảm mạnh về đơn hàng. Theo ông Nguyễn Văn Sang, thành viên Ban chấp hành Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA) thị trường Mỹ và châu Âu chiếm hơn 70% tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng đồ gỗ của Việt Nam. Hai thị trường này đang trong tình hình khó khăn và lạm phát cao khiến người dân thắt chặt mua sắm những mặt hàng không thiết yếu như đồ gỗ. Ông Sang cho biết hầu hết các doanh nghiệp gỗ đang bị sụt giảm đơn hàng. Có doanh nghiệp giảm hơn 50%, dẫn đến phải cắt giảm lao động, hoặc cho đóng cửa nhà máy.
Khó khăn kéo dài…
Trên thực tế khó khăn về các thị trường xuất khẩu và sụt giảm đơn hàng tại các doanh nghiệp sản xuất ở các ngành hàng đã diễn ra hơn 3 tháng qua. Tuy nhiên diễn biến thị trường những tháng về sau càng khó khăn khiến các doanh nghiệp ngày càng “thấm đòn” và khó có thể cầm cự trong việc bảo toàn hoặc giữ chân người lao động được lâu hơn nữa.
Doanh nghiệp đồ gỗ xuất khẩu cũng đang bị giảm mạnh đơn hàng sản xuất. Ảnh minh họa: L.Hoàng
|
Kết quả khảo sát hơn 400 doanh nghiệp sản xuất ở Việt Nam của S&P Global được HS Markit công bố tuần vừa qua cũng cho thấy thực tế đáng quan ngại về ngành sản xuất. Đó là số lượng đơn đặt hàng mới đã tăng yếu nhất trong hơn một năm, từ đó sản lượng, việc làm và hoạt động mua hàng tăng chậm hơn.
Theo ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, dữ liệu Chỉ số Nhà Quản trị mua hàng (PMI) tháng 10 cho thấy những dấu hiệu đầu tiên rằng tình trạng yếu kém của nền kinh tế toàn cầu đang bắt đầu ảnh hưởng đến tăng trưởng tại các nhà sản xuất của Việt Nam khi cả số lượng đơn đặt hàng mới và xuất khẩu đều tăng với tốc độ yếu nhất trong 13 tháng. Những lo ngại về tình trạng nhu cầu cũng ảnh hưởng đến niềm tin kinh doanh.
Không chỉ là tăng trưởng yếu mà còn thể hiện rõ là bị sụt giảm như tại đầu tàu kinh tế của cả nước là TPHCM. Báo cáo của Cục Thống kê của TPHCM cho thấy Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 10 vừa qua của thành phố ước tính tăng 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng lại bị sụt giảm 3,1% so với tháng trước đó.
Đáng chú ý, những ngành công nghiệp có thế mạnh của thành phố đang có chiều hướng bị sụt giảm như công nghiệp chế biến, chế tạo trong tháng 10 vừa qua bị giảm 3,3% so với tháng trước đó; hay sản xuất và phân phối điện giảm 4,8% so với tháng trước.
Tại cuộc họp định kỳ về tình hình phát triển kinh tế – xã hội tháng 10 và 10 tháng đầu năm cùng nhiệm vụ, giải pháp những tháng cuối năm 2022 mới đây, Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư TPHCM Lê Thị Huỳnh Mai, cũng bày tỏ mối quan ngại khi sản xuất công nghiệp hàng tháng của thành phố đang có sự sụt giảm. Điều này đến từ tác động tiêu cực của nguồn nguyên liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất, chuỗi cung ứng của thị trường toàn cầu đang bị ảnh hưởng, sức mua toàn cầu giảm.
Và theo một khảo sát gần đây tại các doanh nghiệp hoạt động trong các khu chế xuất và khu công nghiệp trên địa bàn TPHCM, có 51 doanh nghiệp báo cáo giảm đơn hàng và sẽ có gần 6.000 công nhân, lao động bị ảnh hưởng.
Nguyên nhân các doanh nghiệp giảm đơn hàng là do tác động bởi cuộc chiến tranh giữa Nga với Ukraine, tình hình an ninh chính trị nhiều nơi trên thế giới bất ổn; giá nguyên liệu, nhiên liệu, khí đốt tăng cao, trong khi mùa đông ở Châu Âu đang bắt đầu. Từ những nguyên nhân trên đã ảnh hưởng đến cuộc sống người dân các nước Mỹ, Châu Âu, buộc họ phải cắt giảm chi tiêu, mua sắm vào dịp cuối năm… Nhóm đơn hàng bị ảnh hưởng nặng nhất tập trung vào các ngành hàng như, nữ trang, thời trang cao cấp (quần áo, da giày có thương hiệu nổi tiếng trên thế giới; gỗ…).
Theo Ban Quản lý Khu chế xuất và Công nghiệp TP.HCM, con số 51 doanh nghiệp bị ảnh hưởng là chưa phản ánh đúng thực trạng. Bởi số lượng doanh nghiệp đông, địa bàn rộng, một số doanh nghiệp vẫn còn che giấu thông tin, không công bố công khai, nhiều công đoàn cơ sở chưa mạnh dạn báo cáo.
Cắt giảm lao động là việc “cực chẳng đã” và cũng khiến nhiều doanh nghiệp đau đầu vì nếu như đơn hàng tăng cao trở lại thì rất khó tuyển người lao động có tay nghề sau này.
Trong khi đó, những người lao động thuộc diện cắt giảm vào thời gian này cũng lao đao tìm việc mới vì không riêng doanh nghiệp cắt giảm lao động gặp khó mà là tình hình chung của nhiều doanh nghiệp.
Hơn nữa vào thời điểm gần cuối năm, đa số người lao động là ở các tỉnh thường mong muốn thời gian làm việc được nhiều hơn theo thời gian quy định để tích góp tiền về quê thăm gia đình. Trước tình hình này, nhiều người lao động, công nhân ở các tỉnh rất hoang mang không biết cái Tết sắm đến có thể sẽ rất khó khăn.
Các chuyên gia cho rằng suy thoái kinh tế thế giới đã rất rõ, lạm phát gia tăng đẩy nền kinh tế thế giới rơi vào nguy cơ trì trệ… Điều đó làm cho tiêu dùng sụt giảm, chuỗi cung ứng toàn cầu bị gãy đổ, chi phí logistics tiếp tục tăng cao, nhà sản xuất khó khăn… Theo các chuyên gia kinh tế, từ quí 4 năm nay đến quí đầu năm 2023 kinh tế sẽ rất khó khăn, doanh nghiệp sẽ đối mặt với thách thức này.
Lê Hoàng
TBKTSG
|