Thứ Năm, 24/11/2022 10:44

Doanh nghiệp đề xuất giải pháp gỡ khó cho trái phiếu, thị trường chứng khoán

Tại buổi làm việc do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chủ trì họp với các công ty chứng khoán, doanh nghiệp phát hành hôm 23/11, nhiều ý kiến được đưa ra nhằm gỡ khó khăn cho thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp.

Doanh nghiệp cho rằng, điều quan trọng nhất hiện nay là nới room tín dụng ngân hàng, duy trì thanh khoản để các doanh nghiệp có dòng vốn lưu thông; các tổ chức phát hành phải thực hiện đúng và đầy đủ các cam kết đối với các nhà đầu tư.

Đối với cơ quan quản lý nhà nước, cần giải quyết nhanh các hồ sơ pháp lý cho các dự án, đặc biệt là các dự án bất động sản có thể đưa sản phẩm ra thị trường sớm để thu hồi vốn nhằm thực hiện việc trả nợ trái phiếu đúng hạn.

Tháo gỡ nút thắt phát hành trái phiếu ra công chúng

Đại diện công ty chứng khoán, ông Nguyễn Vũ Long – Thành viên HĐQT kiêm Quyền Tổng Giám đốc Chứng khoán VNDIRECT (VND) cho rằng, nút thắt lớn nhất hiện nay đối với thị trường trái phiếu là dòng vốn thanh khoản của doanh nghiệp. Hiện nay các kênh huy động vốn của doanh nghiệp đều đang bị ách tắc, ngân hàng đã hết room tín dụng từ giữa quý 2, đầu quý 3/2022, các kênh huy động vốn khác của doanh nghiệp như thị trường cổ phiếu gần đây gặp không ít khó khăn.

Trong quý 4/2022 gần như không có doanh nghiệp nào huy động được trái phiếu mới. Trong ngắn hạn, quan trọng nhất là duy trì thanh khoản để các doanh nghiệp có dòng vốn lưu thông, từ đó mới có thể tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh. Thanh khoản bù đắp kịp thời nhất hiện nay sẽ đến từ cái tín dụng ngân hàng, nhưng lại không thể cho vay mới khi các ngân hàng đã cạn room.

“Niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường rất quan trọng. Một số sự việc xảy ra thời gian gần đây ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của nhà đầu tư, do đó cần lấy lại niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường vốn. Nhà đầu tư cần biết rằng đây chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh”, là một phần trên thị trường chứ không phải bức tranh của toàn bộ thị trường trái phiếu doanh nghiệp”, ông Nguyễn Vũ Long đưa ý kiến.

Đối với thị trường cổ phiếu, hiện nay Việt Nam đã phát triển đến giai đoạn mà yếu tố cung cầu trên thị trường tự cân bằng theo theo quá trình, có giai đoạn thị trường tâm lý chung là tiêu cực bi quan nhưng trong dài hạn là sự cân bằng trở lại, thị trường cổ phiếu sẽ phản ánh đúng với sức khỏe nền kinh tế Việt Nam.

Trần Thị Thu Trang - Phó Tổng Giám đốc Phụ trách phát hành Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) cho biết, các doanh nghiệp đang bị ách tắc về việc huy động vốn. Sắp tới lượng trái phiếu đáo hạn sẽ tạo áp lực cho doanh nghiệp khi họ chưa có khả năng tìm được nguồn vốn bù đắp hoặc cơ cấu lại các khoản nợ của mình.

Bà Trang mong muốn làm sao có thể tăng thêm khả năng huy động vốn của doanh nghiệp, tập trung vào thị trường phát hành ra công chúng, nguồn vốn đến từ dân, có quy trình thẩm định chặt chẽ về pháp lý, giúp tăng niềm tin nhà đầu tư. Để khuyến khích doanh nghiệp tập trung kênh này thì các cơ quan nhà nước có thể xem xét lại quy trình thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích doanh nghiệp phát hành ra công chúng nhiều hơn.

Doanh nghiệp bán rẻ tài sản để có tiền thực hiện cam kết tài chính với nhà đầu tư

Về trách nhiệm của các doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, ông Lê Quốc Bình - Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TPHCM (HOSE: CII) cho rằng, các tổ chức phát hành phải là người chịu trách nhiệm hoàn trả nợ trái phiếu đến hạn cho các đầu tư, đây không phải trách nhiệm của Nhà nước.

Hiện nay, dòng tiền của các doanh nghiệp đang khó khăn nhưng doanh nghiệp phải chủ động xoay xở tất cả kênh huy động, thậm chí phải bán rẻ tài sản, hạ giá sản phẩm để thu hồi dòng tiền nhằm thực hiện đúng cam kết với nhà đầu tư trái phiếu. Có như vậy thì niềm tin của nhà đầu tư trái phiếu mới được vực dậy, thị trường trái phiếu doanh nghiệp mới có thể tiếp tục phát triển.

Doanh nghiệp mong muốn giải quyết các vấn đề pháp lý

Theo ông Bình, doanh nghiệp mong muốn không phải hỗ trợ bằng tiền mà là việc giải quyết các hồ sơ pháp lý cho các dự án, đặc biệt là các dự án bất động sản có thể giải quyết nhanh để các nhà đầu tư trong các dự án bất động sản có thể đưa sản phẩm ra thị trường sớm để có điều kiệnbán được với giá rẻ và thu hồi vốn thực hiện việc trả nợ trái phiếu cho các nhà đầu tư đúng hạn. Doanh nghiệp phải luôn luôn xác định việc thực hiện nghĩa vụ nợ trái phiếu cho các nhà đầu tư là một việc đặc biệt quan trọng để giữ chữ tín của doanh nghiệp trên thị trường.

Về nguồn vốn, việc nới room tín dụng được nhiều doanh nghiệp nhắc đến và kiến nghị. Đại diện Tập đoàn Trung Nam cho biết, một số doanh nghiệp dồn nguồn lực đầu tư vào các dự án rất nhiều, trong bối cảnh lãi suất ngân hàng tăng khiến khả năng trả nợ trong ngắn hạn thấp đi, thiếu nguồn tiền tái đầu tư trong tương lai, Do đó, doanh nghiệp đề xuất vẫn bảo đảm kỳ hạn trái phiếu nhưng có phương án nghiên cứu để doanh nghiệp có thời gian bảo đảm trả nợ linh hoạt hơn.

Bên cạnh đó, việc phát hành qua các trung gian như ngân hàng, công ty còn cao. Do đó, đại diện Trung Nam mong muốn Bộ Tài chính có cơ chế bảo đảm nhà đầu tư tiếp cận trực tiếp nhiều hơn, thay vì thông qua bên tư vấn.

Hiệp hội trái phiếu cũng chỉ ra những khó khăn vướng mắc của thị trường liên quan đến thị trường tài chính, tiền tệ, các thanh khoản cũng như khó khăn về mặt pháp lý.

Lãnh đạo Bộ Tài chính đồng tình với kiến nghị, đề xuất Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng, đặc biệt các ngân hàng thương mại cần cho vay hoàn thiện dự án, khơi thông dòng tiền cho doanh nghiệp, giảm bớt khó khăn đối với các dự án có tiềm năng tốt không bị đứt gãy dòng tiền.

Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng khẳng định quan điểm phát hành trái phiếu ra công chúng hay phát hành riêng lẻ điều quan trọng nhất là uy tín, lòng tin với nhà đầu tư.

Bộ Tài chính cũng sẽ thu thập các ý kiến để trình sửa Nghị định 65 (về chào bán trái phiếu doanh nghiệp). Theo đó, sẽ điều chỉnh một số quy định để có thể gia hạn nợ, nội dung thoả thuận giữ nhà đầu tư, nhà phát hành, ví dụ có thể đàm đàm phán kéo dài thời hạn thu xếp trả nợ dần cho nhà đầu tư…

Tổng hợp các ý kiến, Bộ Tài chính cho biết sẽ làm việc với các bộ, ngành liên quan để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm đưa ra các giải pháp trước mắt và lâu dài để củng cố niềm tin và đưa thị trường phát triển bền vững.

Theo Bộ Tài chính, 10 tháng đầu năm 2022, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt gần 330,000 tỷ đồng, giảm 25,2% so với năm 2021. Khối lượng trái phiếu doanh nghiệp mua lại trước hạn đạt hơn 150,000 tỷ đồng. Các đơn vị có khối lượng phát hành lớn nhất gồm tổ chức tín dụng, bất động sản, xây dựng...

Thu Minh

FILI

Các tin tức khác

>   Tiết lộ thông tin cuộc họp khẩn của Bộ Tài chính về trái phiếu doanh nghiệp (24/11/2022)

>   Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Đang tìm cách để doanh nghiệp BĐS tiếp cận vốn giữa lúc thị trường lao dốc (23/11/2022)

>   Hoán đổi trái phiếu doanh nghiệp sang tài sản có khả thi? (23/11/2022)

>   Kinh doanh bị đình trệ, AGM xin lùi thời hạn thanh toán lãi trái phiếu (22/11/2022)

>   GEX mua lại trước hạn gần 200 tỷ đồng trái phiếu (22/11/2022)

>   Bộ Tài chính sắp họp bàn về thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp (22/11/2022)

>   Nam Long huy động thêm 500 tỷ đồng trái phiếu (22/11/2022)

>   Gỡ khó trái phiếu doanh nghiệp: Giải pháp “153+” hoặc “65-“ (21/11/2022)

>   Sự 'vỡ trận' lành mạnh (21/11/2022)

>   Cần chặn “vết thương đang chảy máu” trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp (21/11/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật